Chủ tịch Viện Michael Dukakis về Lãnh đạo và Đổi mới – Sáng tạo; Đồng sáng lập, Chủ tịch Diễn đàn Toàn cầu Boston – Boston Global Forum
Giáo sư Michael Stanley Dukakis được cả thế giới biết đến với cương vị Thống đốc bang Massachusetts, là nhà lãnh đạo lâu năm nhất của bang, bắt đầu nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 1975 và 2 lần tái đắc cử vào năm 1982 và 1986. Ông đồng thời là Ứng viên đảng Dân chủ, đối thủ của Bush cha trong cuộc đua tranh vào Nhà Trắng năm 1988. Sinh ra và lớn lên tại Massachusetts – cũng là quê hương của rất nhiều vị Tổng thống Mỹ như John Adams, John Quincy Adams, John Fitzgerald Kennedy, từ nhỏ ông đã được “tận mục sở thị” những bất công và sự phân tầng đẳng cấp xã hội. Đó cũng là nguyên nhân khách quan hình thành nên một Dukakis mang đầy khát vọng hướng tới một xã hội tốt đẹp hơn cho tất cả mọi tầng lớp.
Ông cũng là Giáo sư danh dự của Đại học Harvard. Từ năm 1991 ông là Giáo sư danh dự của môn Khoa học chính trị tại Đại học Northeastern ở Boston, và từ năm 1996 trở thành giáo sư thỉnh giảng cho khóa học mùa đông tại Đại học UCLA ở Los Angeles.
Trong những năm 1980 của thế kỷ 20, ông được ví như người mở đầu cho “Điều kỳ diệu của Massachusetts”, Dukakis đã cùng Massachusetts trải qua giai đoạn phát triển đỉnh cao của ngành công nghệ và dịch vụ tài chính, nổi bật nhất trong đó là vùng Boston và các vùng lân cận dọc tuyến đường 128. Sự bùng nổ của công nghệ cao ngày càng lan rộng, đã góp phần thúc đẩy kinh tế bang Massachusetts phát triển vượt xa so với nhiều khu vực khác trên nước Mỹ. Tuy nhiên, sau khi Dukakis rời bỏ sự nghiệp chính trị của mình vào năm 1991, “Điều kỳ diệu của Massachusetts” cũng chấm dứt, để lại cho chính quyền Bush nhiều vấn đề nan giải về thất nghiệp và phi công nghiệp hóa dẫn đến suy thoái kinh tế Mỹ sau đó.
Năm 2013, Giáo sư Michael Dukakis đã sang Việt Nam phát biểu tại Lễ công bố 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam do công ty Vietnam Report tổ chức tại Nhà hát Lớn – Hà Nội.
Thống đốc Michael Dukakis là đồng tác giả Khế ước Xã hội cho Kỷ nguyên Trí tuệ Nhân tạo. và đồng tác giả cuốn sách “Xây lại Thế giới – Tạo dựng Kỷ nguyên Khai sáng Toàn cầu”.
.
Đồng sáng lập, Giám đốc Viện Michael Dukakis về Lãnh đạo và Đổi mới – Sáng tạo; Đồng sáng lập và Tổng Giám Đốc Diễn đàn Toàn cầu Boston – Boston Global Forum. Nhà sáng lập và Tổng biên tập đầu tiên của Báo VietnamNet.
Ông Nguyễn Anh Tuấn là Tổng Biên tập đầu tiên của báo điện tử VietNamNet trong 13 năm. Từ năm 2008 đến 2016, ông là thành viên Hội đồng Cố vấn toàn cầu Trường Kinh doanh Harvard, cùng với Thống đốc Michael Dukakis và các giáo sư Harvard Thomas Patterson, John Quelch, sáng lập “Diễn đàn Toàn cầu Boston từ 12/2012. Năm 2015, ông khởi xướng và là tác giả Bộ Chuẩn Mực Đạo đức và Quy tắc Ứng xử vì Hoà bình & An ninh mạng (ECCC), cùng với các đồng tác giả Thống đốc Michael Dukakis, giáo sư Thomas Patterson (Đại học Harvard), giáo sư John Quelch (Đại học Harvard), giáo sư John Savage (Đại học Brown), giáo sư Carlos Tores (Đại học UCLA). Từ tháng 7/2015, ông là Chủ tịch Ủy ban Cố vấn Quốc tế, Chương trình Giáo dục Công dân Toàn cầu của UNESCO và Đại học California Los Angeles UCLA. Tháng 9/2016 đồng sáng lập và là Tổng Biên tập “Mạng Giáo dục Công dân toàn cầu” (GCEN), và đây cũng là sự hợp tác giữa “Diễn đàn Toàn cầu Boston” với “Chương trình Giáo dục Công dân toàn cầu UNESCO và Đại học UCLA”. Từ tháng 10/2016, ông đưa Chương trình Giáo dục Công dân Toàn cầu đến Việt Nam, khởi xướng sáng kiến “Ngày hoà giải Thế giới” 9/9 hàng năm.
