Home » Câu chuyện và con người » Thông điệp từ các Lãnh đạo danh dự của Diễn đàn Toàn cầu Boston nhân ngày 4 tháng 7 năm 2025

Thông điệp từ các Lãnh đạo danh dự của Diễn đàn Toàn cầu Boston nhân ngày 4 tháng 7 năm 2025

Từ tinh thần khai sáng của Tuyên ngôn Độc lập đến thách thức của Kỷ nguyên AI, những nhà lãnh đạo toàn cầu chia sẻ suy nghĩ về cách xây dựng một thế giới công bằng, an toàn và nhân văn hơn.

“Hôm nay, khi người dân Hoa Kỳ cùng nhau kỷ niệm Ngày Độc lập, chúng ta một lần nữa được nhắc nhở về trách nhiệm bền bỉ: sử dụng quyền tự do của mình để kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn. Từ Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Diễn đàn Toàn cầu Boston (Boston Global Forum – BGF) cùng với Xã hội Thế giới Trí tuệ nhân tạo (AI World Society – AIWS) cam kết đóng góp cho một thế giới văn minh, an toàn và công bằng hơn thông qua việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo một cách có trách nhiệm.

Từ năm 2017, AIWS đã tiên phong triển khai nhiều sáng kiến trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, giáo dục, đổi mới sáng tạo, y tế và văn hóa, đặt nền móng cho một Bản Khế ước Xã hội trong Kỷ nguyên AI.Chúng tôi đã thúc đẩy nhiều sáng kiến chiến lược như: Sáng kiến Hội nghị Thượng đỉnh AIWS-G7, Chính phủ AIWS 24/7, Hiệp định Tài chính Boston cho Quản trị AI 24/7, Tài sản số danh dự AIWS, Âm nhạc AIWS vì Nhân loại và Công viên Điện ảnh AIWS

Năm nay, BGF tự hào kỷ niệm 10 năm Giải thưởng Lãnh đạo Thế giới vì Hòa bình và An ninh (2015–2025).
Để đánh dấu cột mốc này, chúng tôi đang sản xuất loạt phim tài liệu kể lại hành trình của các cá nhân được vinh danh với Giải Lãnh đạo Thế giới vì Hòa bình và An ninh, cũng như Giải Lãnh đạo Thế giới trong Xã hội AIWS.
Dự án có ý nghĩa sâu sắc này do ông Nguyễn Anh Tuấn — Đồng sáng lập, Đồng Chủ tịch và Tổng Giám đốc BGF — trực tiếp dẫn dắt, nhằm tái hiện sống động những câu chuyện lãnh đạo đã góp phần định hình một thế giới hòa bình, dân chủ và khai sáng hơn.

Bên cạnh đó, BGF và AIWS cũng sẽ phát hành Tài sản số Lãnh đạo dưới dạng NFT danh dự, nhằm lưu giữ và lan tỏa di sản của các nhà lãnh đạo xuất chúng — để truyền cảm hứng cho các thế hệ hiện tại và tương lai.

Những sáng kiến này không chỉ dừng lại ở ý tưởng lý thuyết, mà là những bước đi thiết thực nhằm bảo đảm rằng trí tuệ nhân tạo sẽ phục vụ con người, củng cố giá trị dân chủ và tăng cường hòa bình, an ninh toàn cầu.

Nhân ngày 4 tháng 7 này, tôi kêu gọi mỗi cá nhân, ở khắp mọi nơi, hãy cùng đồng hành với chúng tôi tại BGF và AIWS để hiện thực hóa tầm nhìn AIWS.
Chỉ khi cùng nhau hành động, chúng ta mới có thể bảo đảm rằng trí tuệ nhân tạo sẽ trở thành lực lượng vì điều thiện, nâng cao phẩm giá con người và thúc đẩy tiến bộ cho toàn nhân loại.

Hãy cùng nhau kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn trong Kỷ nguyên AI”

Thống đốc Michael Dukakis
Đồng sáng lập và Đồng Chủ tịch, Diễn đàn Toàn cầu Boston
Nguyên Thống đốc bang Massachusetts


“Vào Ngày Độc lập năm nay, hãy cùng nhau làm mới cam kết của chúng ta đối với các giá trị tự do, phẩm giá con người và pháp quyền — những nguyên tắc cốt lõi tạo nền tảng cho nền dân chủ Hoa Kỳ và hòa bình thế giới.
Trân trọng chúc Diễn đàn Toàn cầu Boston tiếp tục gặt hái thành công trong việc thúc đẩy những lý tưởng cao đẹp này trên phạm vi toàn cầu”

Ngài Mark R. Kennedy
Giám đốc sáng lập, Viện Cạnh tranh Chiến lược Wahba (WISC)
Thành viên Hội đồng Tư tưởng Diễn đàn Toàn cầu Boston


