Cuộc nói chuyện của cựu Thủ tướng Israel Ehud Barak tại Nhà hát Lớn Hà Nội sáng 16/8 thu hút đông đảo giới trí thức, giới trẻ, học sinh, sinh viên tham gia.
Đầu tư cho giáo dục của chúng tôi nhiều hơn rất nhiều so với đầu tư cho quốc phòng
Đúng như chủ đề “Một ngày với cựu Thủ tướng Israel Ehud Barak”, câu chuyện về sự vươn lên của một đất nước nhỏ bé, không đủ nước ngọt, đất nước trải qua nhiều cuộc chiến, vừa đối diện với cuộc công kích lớn vào tuần trước của ông Ehud Barak đã thu hút sự quan tâm của những người có mặt tại Nhà hát Lớn Hà Nội sáng 16/8.
Và điều vị cựu Thủ tướng muốn chia sẻ nhiều hơn, đó là cách người Israel tách muối từ nước biển để đáp ứng được 50% như cầu nước ngọt của người dân, là cách Isreal trở thành đất nước của khởi nghiệp sáng tạo.
“Năm 2021, Hoa Kỳ có 45 doanh nghiệp kỳ lân. Trung Quốc có 25. Isarael – một đất nước nhỏ hơn rất nhiều, có 17 kỳ lân”, cựu Thủ tướng chia sẻ trong phần đầu bài nói chuyện.
Để đạt được các thành tựu trên, 2 yếu tố chính được đặt trọng tâm, đó là đầu tư cho giáo dục và sáng tạo.
“Đầu tư cho giáo dục của chúng tôi nhiều hơn rất nhiều so với đầu tư cho quốc phòng”, ông nói. Giáo dục được bắt đầu từ năm 3 tuổi, coi là trọng tâm hàng đầu. Phổ thông trung học dựa trên các ngành khoa học, khuyến khích các em học sinh giỏi học các ngành toán học, hóa học và sinh học.
Trong bậc đại học, các sinh viên giỏi, được lựa chọn đặc biệt, để tập trung đào tạo nhanh trong vòng khoảng 3 năm, sau đó đưa vào đào tạo trong các cơ sở công nghiệp quốc phòng, để trở thành nguồn nhân lực quan trọng, chuyên gia đầu ngành trong thị trường lao động dân sau khi hoàn thành nghĩa vụ. Chương trình này đã được thực hiện 45 năm qua, tạo ra nguồn nhân lực cho khởi nghiệp sáng tạo. Nhiều doanh nghiệp kỳ lân của Israel đã xuất hiện từ những con người trong Chương trình này.
Để phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo, việc mời gọi các nhân tài từ các nước khác cũng được thực hiện khi có yêu cầu, nhất là các nhà lập trình, các nhà khoa học.
Một cách tổng quan, Chính phủ đã mở ra thể chế để thúc đấy đổi mới, sáng tạo, đổ nhiều tiền vào hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ ngành công nghiệp sáng tạo.
“Chúng tôi không làm hộ mà mở đường cho các hệ sinh thái khởi nghiệp, cựu Thủ tướng chia sẻ khi nói đến sự tham gia của toàn bộ hệ thống lãnh đạo vào thực hiện yêu cầu này suốt chặng đường phát triển của Isreal.
Nhờ vậy, công nghệ cao của Israel rất phát triển. Lĩnh vực này sử dụng khoảng 14% lực lượng lao động, nhưng chiếm hơn 50% kim ngạch xuất khẩu và đóng góp khoảng 40% GDP.
Những ví dụ của ông đều cho thấy điều ông muốn chia sẻ, đó là thành tựu của Israel được xây dựng từ một nền văn hóa khuyến khích sự sáng tạo từ sớm, một nền văn hóa thất bại không phải là vết nhơ, vì có thất bại mới có thành công; một nền văn hóa khi đang tư duy, lập kế hoạch, khuyến khích cấp dưới đặt câu hỏi cho cấp trên, để khi vào thực hiện, sẽ trên dưới một lòng thực hiện…
Bài học thu hút FDI
Kinh nghiệm trong thu hút FDI cũng là điểm nhấn trong bài nói chuyện của cựu Thủ tướng Israel, vì ông biết, Việt Nam đang cần có những chiến lược thu hút FDI phù hợp trong bối cảnh nguồn vốn này đang bị cạnh tranh mạnh mẽ, ngay từ các nền kinh tế trong khu vực ASEAN.
Ông kể lại câu chuyện cạnh tranh với Ireland về việc phát triển các xưởng đúc chip, sản xuất chip, bộ xử lý của Intel. Khi đó, ông đang là Thủ tướng Israel. “Chúng tôi đã quyết định đã trao cho Intel 600 triệu USD nhằm đảm bảo rằng tập đoàn này sẽ đầu tư 4 tỷ hoặc 5 tỷ USD vào Israel thay vì vào Ireland. Ngoài khoản đó, Công ty nhận mức ưu đãi giảm thuế đặc biệt trong mười năm đầu tiên”.
Và kết quả là, Israel có được không chỉ là quyết định đầu tư của Intel tại Israel, mà còn là sự tham gia của Intel vào đào tạo nguồn nhân lực, khi họ cần số lượng lớn lao động có tay nghề. Hiện tại, sự có mặt của các tập đoàn lớn như Google, Amazon… tại Israel cũng vì mục tiêu dài hạn hơn.
“Hãy hiểu các nhà đầu tư, họ cần tìm kiếm lợi nhuận, cần một môi trường đầu tư ổn định, có thể tiên liệu. Khi đó, chúng ta sẽ có được nhiều hơn các khoản đầu tư”, ông chia sẻ quan điểm.
Thế hệ trẻ chính là người mở màn cho sự phát triển của Việt Nam trong tương lai
“Thế hệ của các bạn trẻ chính là người mở màn cho sự phát triển của Việt Nam trong tương lai, trong cuộc cách mạng 4.0. Nhưng đây không phải là việc của một vài cá nhân, mà cần quá trình, với tầm nhìn và sự lãnh đạo thống nhất”, ông nói với các bạn trẻ có mặt tại Nhà hát Lớn sáng 16/8.
Ông đặc biệt ấn tượng với sức sáng tạo của người Việt Nam, năng lượng của nền kinh tế Việt Nam. “Những ngày qua, khi đi trên đường, tôi nhìn thấy những thanh niên Việt Nam trên những chiếc xe máy. Tôi nhìn thấy ở đó năng lượng của những người trẻ tuổi. Đó là điều mà Việt Nam đang có lợi thế”, ông nói.
Nhưng để đạt được thành công, theo ông, việc học hỏi là vô cùng quan trọng. Nền kinh tế Việt Nam có thể học hỏi từ những nền kinh tế trong khu vực, có thể từ Singapore – bài học từ phát triển nguồn nhân lực, trở thành trung tâm tài chính và đang nổi lên trong nền kinh tế sáng tạo; từ Nhật Bản – cách tiếp cận với công nghệ; từ Trung Quốc – với hệ thống giáo dục ở Thượng Hải hay các mô hình phát triển tạo sự thống nhất trong hành động; hay từ Israel.
“Việt Nam có thể trở thành những quốc gia đi đầu, dù không thể nhanh, nhưng sẽ làm được trong vòng vài thâp niên tới, vì tôi nhìn thấy năng lượng của những người trẻ và mong muốn học hỏi kinh nghiệm phá triển của các quốc gia khác”, cựu Thủ tướng Israel Ehud Barak kết thúc bài phát biểu trong tiếng vỗ tay của đông đảo khán giả Việt Nam.
Nguồn: Báo đầu tư