Từ năm 2016 đến năm 2019, ông là người khởi xướng và chủ trì Sáng Kiến Diễn đàn Toàn cầu Boston cho bốn Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Nhật, Ý, Canada, Pháp.
Năm 2017, ông Nguyễn Anh Tuấn cùng với Thống đốc Michael Dukakis và các giáo sư Đại học Harvard và Đại học MIT đã cho ra đời “Sáng kiến Xã hội Trí tuệ Nhân tạo” (AIWS). Sáng kiến đã nêu lên những ý tưởng, mô hình mới, với sự ứng dụng rộng rãi và sâu sắc của trí tuệ nhân tạo như Chính phủ Trí tuệ Nhân tạo, Công dân Trí tuệ Nhân tạo. Ngày 12/12/2019, ông Nguyễn Anh Tuấn cùng các giáo sư của Đại học Harvard, MIT sáng lập Mạng Sáng tạo Xã hội Trí tuệ Nhân tạo – AIWS Innovation Network (AIWS.net) tại Đại học Harvard, Mạng AIWS.net được Bang Massachusetts và Trung tâm Khoa học kết nối, Đại học MIT bảo trợ.
Năm 2018, ông và Giáo sư Jason Furman, Chủ tịch hội đồng cố vấn kinh tế của Tổng thống Obama, là đồng tác giả Chiến Lược Đột Phá Kinh Tế Trí Tuệ Nhân Tạo cho Việt Nam.
Năm 2020 ông là đồng tác giả Khế ước Xã hội cho Kỷ nguyên Trí tuệ Nhân tạo cùng với các nhà lãnh đạo, các nhà tư tưởng lớn.
Năm 2021, ông là Chủ biên cuốn sách “Xây lại thế giới – Tạo dựng Kỷ nguyên Khai sáng Toàn cầu”, với đồng tác giả là các nhà lãnh đạo thế giới như Chủ tịch Uỷ ban Châu Âu Ursla von der Leyen, Chủ tịch Quốc Hội Thuỵ điển Andreas Norlen, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, Thống đốc Michael Dukakis, Cha đẻ thuyết quyền lực mềm Giáo sư Đại học Harvard Joseph Nye, Các Nhà Khoa học Dữ liệu Giáo sư Đại học MIT Alex Sandy Pentland, Giáo sư Đại học UCLA Judea Pearl, cha đẻ Internet Vint Cerf …
Ông là người khởi xướng, tổ chức và cùng tham gia chuyến thăm đặc biệt 17 ngày (2/8/2022-19/8/2022) đến Việt Nam của Cựu thủ tướng Israel Ehud Barak, trong đó có các buổi giới thiệu bản song ngữ Việt – Anh của cuốn sách này.
Giáo sư Đại học Harvard, thành viên Hội đồng lãnh đạo của Viện Michael Dukakis về Lãnh đạo và Đổi mới – Sáng tạo; và của Diễn đàn Toàn cầu Boston – Boston Global Forum
Giáo sư Thomas Patterson nguyên Giám đốc Nghiên cứu Trung tâm Shorenstein thuộc Đại học Harvard. Trung tâm Shorenstein là trung tâm nghiên cứu Báo chí, Chính trị và Chính sách công uy tín trên thế giới, nơi thu hút được nhiều nhà lãnh đạo truyền thông, nhà báo nổi tiếng thế giới về đây nghiên cứu.
