Home » Tin tức » Hợp tác phát triển điện ảnh Việt Nam – Hoa Kỳ trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo.

Hợp tác phát triển điện ảnh Việt Nam – Hoa Kỳ trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo.

Vào ngày 11 tháng 3 năm 2025, một Hội thảo bàn tròn có tính lịch sử đã được tổ chức tại Đại học Harvard, đây là một phần trong chuỗi hoạt động  kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ. Sự kiện quy tụ các nhà lãnh đạo từ các lĩnh vực điện ảnh, học thuật tinh hoa, chính phủ và sự đổi mới sáng tạo để định hình tương lai của điện ảnh trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (AI). Sự kiện do Diễn đàn Toàn cầu Boston (BGF), Đại học Harvard, Phái đoàn Thường trực của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc và Hiệp hội Xúc Tiến Phát triển Điện ảnh Việt Nam (VFDA) đồng tổ chức, với chủ đề “Nhân văn và Lòng trắc ẩn trong Điện ảnh Việt Nam và đóng góp cho xã hội vạn vật trí tuệ nhân tạo AIWS”, khơi dậy những quan hệ đối tác đột phá và một tầm nhìn chung cho lối kể chuyện được ứng dụng bởi trí tuệ nhân tạo AI.

Cuộc đối thoại đầy sâu lắng

Giáo sư Thomas Patterson từ Trường Kennedy, Đại học Harvard đã mở đầu bằng lời giới thiệu nồng nhiệt, mở đường cho các cuộc thảo luận sôi nổi. Các diễn giả chính bao gồm Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Đại diện Thường trực của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc; Thống đốc Michael Dukakis, Cựu Thống đốc Massachusetts và Đồng Chủ tịch BGF; cùng Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Chủ tịch VFDA, người có bài phát hiểu thu hút sự chú ý của đông đảo người tham dự.

Tiến sĩ Ngô Phương Lan: Sự trưởng thành của nền điện ảnh Việt Nam

Tiến sĩ Ngô Phương Lan đã nhấn mạnh sự phát triển vượt bậc của điện ảnh nước nhà: “Trong năm năm qua, nhiều bộ phim của chúng tôi đã nhận được sự công nhận toàn cầu, với doanh thu phòng vé lên đến hàng chục triệu đô la. Luật Điện ảnh sửa đổi đã đón nhận và thu hút các đoàn làm phim nước ngoài nhiều hơn, nhưng thành công của chúng tôi nằm ở việc phản ánh bản sắc của Việt Nam—lòng yêu nước, giá trị gia đình và lòng vị tha, ngay cả đối với những kẻ thù cũ.” Những hiểu biết của Tiến sĩ đều bắt nguồn từ cuốn sách năm 2007 Modernity and Nationality in Vietnamese Cinema (Tạm dịch: Tính Hiện đại và Tính Dân tộc trong Điện ảnh Việt Nam), làm nổi bật sự kết hợp giữa sự tiến bộ và tính chân thực.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang: Điện ảnh là một cây cầu kết nối văn hóa

Đại sứ Giang chỉ rõ sức mạnh thống nhất của điện ảnh: “Đây là một vinh dự khi có thể đại diện cho Việt Nam để đứng ở đây. Hợp tác với BGF và Harvard để cùng khám phá về điện ảnh, nhân văn và công nghệ. Phim ảnh Việt Nam phản ánh lịch sử và tâm hồn của chúng ta, và AI có thể nâng tầm điều đó mà vẫn giữ được chiều sâu cảm xúc.” Ông xem mối quan hệ đối tác Việt-Hoa Kỳ như một cầu nối của sự đồng cảm và sáng tạo.

Thống đốc Michael Dukakis: Tầm nhìn về sự hợp tác

Thống đốc Dukakis chào đón các vị khách một cách nồng nhiệt, đặc biệt lưu ý: “Hôm nay, Việt Nam và Hoa Kỳ là đối tác chiến lược toàn diện, đánh dấu quá trình 30 năm. Cột mốc này khởi đầu cho sự hợp tác sâu sắc hơn.” Ông đã công bố Công viên Điện ảnh AIWS—một trung tâm tiên phong kết nối Việt Nam với Boston, New York và Hollywood, Nhóm Bạn bè thúc đẩy Hợp tác điện ảnh Việt Nam-Mỹ, cùng kế hoạch quảng bá Liên hoan Phim Châu Á Đà Nẵng, hình dung một tương lai thịnh vượng hơn bởi công nghệ và sự hiểu biết lẫn nhau.

