Tại Diễn đàn trí tuệ nhân tạo Việt Nam được tổ chức vào ngày 24/12/2024, sự xuất hiện của TS. Lương Việt Quốc – CEO Realtime Robotics cùng Drone Hera đã truyền cảm hứng mạnh mẽ tới thế hệ trẻ.
Theo chia sẻ của TS. Lương Việt Quốc, thiết bị không người lái (drone) ngày nay được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như quốc phòng, điện lực, nông nghiệp,… Bằng cách giải các bài toán dựa vào AI, drone đã trở thành “cánh tay đắc lực” để phát hiện kịp thời các tình huống khẩn cấp, mở ra tương lai vì cuộc sống an toàn hơn của con người. Người Việt muốn thành công, tạo dấu ấn đặc biệt so với thế giới, không còn cách nào khác là phải có phát minh thì mới trở nên khác biệt.
“Khi bước ra thế giới, vấn đề phát minh cực kì quan trọng, chúng ta muốn vượt lên trên thế giới thì phải có phát minh thì mới khác biệt. Còn nếu dựa vào cái gì thế giới làm mà chúng ta cố gắng bắt chước thì không thể nào vượt lên trên thế giới được”, CEO Realtime Robotics chia sẻ.
Lấy ví dụ về sự thành công của drone Hera – drone do kĩ sư người Việt nghiên cứu và chế tạo – TS. Lương Việt Quốc đã chia sẻ những ứng dụng của AI trong vận hành Drone để giải quyết các bài toán thực tế.
Cũng tại diễn đàn, các bạn trẻ đã đặt ra nhiều câu hỏi cho chuyên gia. Đáng chú ý là câu hỏi về ứng dụng drone trong chữa cháy. Cuối năm 2024, những vụ cháy gây thiệt hại lớn về người và của liên tục được ghi nhận khiến nhiều người không khỏi bất an, lo lắng. Vậy liệu với khoa học kỹ thuật hiện đại, đặc biệt là sự can thiệp của drone có thể giúp chữa cháy hay không?
TS. Lương Việt Quốc cho biết, trên internet có nhiều clip drone mang nước chữa cháy, trên thực tế dùng drone để trực tiếp chữa cháy là chưa khả thi.
TS. Quốc chia sẻ: “Ý tưởng thì hấp dẫn nhưng khi tiếp xúc với thực tế, như khi tôi trao đổi trực tiếp với các bộ phận nghiên cứu của Cục PCCC thì họ có những con số rất cụ thể. Ví dụ một phòng khách của chung cư có 1 bộ salon, (phòng khách) diện tích khoảng 20m2 thì khi cháy trong vòng 1 phút sẽ tỏa ra lượng nhiệt là bao nhiêu và trong vòng 2 phút tỏa lượng nhiệt là bao nhiêu, và khối lượng nước cần để dập tắt lúc đó là bao nhiêu. Khối lượng nước đó rất lớn…. Không thể có drone vừa mang đủ nước vừa mang tính cơ động, xuất hiện ngay tại hiện trường, ngay lúc có cháy mang đủ nước để dập sớm. Nên trực tiếp chữa cháy là chưa khả thi”.
Tuy nhiên cũng theo chuyên gia, dùng drone để phòng cháy lại rất khả thi. Bởi những mô hình AI có thể dự đoán điểm nóng và cảnh báo cháy theo mức độ nguy cơ từ vàng, cam, đỏ…
Những chia sẻ của các chuyên gia tại diễn đàn đã truyền cảm hứng về những định hướng cho tương lai cho thế hệ trẻ. Nghiên cứu, phát minh và chế tạo drone với những cải tiến hướng đến cuộc sống sẽ là gợi ý thiết thực, giúp các thí sinh cuộc thi Trí tuệ nhân tạo Việt Nam có thêm nhiệt huyết viết tiếp những chương tiếp theo trong câu chuyện thành công của người Việt khi bước ra thế giới.
VLAB Innovation