Ông còn là giáo sư lừng danh tại Trường Quản lý Nhà nước Kennedy, thuộc Đại học Harvard.
Một số tác phẩm và công trình nghiên cứu của Giáo sư Thomas Patterson
Cuốn sách đầu tay của Giáo sư Patterson, The Unseeing Eye – Con mắt mù quáng (1976) là một trong 50 cuốn sách có ảnh hưởng nhất thế giới trong nửa sau thế kỷ 20 về đề tài trưng cầu dân ý (theo bình chọn của Hiệp hội Nghiên cứu Trưng cầu Dân ý của Mỹ).
Một cuốn sách gây tiếng vang lớn trong giới học giả Hoa Kỳ của ông là Out of Order – Hỗn loạn (1994). Tổng thống Mỹ Bill Clinton từng khuyên tất cả các chính trị gia và nhà báo đều nên đọc cuốn sách này. Năm 2002, Out of Order nhận được giải thưởng cao quí của Hiệp hội Khoa học Chính trị Hoa Kỳ cho cuốn sách hay nhất thập kỷ 90 của thế kỷ 20 về đề tài chính trị.
Ông còn là tác giả của The American Democracy – Nền dân chủ Mỹ (2003), We the People –Dân tộc chúng ta (2008), The Mass Media Election – Bầu cử với phương tiện truyền thông đại chúng… Trong cuốn sách The American Democracy, Giáo sư Patterson đề cao sự tham gia của công dân Mỹ trong quá trình phát triển nền chính trị dân chủ của nước này cũng như coi chính trị là một môn học có thể thực hành.
Giáo sư Thomas Patterson và những lần đến Việt Nam
Năm 2008 tại Hà Nội: Tham dự Hội thảo: Tọa đàm với Giáo sư Thomas Patterson về “Truyền thông trong thế giới hôm nay”.
Năm 2009 tại Hà Nội: Tham dự Hội thảo: Tọa đàm với Giáo sư Thomas Patterson về “Các xu hướng phát triển của báo chí, truyền thông sau khủng hoảng”.
Năm 2017 tại Hà Nội: Tham dự Hội thảo Vietnam CEO Summit 2017 với chủ đề “Cuộc chuyển đổi vĩ đại thế kỉ 21 và Chiến lược của doanh nghiệp Việt Nam”.
Giáo sư Thomas Patterson là đồng tác giả Khế ước Xã hội cho Kỷ nguyên Trí tuệ Nhân tạo, đồng tác giả cuốn sách “Xây lại Thế giới – Tạo dựng Kỷ nguyên Khai sáng Toàn cầu”.
Giáo sư Đại học MIT, thành viên Hội đồng lãnh đạo Viện Michael Dukakis về Lãnh đạo và Đổi mới – Sáng tạo và Diễn đàn Toàn cầu Boston – Boston Global Forum, đồng sáng lập Mạng Sáng tạo Xã hội Trí tuệ Nhân tạo (AIWS.net), đồng tác giả Khế ước Xã hội cho Kỷ nguyên Trí tuệ nhân tạo.
Giáo sư Alex Pentland là một trong những nhà khoa học tính toán được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới và Forbes đã vinh danh ông là một trong “7 nhà khoa học dữ liệu xuất sắc nhất thế giới” cùng với những người sáng lập Google. Ông là thành viên của Hội đồng Đối tác Toàn cầu về Dữ liệu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc, đồng chủ trì các cuộc thảo luận của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos. Giáo sư Alex Pentland được mời tham gia phát biểu tại các sự kiện thường niên gần đây của OECD, G20, Ngân hàng Thế giới và JP Morgan.
Giáo sư Alex Pentland đã hướng dẫn cho hơn 80 nghiên cứu sinh, gần một nửa trong số đó hiện nay đang là giảng viên tại các trường đại học hàng đầu thế giới. Giáo sư Pentland cùng các sinh viên của mình đã đi tiên phong trong lĩnh vực khoa học xã hội tính toán, kỹ thuật tổ chức, các thiết bị đeo (Google Glass), nhận diện hình ảnh và sinh trắc học hiện đại. Một số cuốn sách gần đây nhất của ông là Xây dựng Nền kinh tế mới (Building the New Economy) và Dữ liệu Đáng tin cậy (Trusted Data), được xuất bản bởi MIT Press, Social Physics và Penguin Press.