Những người tham dự nổi bật và các sáng kiến

Danh sách người tham dự bao gồm Đại sứ Đặng Hoàng Giang; Nguyễn Hoàng Nguyên, Phó Đại diện Thường trực tại Liên Hợp Quốc; Meg Montagnino-Jarrett, Giám đốc Văn phòng Điện ảnh Massachusetts; Angela Peri, Người sáng lập Boston Casting; và Matthew Salloway, Nhà làm phim kiêm Giám đốc điều hành GSI Ventures. Các học giả và nhà làm phim gây tiếng vang có Tony Bui (Đại học Columbia), Robert Desimone và Nazli Choucri từ MIT, cùng Jeff Saviano và Sara Archambault từ Trung tâm Shorenstein của Harvard.

Các sáng kiến chính được công bố:

  • Công viên Điện ảnh AIWS: Một trung tâm tích hợp tại một thành phố đẹp của Việt Nam, kết hợp các studio tự nhiên và AI để kết nối các nhà sáng tạo toàn cầu với Boston, New York và Hollywood.
  • Nhóm Bạn bè thúc đẩy Hợp tác điện ảnh Việt Nam-Hoa Kỳ: Một chương trình quy tụ các nhân vật như Dukakis, Cameron Kerry và Ngô Phương Lan để thúc đẩy quan hệ trong nền công nghiệp điện ảnh.
  • Liên hoan Phim Châu Á Đà Nẵng: Kế hoạch nâng cao tầm vóc của sự kiện này tại Boston và xa hơn nữa.

Kết luận về tầm nhìn của ông Nguyễn Anh Tuấn

Nguyễn Anh Tuấn, Đồng Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành BGF, kết thúc với sự lạc quan: “Hôm nay đánh dấu một chương mới—Công viên Điện ảnh AIWS, được ra mắt trong bối cảnh 30 năm quan hệ Việt-Hoa Kỳ, đã nhận được sự ủng hộ từ Harvard, MIT, Columbia, UCLA và các nhân vật nổi bật của Boston. Nhóm bạn bè thúc đẩy Hợp tác Điện ảnh Việt-Mỹ của chúng tôi quy tụ những cộng sự đáng chú ý, bao gồm Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng và Đặng Hoàng Giang, Thống đốc Michael Dukakis, Cameron Kerry, Mark Kennedy và tất cả mọi người tham gia cùng chúng tôi hôm nay.

Sự kiện hôm nay tiếp tục đà phát triển từ Hội nghị Thượng đỉnh Hành động AI được tổ chức tại Paris tháng trước, nơi Diễn đàn Toàn cầu Boston đồng tổ chức một phiên với chính phủ Pháp về Chính phủ AIWS 24/7—quản trị được điều khiển bởi AI phục vụ công dân suốt ngày đêm. Điều này đã đặt nền móng cho món quà của chúng tôi, ‘Tạo ra một Paris Khai sáng Mới’, được trao cho Tổng thống Macron và nhân dân Pháp để định vị Pháp như một nhà lãnh đạo AI. Kết quả của ngày hôm nay sẽ được chia sẻ với Tổng thống Macron như một di sản của Hội nghị Thượng đỉnh Hành động AI 2025.”

Một di sản và một tương lai

Buổi hội thảo bàn tròn kết thúc với phát biểu của Lê Vinh Hoa, Giám đốc Chương trình Ngôn ngữ Việt Nam của Harvard, và Nguyễn Anh Tuấn, sau đó là bữa tối kết nối, giao lưu và chia sẻ. Những người tham dự ra về đầy cảm hứng, mở ra một kỷ nguyên mà AI và điện ảnh kết nối Việt Nam và Hoa Kỳ, kết hợp sự đổi mới và tính nhân văn.

VLAB lược dịch

Nguồn: https://bostonglobalforum.org/news/visionary-roundtable-launches-new-era…e-of-ai/