Học sinh THPT dần làm quen các sản phẩm của trí tuệ nhân tạo và sử dụng cho việc học tập, nghiên cứu. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục cũng là một trong các đề bài tại cuộc thi Trí tuệ nhân tạo Việt Nam (Vietnam AI Contest) 2024.
Gần 1 thập kỷ qua, sự phát triển nhanh chóng của mạng lưới công nghệ thông tin (CNTT) và trí tuệ nhân tạo (AI) đã đặt ra nhiều thách thức cho các ngành nghề, nhất là giáo dục. Giờ đây, khi học sinh được tiếp xúc với công nghệ hiện đại, vai trò của giáo dục trong việc định hướng nghề nghiệp tương lai của các em trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Ngoài các kiến thức được dạy ở trường, học sinh nên dần thích nghi và ứng dụng các sản phẩm của trí tuệ nhân tạo phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu để liên tục phát triển.
“Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục” cũng là một trong những đề bài được đặt ra cho các thí sinh của cuộc thi Trí tuệ nhân tạo Việt Nam (Vietnam AI Contest) năm nay.
Ông Nguyễn Song Nam – Tổng Giám đốc VLAB Innovation – đại diện BTC cuộc thi, chia sẻ: “Tin rằng giáo dục là nền móng, tiền đề của xã hội văn minh hiện đại, chúng tôi mong muốn được lắng nghe ý kiến của các thầy cô giáo về cuộc thi nói riêng và lĩnh vực trí tuệ nhân tạo nói chung. Tôi còn nhớ, trong vòng chung kết trực tiếp cuộc thi năm 2023, GS. Nazli Chouri sau khi lắng nghe ý tưởng của các thí sinh trình bày đã gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các thầy cô giáo – những người trực tiếp giảng dạy các em. Sự thành công của các học sinh luôn song hành cùng sự ủng hộ và hỗ trợ của các thầy cô giáo. BTC rất trân trọng điều đó”.
Trong khuôn khổ cuộc thi, ban tổ chức (BTC) đã có dịp thăm, chia sẻ về cuộc thi tại một số trường THPT ở một số tỉnh thành. Ông Song Nam cho biết BTC đã gặp gỡ và trò chuyện cùng đại diện 9 trường: Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam, Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc (Vĩnh Phúc), Trường THPT Chuyên Thái Nguyên (Thái Nguyên), Trường THPT Nguyễn Huệ (Ninh Bình), Trường THPT Chuyên Hạ Long (Quảng Ninh), Trường THPT Hàng Hải (Hải Phòng), Trường THPT Nguyễn Khuyến (Nam Định), Trường Tiểu học, THCS, THPT Nguyễn Công Trứ (Nam Định).
Hiện nay tại các trường THPT vẫn chưa có môn học chính thức về trí tuệ nhân tạo hay khoa học máy tính, các học sinh mới chỉ làm quen với môn Tin học, các kiến thức chuyên sâu về công nghệ sẽ được giảng dạy tại bậc đại học. Vì vậy nguồn học liệu cho các em học sinh tìm hiểu về trí tuệ nhân tạo còn hạn chế, đó là khó khăn đối với cả giáo viên và học sinh khi tham gia các cuộc thi trong lĩnh vực này.
“Trí tuệ nhân tạo là lĩnh vực khá khó và nguồn tài liệu cho các học sinh cũng khá hạn chế. Đối với trường Ams (THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam), ngoài sự triển khai từ tổ bộ môn và học sinh tự tìm hiểu, nhà trường còn liên kết với một số trường đại học, nhờ các giáo viên, giảng viên có chuyên môn cao giảng dạy cho câu lạc bộ và đội tuyển của trường”, thầy Nguyễn Thanh Tùng – giáo viên bộ môn Tin học, trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam cho biết.
Đại diện BTC chia sẻ, đối với các học sinh đam mê trí tuệ nhân tạo, sự tham vấn đến từ thầy cô là điều vô cùng cần thiết để các em hiểu đúng và đầy đủ về lĩnh vực này. Cuộc thi Trí tuệ nhân tạo Việt Nam là cơ hội hiếm có để các thí sinh tham gia được gặp gỡ, trò chuyện và thảo luận trực tiếp với hội đồng chuyên gia hàng đầu. Những nhận xét của các giáo sư sẽ giúp học sinh gợi mở suy nghĩ, tìm hiểu những khía cạnh khác trong ý tưởng của mình để hoàn thiện hơn trong tương lai.
Cuộc thi Trí tuệ nhân tạo Việt Nam mùa 2 sẽ đóng cổng vào ngày 9/10. Tìm hiểu thông tin chi tiết về cuộc thi qua:
Fanpage “VLAB Innovation”: https://www.facebook.com/vlabinnovation/ Website: vlabinnovation.com |