Cuốn “Vì sao đi du học ở Mỹ”, tóm tắt từ bộ sách tương tự do Bộ Ngoại giao Mỹ phát hành, hướng dẫn các ứng viên 5 bước chuẩn bị cho hành trình du học.
Bước 1: Tìm hiểu thông tin
Bước chọn trường không dễ nhưng nếu lập kế hoạch trước và tìm hiểu kỹ, bạn sẽ lập được một danh sách các trường phù hợp với nhu cầu của mình. Hãy bắt đầu quá trình tìm hiểu của bạn từ 12 đến 18 tháng trước thời điểm bạn muốn theo học ở Mỹ. Bạn có thể trả lời các câu hỏi cơ bản dưới đây để xác định các ưu tiên:
– Vì sao bạn muốn du học Mỹ?
– Bạn sẽ phù hợp ở nơi nào nhất?
– Liệu bạn có cần hỗ trợ tài chính không?
– Bạn muốn sống ở đâu khi du học Mỹ?
– Các thời hạn nộp đơn, xin học bổng, xin hỗ trợ tài chính là bao giờ?
– Những trường cao đẳng, đại học nào sẽ đáp ứng các nhu cầu của bạn?
Lưu ý, các trường bạn nộp đơn phải được chứng nhận bởi Chương trình sinh viên và Khách trao đổi. Danh sách các trường này có thể được tìm thấy trên trang của Bộ An ninh Nội địa Mỹ. Thực tế có hơn 4.000 trường cao đẳng, đại học được kiểm định ở Mỹ. Chính phủ Mỹ cũng không xếp hạng các trường đại học. Các tổ chức tư nhân xếp hạng đại học dựa vào thước đo khác nhau, tuy nhiên, trường tốt nhất là trường phù hợp, đáp ứng các nhu cầu của bạn về học thuật, tài chính và nguyện vọng cá nhân.
Bước 2: Tài chính cho du học
Tổng chi phí (COA) là khoản ước tính gồm học phí (chi phí cho việc học) và phí (chi phí liên quan đến các dịch vụ như hệ thống thư viện, hoạt động sinh viên hoặc trung tâm chăm sóc sức khỏe), chi phí ăn và ở (hay phí sinh hoạt), tiền sách vở, đồ dùng, đi lại, lãi tiền vay, bảo hiểm và các chi phí khác.
Học bổng và hỗ trợ tài chính:
Học bổng cho sinh viên quốc tế dựa trên thành tích là khoản tiền trường cấp không cần hoàn lại cho một sinh viên để giúp trang trải học phí và các chi tiêu khác. Khoản tiền đó được cấp cho sinh viên có thành tích nhất định trong các lĩnh vực cụ thể như học thuật, thể thao hay nghệ thuật.
Nhiều đại học tư ở Mỹ cấp hỗ trợ tài chính (hay học bổng) cho sinh viên quốc tế. Căn cứ vào nhu cầu về tài chính mà sinh viên khai báo khi nộp đơn xin hỗ trợ chi trả việc học tập và các chi tiêu khác.
Các khoa và trường cấp trợ cấp cho học giả dựa trên thành tích học thuật, thường là sau năm học thứ nhất. Khoản trợ cấp có thể khiêm tốn, ở mức giúp trang trải học phí và các khoản phí; hoặc có thể đến mức toàn phần, giúp chi trả học phí, các khoản phí và một khoản lương tháng để duy trì, tuy nhiên rất hiếm.
Trợ cấp cho trợ lý là hình thức hỗ trợ tài chính phổ biến nhất cho sinh viên sau đại học. Đây là khoản tiền công trả cho việc thực hiện các hoạt động liên quan đến ngành học của sinh viên, thường chiếm 20 tiếng một tuần. Đôi khi việc này có nghĩa là cấp quyền miễn, giảm học phí và các loại phí.
Thực tế bạn không cần phải có thành tích học thuật hoàn hảo hoặc có hoàn cảnh quá khó khăn để được nhận học bổng hoặc gói hỗ trợ tài chính. Đây là việc đáng làm dù bạn ở bất cứ tình trạng nào.
Bước 3: Hoàn thành hồ sơ
Trong hồ sơ gửi các trường, bạn cần cung cấp bảng điểm, thư giới thiệu, chứng chỉ năng lực tiếng Anh (IELTS, TOEFL…), bài luận bậc đại học và sau đại học, các hoạt động ngoại khóa, tuyển tập mẫu – portfolio, các biểu mẫu tài chính.
