Home » Xã hội học thuật » Sự thành công của người Do Thái đến từ phương pháp giáo dục đặc biệt

Sự thành công của người Do Thái đến từ phương pháp giáo dục đặc biệt

Trong thế kỷ 20, số người Do Thái đạt giải Nobel chiếm 1/5 số người đạt giải này trên thế giới. Người Do Thái ở Mỹ chỉ chiếm 2,5% dân số Mỹ nhưng là cộng đồng dân thiểu số thành công nhất trên hầu hết các mặt của đời sống nước Mỹ, khiến các cộng đồng khác phải vì nể. Trong 200 người nổi tiếng ảnh hưởng nhất tại Mỹ thì một nửa số người là người Do Thái. Trong số giáo sư đại học ở Mỹ thì người Do Thái chiếm 1/3; trong số Luật sư ở Mỹ thì người Do Thái chiếm 1/4; trong số nhà văn, nhà biên kịch, nhạc sĩ hàng đầu ở Mỹ có 60% là người Do Thái, một nửa số doanh nhân giàu nhất thế giới là người Do Thái, có 1/3 số triệu phú Mỹ là người Do Thái; trong 40 người giàu nhất nước Mỹ theo xếp hạng của Forbes có 18 người Do Thái, có 10 Nghị sĩ Thượng viện và 27 Nghị sĩ Hạ viện Mỹ là người Do Thái.

Trong giới nghệ sĩ cũng như giới khoa học tự nhiên và xã hội nhân văn có rất nhiều người Do Thái, nổi tiếng nhất phải kể đến các nhạc sĩ Irving Berlin, hai anh em George và Ira Gershwin, nhà bác học Albert Einstein, nhà sáng chế vắc-xin chống bệnh viêm tủy xám Jonas E. Salk.

Đại đa số chuyên gia cho rằng: Người Do Thái sở dĩ đạt được nhiều thành tựu như vậy nguyên nhân căn bản là bởi họ vô cùng xem trọng giáo dục gia đình. Thật vậy, xem trọng giáo dục của cha mẹ với con cái là truyền thống tốt đẹp nổi bật nhất của dân tộc Do Thái. Mặc dù, phải trải qua rất nhiều khó khăn và luôn phải phiêu bạt khắp nơi, nhưng người Do Thái không quên dành cho con nền giáo dục tốt nhất. Và trải qua cuộc sống khó khăn suốt một thời gian dài, người Do Thái còn dần dần tìm ra bộ phương pháp giáo dục gia đình đặc biệt.

Ở dân tộc Do Thái, ngay từ khi con cái còn rất nhỏ tuổi, cha mẹ đã bắt đầu truyền cảm hứng cho trẻ để giúp chúng theo đuổi tri thức, tôn trọng trí tuệ, bồi dưỡng tính cách độc lập tự chủ, tinh thần tiên phong và sáng tạo của trẻ. Họ cũng để trẻ nhận biết tiền của, kích thích dục vọng truy đuổi tài phú của chúng, bồi dưỡng tác phong và cách sống cần kiệm cũng như năng lực giao tiếp xã hội, xử thế. Giáo dục chúng đối xử tốt với người khác, ứng xử hài hòa với người khác, tăng cường khả năng tự kiểm soát và dũng khí đối mặt với nghịch cảnh.

Bồi dưỡng khả năng học tập độc lập cho trẻ

Người Do Thái đặc biệt chú trọng phương pháp tự dạy tự học, tăng cường khả năng độc lập trong học tập của trẻ. Họ cho rằng, giáo dục nhà trường chỉ là quá trình tiếp thu kiến thức cơ bản, trong khi thực tế có quá nhiều kiến thức chuyên ngành và kĩ năng làm việc trẻ cần học hỏi và thực hành trong môi trường chuyên nghiệp suốt một thời gian dài mới có thể nắm bắt được.

Ngoài ra ở một phương diện khác, môi trường giáo dục trong mỗi ngôi trường tương đối thống nhất nhưng điều kiện và tố chất của từng học sinh lại là khác nhau cho nên mức độ tiếp thu của trẻ là không tương đồng. Vì vậy các bậc cha mẹ Do Thái đặc biệt quan tâm bồi dưỡng khả năng độc lập trong học tập của con.