Giáo sư Alex Sandy Pentland là đồng tác giả cuốn sách “Xây lại Thế giới – Tạo dựng Kỷ nguyên Khai sáng Toàn cầu”.
Giáo sư Đại học Y Harvard
Đồng sáng lập Mạng lưới đổi mới AIWS
Giáo sư David Silbersweig là một nhà thần kinh học và giáo sư chuyên khoa tâm thần học, đã được đào tạo về cả tâm thần học và thần kinh học tại Bệnh viện New York-Trung tâm Y tế Weill Cornell, ông hiện là Chủ tịch của Viện Khoa học Thần kinh Brigham và Bệnh viện Phụ nữ. David Silberswei là Giáo sư Tâm thần học Stanley Cobb tại Trường Y Harvard.
David Silbersweig tốt nghiệp Đại học Dartmouth và Đại học Y tế Cornell. Tại Đại học Cornell, Giáo sư Silbersweig đã thành lập và chỉ đạo Phòng thí nghiệm Hình ảnh Thần kinh Chức năng cùng với Tiến sĩ Emily Stern; ông là Giáo sư Tâm thần học Tobin-Cooper, Giáo sư Thần kinh học và Khoa học Thần kinh, và là Phó Chủ nhiệm, Phụ trách Nghiên cứu, tại Khoa Tâm thần. Giáo sư Silbersweig là Giám đốc sáng lập của Khoa Tâm thần kinh, đồng thời là Giám đốc sáng lập của Chương trình Nội trú Kết hợp Thần kinh-Tâm thần. Ông là một trong những người tiên phong nghiên cứu hình ảnh thần kinh chức năng trong tâm thần học. Cùng với các đồng nghiệp của mình, họ đã phát triển các phương pháp và mô hình mới cho cả hình ảnh PET và MRI được sử dụng rộng rãi và đã xác định được các bất thường về mạch thần kinh liên quan đến một số rối loạn tâm thần chính.
Đồng sáng lập, Thành viên Ban điều hành, Thành viên những nhà tư tưởng của Diễn đàn Toàn cầu Boston.
Giáo sư John A. Quelch là Giáo sư Quản trị Kinh doanh hàm Charles Edward Wilson tại Trường Kinh doanh Harvard. Ông cũng là Giáo sư về Quản lý và Chính sách Y tế tại Trường Y tế Công cộng Harvard. Ông cũng là thành viên của Quỹ Harvard Trung Quốc, Thành viên của Ban Cố vấn Harvard Trung Quốc và Giám đốc Nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc Fairbank.
Từ năm 2011 đến năm 2013, Giáo sư John Quelch là Trưởng khoa, Phó Chủ tịch và Giáo sư Xuất sắc về Quản lý Quốc tế tại CEIBS, trường kinh doanh hàng đầu của Trung Quốc. Từ năm 2001 đến năm 2011, ông là Giáo sư Quản trị Kinh doanh hàm Lincoln Filene và Phó Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Harvard. Ông từng đảm nhiệm chức Hiệu trưởng Trường Kinh doanh London từ năm 1998 đến năm 2001. Trước năm 1998, ông là Giáo sư Marketing hàm Sebastian S. Kresge và Đồng Chủ tịch khối Marketing tại Trường Kinh doanh Harvard.
Giáo sư John Quelch nổi tiếng với các Nghiên cứu tình huống (Case study) kinh điển và những đổi mới trong phương pháp sư phạm. Trong 25 năm qua, các Case Study của ông đã bán được hơn 4 triệu bản, cao thứ ba trong lịch sử HBS. Năm 1995, ông phát triển hệ thống bài tập CD-ROM tương tác đầu tiên của HBS (về quy trình lập ngân sách quảng cáo của Intel). Năm 1999, ông đã xây dựng và thuyết giảng chuỗi 12 chương trình giảng dạy thời lượng 01 giờ về Quản lý Tiếp thị cho Hệ thống Phát thanh Công cộng.