“Ngay từ thuở lập quốc, lời hứa của nước Mỹ — rằng “mọi người sinh ra đều bình đẳng” và được ban cho các quyền “sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc” — đã vượt khỏi biên giới lãnh thổ, vang vọng đến mọi miền thế giới.
Thomas Jefferson, khi viết nên những dòng Tuyên ngôn lịch sử ấy, có lẽ không thể hình dung được rằng qua nhiều thế kỷ, lời văn của ông sẽ trở thành nguồn cảm hứng cho biết bao cuộc di cư đầy hy vọng và khốn khó: từ những gia đình Ireland trốn tránh nạn đói, người châu Âu rời bỏ các khu ổ chuột đông đúc, lao động châu Á vượt đại dương, đến người Mexico tìm kiếm cơ hội phía bên kia biên giới.
Mỗi làn sóng nhập cư đều được dẫn dắt bởi cùng một lời hứa, làm lung lay các xã hội cũ, đồng thời làm thay đổi chính cả những người nhập cư lẫn đất nước đón nhận họ.

Hoa Kỳ khác biệt giữa các quốc gia không phải bởi huyết thống chung hay đường biên giới cổ xưa, mà bởi một ý tưởng cách mạng làm nền tảng: một quốc gia có thể được hình thành trên lý tưởng tự do và bình đẳng.
Tượng Nữ thần Tự do giữa cảng New York chính là biểu tượng cho sự chào đón đó — ngọn hải đăng soi đường cho bao thế hệ tìm đến tự do. Song, sự cởi mở của nước Mỹ với người nhập cư chưa bao giờ là điều đơn giản.

Ngày nay, khi những người di cư và người xin tị nạn tiếp tục đặt chân đến, họ không chỉ nuôi hy vọng về một cuộc sống mới, mà còn phải đối mặt với các chính sách siết chặt việc giam giữ và trục xuất. Trẻ em và gia đình bị giữ tại các cơ sở ở biên giới; hàng trăm ngàn người bị trục xuất mỗi năm. Câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ: Liệu lời Jefferson viết ra là lời kêu gọi mang tính phổ quát, hay chỉ là một đặc quyền được kiểm soát chặt chẽ?

Đây không phải là một tranh luận mới. Ngay từ buổi đầu, người Mỹ đã bất đồng về ý nghĩa và giới hạn của những lý tưởng mà họ theo đuổi. Jefferson từng xem Tuyên ngôn là thông điệp gửi tới toàn thế giới — lời mời gọi mọi người “phá tan xiềng xích.”
Thế nhưng, đồng thời, những người như John Adams lại đặt nặng mối lo về an ninh và bản sắc dân tộc, dẫn đến việc ban hành các đạo luật như Luật Người nước ngoài và Luật Trừng phạt — vốn hạn chế quyền của người nhập cư, và sau này được khôi phục dưới thời chính quyền Trump.

Những căng thẳng hiện nay về vấn đề nhập cư chỉ là tiếng vọng từ cuộc tranh luận căn bản ấy. Các chính sách giam giữ hay trục xuất người nhập cư phản ánh những nỗi lo lâu đời trong lịch sử quốc gia, đồng thời đặt ra câu hỏi nền tảng: Ai là người thực sự có quyền thụ hưởng lời hứa về “quyền sống, tự do và mưu cầu hạnh phúc”?

Khi chúng ta kỷ niệm ngày Tuyên ngôn Độc lập ra đời, chúng ta được nhắc nhở rằng lý tưởng Mỹ vẫn là một công trình đang được hoàn thiện.
Lời kêu gọi tự do vẫn vang lên, dù những cánh cổng được canh giữ cẩn mật hơn.
Thước đo thực sự của các giá trị quốc gia nằm ở chỗ: liệu chúng ta có sẵn lòng mở rộng vòng tay với những con người tìm kiếm một khởi đầu mới, hay khép cánh cửa ngay trước mặt họ?”

Thomas Patterson
Giáo sư Đại học Harvard
Đồng sáng lập Diễn đàn Toàn cầu Boston


“Ngày nay, thế giới đang phải đối mặt với những thách thức to lớn và những biến động xã hội sâu rộng.
Chúng ta cần vượt ra khỏi những vấn đề trước mắt để định hình một thế giới tốt đẹp hơn cho các thế hệ tương lai.
Nhiệm vụ ấy đòi hỏi chúng ta phải không ngừng thử nghiệm và đánh giá đa dạng các công nghệ cùng thể chế xã hội, nhằm tìm ra phương thức sống tối ưu nhất để thúc đẩy sự phát triển toàn diện của con người”

Alex Pentland
Giáo sư Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và Đại học Stanford