Sử dụng các kênh khác nhau để tiếp thu kiến thức

Người Do Thái sùng bái trí tuệ, trân trọng kiến thức, họ không chỉ có ý thức bồi dưỡng cho con cái khả năng tự học mà còn thường xuyên cổ vũ trẻ thu nhận kiến thức qua nhiều con đường khác nhau. Một số cách thức mà trẻ em Do Thái sử dụng để tiếp nhận kiến thức từ nhiều kênh khác nhau có thể kể đến như: Thu thập nhiều tài liệu, Sàng lọc tài liệu một cách khoa học và hợp lý; Giao lưu với nhiều người khác; Sách vở không phải là nguồn kiến thức và trí tuệ duy nhất: Ngoài việc chăm chỉ đọc sách, hàng ngày trẻ còn phải xem ti vi, nghe đài, đọc báo, lên mạng… để cập nhật tin tức và tri thức.

Kết hợp suy nghĩ và ghi nhớ

Người Do Thái không chỉ thông qua cách học thuộc lòng để nâng cao khả năng ghi nhớ cho trẻ, mà họ còn vô cùng coi trọng việc kết hợp giữa suy nghĩ và ghi nhớ để kích thích sự sáng tạo của trẻ. Cha mẹ Do Thái, khi dạy con cái kiến thức thường để trẻ học thuộc bài văn đó trước, sau đó mới giảng giải từng từ, từng câu cho trẻ. Trong lúc giảng giải, cha mẹ thường dẫn dụ trẻ đưa ra những câu hỏi liên quan đến bài học, đồng thời, căn cứ vào các câu hỏi đó, cha mẹ sẽ cùng thảo luận sôi nổi với trẻ. Phương pháp này vừa giúp trẻ hiểu được nội dung bài văn, vừa nâng cao khả năng suy nghĩ độc lập cho trẻ.

Vận dụng cách ghi nhớ thích hợp

Dựa vào trạng thái ý thức ghi nhớ khác nhau, có thể chia cách thức ghi nhớ của người Do Thái làm hai loại: Một là ghi nhớ vô thức, hai là ghi nhớ có ý thức. Người Do Thái cho rằng, trẻ càng nhỏ tuổi thì khả năng ghi nhớ vô thức càng cao. Khi lớn dần lên, trẻ bắt đầu biết ghi nhớ có ý thức. Ở một mức độ nào đó, ghi nhớ có ý thức có thể chia thành ghi nhớ máy móc và ghi nhớ ý nghĩa. Trẻ khi còn nhỏ chưa hiểu nội dung cần ghi nhớ, thường “học vẹt” bằng cách nắm bắt đặc trưng bên ngoài của vật, cách học như vậy được hiểu là ghi nhớ máy móc; Nhưng sau khi trẻ nhận thức được sự vật một cách tương đối, trẻ sẽ chuyển từ ghi nhớ máy móc thành ghi nhớ ý nghĩa, tức là trên cơ sở hiểu sự vật để ghi nhớ sự vật.

Nhớ những điều quan trọng, quên những điều vô ích

Người Do Thái làm việc rất chú trọng đến hiệu quả công việc, vấn đề ghi nhớ cũng vậy. Mọi người đều biết, với bất kỳ ai, quên là điều không thể tránh khỏi, nhưng mức độ quên ở mỗi người lại khác nhau. Phương pháp của người Do Thái rất đơn giản, đó chính là quên đi những điều vô ích, sau đó từng lượt từng lượt ôn tập lại những điều mà mình không muốn quên, cho đến khi đạt được mục đích quên những cái không cần thiết và ghi nhớ những điều quan trọng.

Cha mẹ Do Thái từ nhỏ đã buộc trẻ học thuộc “Thánh Kinh Cựu Ước” là không chỉ vì muốn trẻ hiểu biết hơn về văn hóa dân tộc mình, mà hơn thế còn mong qua hoạt động đó bồi dưỡng “hệ thống trí nhớ thiên tài” cho trẻ. Chính vì những biện pháp nâng cao trí nhớ đặc biệt đó, người Do Thái mới bồi dưỡng nên những vĩ nhân có nhiều thành tựu xuất sắc trong các lĩnh vực của đời sống như chúng ta vẫn thấy.

VLAB lược dịch và tổng hợp