Vòng chung kết trực tiếp của cuộc thi Trí tuệ nhân tạo 2023 diễn ra trong ba ngày từ Thứ sáu (5/1/2024) đến Chủ nhật (7/1/2024) trên nền tảng trực tuyến Zoom.
Theo đó, mỗi buổi thi sẽ diễn ra trong vòng 2 tiếng 30 phút, bắt đầu từ 9 giờ tối theo múi giờ GMT +7 (hoặc 9 giờ sáng theo múi giờ GMT -5 tại Boston, Mỹ) với sự tham dự của Hội đồng chấm thi: giáo sư Thomas Patterson, Giáo sư David Silbersweig, Giáo sư Nazli Choucri, Tiến sĩ John Clippinger, Tiến sĩ Tom Kehler, và ông Nguyễn Anh Tuấn.
Tất cả thí sinh và người theo dõi cuộc thi Trí tuệ nhân tạo 2023 từ những ngày đầu chắc không còn xa lạ với giáo sư Thomas Patterson – Trường Quản lý Nhà nước Kennedy, thuộc Đại học Harvard; ông còn là nguyên Giám đốc Nghiên cứu Trung tâm Shorenstein thuộc Đại học Harvard. Trung tâm Shorenstein là trung tâm nghiên cứu Báo chí, Chính trị và Chính sách công uy tín trên thế giới, nơi thu hút được nhiều nhà lãnh đạo truyền thông, nhà báo nổi tiếng thế giới về đây nghiên cứu.
Ngoài ra còn có ông Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Diễn đàn Toàn cầu Boston, Giám đốc Viện Michael Dukakis về lãnh đạo và đổi mới sáng tạo, đồng sáng lập Xã hội Vạn vật Trí tuệ nhân tạo (AIWS). Ông Nguyễn Anh Tuấn nguyên là Tổng Biên tập đầu tiên của báo VietNamNet. Ông từng là thành viên Hội đồng cố vấn toàn cầu Trường Kinh doanh Harvard; là người khởi xướng và đồng tác giả Bộ chuẩn mực đạo đức và Quy tắc ứng xử vì hòa bình và an ninh mạng (ECCC). Ông cũng từng là Chủ tịch Ủy ban Cố vấn quốc tế, chương trình Giáo dục công dân toàn cầu của UNESCO và Đại học California Los Angeles UCLA; đồng sáng lập và là Tổng Biên tập Mạng Giáo dục công dân toàn cầu (GCEN).
Thành viên tiếp theo của Hội đồng chấm thi là giáo sư David Silbersweig – nhà thần kinh học và giáo sư chuyên khoa tâm thần học Đại học Y Harvard. Ông hiện là Chủ tịch của Viện Khoa học Thần kinh Brigham và Bệnh viện Phụ nữ. Giáo sư Silbersweig là Giám đốc sáng lập của Khoa Tâm thần kinh, đồng thời là Giám đốc sáng lập của Chương trình Nội trú Kết hợp Thần kinh-Tâm thần. Ông là một trong những người tiên phong nghiên cứu hình ảnh thần kinh chức năng trong tâm thần học. Cùng với các đồng nghiệp của mình, họ đã phát triển các phương pháp và mô hình mới cho cả hình ảnh PET và MRI được sử dụng rộng rãi và đã xác định được các bất thường về mạch thần kinh liên quan đến một số rối loạn tâm thần chính.
Nữ giáo sư duy nhất góp mặt trong Hội đồng là bà Nazli Choucri – giáo sư Khoa học Chính trị của MIT. Bà làm việc trong lĩnh vực quan hệ quốc tế, đặc biệt là về nguồn gốc và hậu quả của xung đột và bạo lực quốc tế. Giáo sư Choucri là kiến trúc sư và Giám đốc của Hệ thống Toàn cầu về Phát triển Bền vững (GSSD), một hệ thống mạng lưới tri thức dựa trên web đa ngôn ngữ tập trung vào tính đa chiều của sự bền vững. Bà là Biên tập viên của Loạt báo chí MIT về Hiệp ước Môi trường Toàn cầu và trước đây là Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Chính trị Quốc tế. Bà cũng từng là Phó Giám đốc Chương trình Phát triển và Công nghệ của MIT.
Có nhiều năm kinh nghiệm trên cương vị thành viên Hội đồng Cố vấn Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Giám đốc điều hành của Context Media LLC, Giám đốc Vốn trí tuệ tại Coopers & Lybrand (nay là PwC), cố vấn cho Equifax và The Rendon Group, tiến sĩ John Clippinger sẽ tham dự buổi thi Chung kết với tư cách là một thành viên thuộc Hội đồng chấm thi. Ông hiện là Giám đốc điều hành Viện Thiết kế dựa trên Dữ liệu và Đồng Giám đốc Phòng Thí nghiệm Luật tại Trung tâm Berkman Klein, Trường Luật Harvard. Tiến sĩ John Clippinger tham gia và đồng biên tập nhiều cuốn sách nổi tiếng như “From Bitcoin to Burning Man and Beyond”, “The Quest for Identity and Autonomy in Digital Society”… và là tác giả của “A Crowd of One: The Future of Individual Identity”.
Cuối cùng là tiến sĩ Tom Kehler với hơn 30 năm kinh nghiệm trên cương vị Giám đốc điều hành của IntelliCorp, Connect & Informative với nhiều hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) và trí tuệ tập thể (CI), mang đến một triển vọng độc đáo về việc triển khai các công nghệ một cách hiệu quả. Ông từng tham gia Ban Cố vấn Công nghệ thông tin của Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Hoa Kỳ. Hiện ông là thành viên Cộng đồng Khai sáng Toàn cầu (Global Enlightenment Community) của Thành phố Xã hội Trí tuệ nhân tạo.
Thành viên Hội đồng chấm thi đều là những chuyên gia ở nhiều lĩnh vực từ chính trị, báo chí, trí tuệ nhân tạo, cho đến luật và quan hệ quốc tế,… Việc thuyết trình trước hội đồng “khủng” có thể khiến các thí sinh lo lắng nhưng đồng thời đây cũng là cơ hội hiếm có để các bạn thể hiện bản thân, cũng như mang hình ảnh thế hệ trẻ Việt Nam ghi dấu tới thế giới.
VLAB Innovation