Một số trường đại học có thể muốn phỏng vấn các ứng viên. Cựu sinh viên của trường đang sống ở một nước nào đó thường sẽ thực hiện các cuộc phỏng vấn này. Phỏng vấn cũng có thể được thực hiện trực tuyến. Các sinh viên quốc tế không gặp bất lợi gì nếu họ không thể tham gia phỏng vấn, nhưng nếu bạn được trao cơ hội phỏng vấn thì đừng nên từ chối.
Bước 4: Nộp đơn xin thị thực
Trước khi nộp đơn, mọi sinh viên đều phải được một trường hoặc một chương trình ở Mỹ nhận vào học.
Thị thực F-1 là thị thực sinh viên phổ biến nhất. Nếu bạn muốn theo đuổi các chương trình học thuật tại một trường đã được công nhận, bạn sẽ cần thị thực F-1. Bạn cũng cần thị thực F-1 nếu khóa học của bạn dài hơn 18 tiếng mỗi tuần
Thị thực M-1 nếu bạn muốn tham gia chương trình đào tạo phi học thuật, chương trình học hoặc đào tạo nghề, ví dụ đào tạo lái máy bay hoặc nấu ăn.
Thị thực J-1 cần thiết trong trường hợp bạn được duyệt tham gia một chương trình tham quan trao đổi ở Mỹ.
Thanh toán phí I-901 SEVIS: Trước khi bạn trả phí I-901 Hệ thống thông tin Sinh viên và Khách trao đổi (SEVP), bạn phải nhận được mẫu đơn I-20 từ cán bộ chuyên trách của trường mà bạn sẽ theo học. Bạn sẽ cần thông tin từ mẫu đơn I-20 để thanh toán phí này. Phí I-901 SEVIS là bắt buộc và phải thanh toán trước khi bạn nhập cảnh vào Mỹ.
I-20: Mọi sinh viên du học Mỹ theo thị thực F và M đều cần có mẫu đơn I-20 “xác nhận đủ điều kiện học tập và không định cư”. Sau khi được một trường được xác nhận bởi Hệ thống Sinh viên và Khách trao đổi chấp nhận, sinh viên quốc tế sẽ nhận được mẫu đơn I-20 từ cán bộ chuyên trách của trường (DSO). Mẫu đơn I-20 là tài liệu quan trọng cần giữ cẩn thận vì bạn sẽ cần nó trong suốt thời gian học ở Mỹ.
Thanh toán phí thị thực: Mọi sinh viên đều phải trả phí xin thị thực, đôi khi còn được gọi là phí MRV, trước khi nộp đơn xin thị thực F-1 hoặc M-1. Phí này không được hoàn lại hay chuyển nhượng. Hiện phí xin thị thực M-1, F-1 là 160 USD (bốn triệu đồng). Phí xin thị thực không định cư này có giá trị một năm kể từ ngày thanh toán.
Đặt lịch phỏng vấn xin thị thực: Nếu lần đầu xin thị thực sinh viên, bạn cần trải qua cuộc phỏng vấn ở Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội hoặc Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP HCM. Thị thực có thể được cấp cho bạn tối đa 120 ngày trước ngày chương trình học bắt đầu. Trong trường hợp bạn đang học ở Mỹ, nếu thị thực sinh viên trước đây hết hạn chưa quá 48 tháng và bạn đáp ứng mọi yêu cầu để gia hạn thị thực mà được miễn phỏng vấn, bạn có thể đủ điều kiện để xin gia hạn thị thực qua đường bưu điện.
Duy trì tình trạng thị thực sinh viên quốc tế: Trong thời gian học tại Mỹ, việc duy trì trạng thái sinh viên quốc tế mang thị thực F hoặc M rất quan trọng. Tình trạng thị thực liên quan đến mục đích hoặc lý do vì sao bạn muốn đến Mỹ.
Bước 5: Chuẩn bị lên đường
Bạn hãy tham dự buổi cung cấp thông tin trước khi lên đường của Văn phòng Giáo dục Mỹ tại Việt Nam. Bạn cũng sẽ nhận được thêm thông tin về trường và quá trình nhập học, chẳng hạn như cách đến trường thuận tiện nhất, thông tin liên hệ khi đến nơi, thời điểm đến trường nhập học.
VLAB tổng hợp