Trọng tâm nghiên cứu của Giáo sư John Quelch là tiếp thị và xây dựng thương hiệu toàn cầu ở các thị trường mới nổi cũng như các thị trường đã phát triển. Các dự án nghiên cứu hiện tại của ông đề cập đến (a) hiểu được những đóng góp của tiếp thị đối với hoạt động của các nền dân chủ và (b) chính thức hóa các chỉ số tiếp thị và khách hàng thích hợp để Ban giám đốc đánh giá định kỳ. Giáo sư John Quelch là tác giả, đồng tác giả hoặc biên tập viên của 25 cuốn sách, bao gồm All Business Is Local (2011), Greater Good: How Good Marketing Makes for Better Democracy (2008), Business Solutions for the Global Poor: Creating Social and Economic Value (2007), The New Global Brands (2006), Global Marketing Management (tái bản lần thứ 5, 2006), The Global Market (2005), Cases in Advertising and Promotion Management (tái bản lần thứ 4, 1996) and The Marketing Challenge of Europe 1992 (tái bản lần 2, 1991). Ông đã xuất bản mười tám bài báo về các vấn đề chiến lược tiếp thị trên Tạp chí Kinh doanh Harvard, gần đây nhất là “Làm thế nào để tiếp thị trong tình trạng suy thoái” (tháng 4 năm 2009), và nhiều bài báo khác trên các tạp chí quản lý hàng đầu như McKinsey Quarterly và Sloan Management Review.
Giáo sư John Quelch từng đảm nhiệm vị trí giám đốccủa mười hai công ty niêm yết ở Hoa Kỳ và Vương quốc Anh. Ông hiện là giám đốc không điều hành của WPP và Alere. Trước đó, ông đã có thời gian 8 năm làm Chủ tịch của Cảng Massachusetts. Ông là Tổng lãnh sự danh dự của Maroc tại New England và từng là Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Anh-Mỹ của New England. Giáo sư John Quelch là nhà tư vấn, nhà lãnh đạo các hội thảo và diễn giả cho các công ty, hiệp hội ngành và cơ quan chính phủ tại hơn 50 quốc gia. Ông là thành viên của Ủy ban Ba bên và Hội đồng Quan hệ Đối ngoại. Giáo sư John Quelch được trao bằng tiến sĩ danh dự của Đại học Quốc gia Việt Nam.
Giáo sư John Quelch sinh tại London, Anh, học Exeter College, một trong những học viện hàng đầu của Vương quốc Anh, Đại học Oxford (Cử nhân và Thạc sĩ), Trường Wharton của Đại học Pennsylvania (MBA), Trường Y tế Công cộng Harvard (MS) và Trường Kinh doanh Harvard (DBA) ). Ngoài Anh và Mỹ, ông đã có thời gian sống ở Úc và Canada.
Giáo sư đã từng đến Việt Nam và tham dự nhiều sự kiện do Báo VietNamNet và Vietnam Report tổ chức
Ngày 21-22/02/2008 tại Dinh Thống Nhất, TP HCM với sự kiện chủ đề “Một ngày với GS John Quelch, Đại học Harvard – Nâng tầm thương hiệu Việt”.
Ngày 15/3/2010 tại KS Sheraton, TP HCM với Hội thảo “Điển cứu mới của Harvard về chiến lược tiếp thị trong kỷ nguyên số – Bài học cho lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam”
Ngày 30/03/2011 tại KS Grand Plaza Hà Nội với Lễ công bố 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam – Diễn đàn FAST500 Định vị thương hiệu cho doanh nghiệp tăng trưởng. GS John Quelch trình bày bài phát biểu: Người tiêu dùng trong thế kỷ 21.
Ngày 13 tháng 7 năm 2015, Khách sạn Pullman Saigon, Tp. Hồ Chí Minh với Hội nghị Vietnam CEO Summit 2015: Một ngày Harvard tại Việt Nam – Kỳ thứ 8. Chủ đề: Thương hiệu số và các công cụ Marketing thế hệ mới – Các điển cứu mới từ Đại học Harvard
Ngày 27 tháng 7 năm 2016 tại KS Sheraton Hà Nội với Hội nghị Vietnam CEO Summit 2016: Ngày Harvard tại Việt Nam – Kỳ thứ 9. Chủ đề: Marketing đột phá – Các điển cứu mới từ Đại học Harvard