Sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo đã mở đường cho một kỷ nguyên xã hội phát triển mới mà tại đó các ngành nghề sẽ có những thay đổi đáng kể.
Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo rộng rãi vào đời sống sẽ tạo ra việc làm mới và giúp người lao động làm việc hiệu quả hơn, nhưng những thay đổi này đều có “cái giá” phải trả. Theo “Báo cáo tương lai ngành nghề năm 2020” của Diễn đàn kinh tế thế giới (EWF), ước tính đến năm 2025, AI sẽ khiến 85 triệu người mất việc làm và tạo ra 97 triệu việc làm mới.
Xuyên suốt cuộc thi Trí tuệ nhân tạo 2023, tại các phiên hỏi đáp cùng Đại diện Ban tổ chức, ông Nguyễn Song Nam, các bạn học sinh có thể hiện sự lo ngại trước sự tham gia của AI trong thị trường lao động. Nhận thức được điều đó, VLAB Innovation – BTC Cuộc thi Trí tuệ nhân tạo 2023 mong muốn chia sẻ với các bạn học sinh xu thế ngành nghề tương lai, từ đó có định hướng rõ ràng hơn cho bản thân.
Ảnh: Greater Diversity News
Trí tuệ nhân tạo và tác động tới xu hướng nghề nghiệp
Ông Nguyễn Song Nam tại buổi Talkshow ngày 27/10 giao lưu cùng các em học sinh có chia sẻ: “Trí tuệ nhân tạo là những ước vọng, những đòi hỏi xã hội được ứng dụng bằng khoa học công nghệ. Con người phát triển được là nhờ trí thông minh cảm xúc. Chính vì vậy, ta có thể đảm bảo rằng những ngành nghề liên quan đến sáng tạo và cảm xúc sẽ không có khả năng bị thay thế bởi AI.”
Ông Nguyễn Song Nam tại buổi Talkshow Xu hướng nghề nghiệp trong thời đại mới
Đúng thật vậy, mặc dù AI có khả năng tự động hóa nhiều công việc, vẫn có những ngành nghề mà AI khó bị thay thế hoàn toàn. Các ngành đòi hỏi tư duy sáng tạo, kỹ năng giao tiếp, và sự hiểu biết về tâm lý con người sẽ luôn được đánh giá cao. Các ngành như nghệ thuật sáng tạo, tư vấn tâm lý, giáo dục, và nhiều ngành nghề trong lĩnh vực y tế cũng sẽ luôn cần sự hiện diện của con người.
Không chỉ dừng lại ở việc nhận định tốt cơ hội việc làm tương lai, học sinh cũng cần xác định được điều yêu thích và những kỹ năng cần trau dồi; như ông Nam có chia sẻ về thuyết Ba con nhím.
Thuyết Ba con nhím
Nội dung lý thuyết đưa ra mỗi người cần xác định đúng thế mạnh bản thân và ba vòng tròn: kỹ năng (skill), sở thích (interest) và cơ hội (opportunity) để xác định ngành nghề phù hợp nhất với mình. Mô hình này thể hiện sự giao thoa của ba yếu tố đó và nêu bật sự tương tác giữa chúng trong việc định hình các quyết định nghề nghiệp của một người.
Kỹ năng: Kỹ năng bao gồm những khả năng và kiến thức thực tế mà mỗi cá nhân sở hữu. Những thứ này có thể được gặt hái và tích lũy thông qua học tập hoặc kinh nghiệm thực hành. Chúng là những công cụ cho phép các cá nhân thực hiện nhiệm vụ và giải quyết vấn đề trong các lĩnh vực cụ thể. Khi bạn đánh giá các kỹ năng của mình, bạn sẽ hiểu rõ hơn về những gì bạn giỏi bẩm sinh hoặc thuận lợi phát triển. Việc xác định các kỹ năng giúp bạn hiểu được điểm mạnh của mình.
Sở thích: Sở thích đề cập đến những gì mà bạn đam mê: những hoạt động hoặc chủ đề nào thu hút bạn nhiều nhất. Sở thích thường gắn liền với lối sống của một người. Khi bạn khám phá sở thích của mình, bạn sẽ tiếp xúc được với những gì thực sự thúc đẩy và kích thích bản thân. Lựa chọn một nghề nghiệp phù hợp với sở thích sẽ phần nào dẫn đến sự hứng thú trong công việc và tạo nên một tinh thần làm việc lành mạnh.
Cơ hội: Cơ hội bao gồm các yếu tố bên ngoài, mang lại khả năng phát triển và thăng tiến. Chúng bao gồm cơ hội việc làm, xu hướng của ngành, nhu cầu thị trường và điều kiện kinh tế. Việc nhìn nhận được cơ hội sẽ giúp bạn tận dụng chúng để định hình sự nghiệp của mình.
Điểm giao của vòng tròn kỹ năng và sở thích chính là những công việc đem lại hạnh phúc vì đúng đam mê nhưng thu nhập thấp vì không đáp ứng nhu cầu xã hội. Điểm giao của vòng tròn sở thích và cơ hội sẽ là công việc nhiều rủi ro vì đó không phải là công việc bạn giỏi và khả năng điều bạn thích cũng là điều bạn giỏi là không cao. Điểm giao của vòng kỹ năng và cơ hội sẽ là những công việc dễ tạo nên mệt mỏi vì không phải điều bạn thích. Ngành nghề lý tưởng nhất chính là điểm giao của 3 vòng tròn trên.