Tư duy mới, tâm thế mới sẽ giúp đất nước, dân tộc Việt Nam có cách tiếp cận tốt hơn, toàn diện và đầy đủ hơn, có tâm thế tư duy cao hơn. Đó chính là cơ hội để Việt Nam bứt phá.
Diễn đàn Trí tuệ nhân tạo Việt Nam với chủ đề “Tạo dựng vị thế Việt Nam trong kỷ nguyên khai sáng toàn cầu” và Lễ vinh danh Giải thưởng Trí tuệ nhân tạo 2023 vừa diễn ra tại Hà Nội sáng 24/1/2024. Sự kiện do Báo VietNamNet phối hợp tổ chức với VLAB Innovation.
Cơ hội rộng mở trong kỷ nguyên khai sáng toàn cầu
Phát biểu khai mạc sự kiện, bà Hoàng Thị Bảo Hương – Phó Tổng Biên tập Báo VietNamNet cho biết: Thủ tướng Chính phủ trong phiên họp Tổng kết năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã định hướng chuyển đổi số cho năm 2024 là: “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột: Công nghiệp Công nghệ thông tin (CNTT) và Truyền thông; Số hóa các ngành kinh tế; Quản trị số; Dữ liệu số – tạo ra động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững”.
Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã nhấn mạnh: “Năm 2024 là năm ứng dụng mạnh mẽ AI (trí tuệ nhân tạo) và trợ lý ảo. AI càng nhiều dữ liệu càng trở nên thông minh”.
“Trong kỷ nguyên khai sáng toàn cầu, với sự phát triển vượt bậc của khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo, các tập đoàn công nghệ lớn nhất hành tinh đang tích cực chạy đua vì những lợi ích AI mang lại. Cơ hội trong những ngành học liên quan đến lĩnh vực này đang vô cùng rộng mở với tất cả các bạn trẻ”, bà Hương nhận định.
Bàn về cách tạo dựng vị thế và cơ hội cho Việt Nam trong kỷ nguyên khai sáng toàn cầu, ông Nguyễn Anh Tuấn, CEO Diễn đàn Toàn cầu Boston lưu ý cách tiếp cận mới: Kết hợp giữa trí tuệ tự nhiên, khoa học máy tính cũng như các hệ thống xã hội để có cách tiếp cận đặc sắc hơn, giải quyết được nhiều vấn đề hơn.
“Thời đại mới – AI, kỷ nguyên khai sáng toàn cầu đem lại cơ hội mới để chúng ta có cách tiếp cận mới, đi cùng những mô hình mới. Cách tiếp cận mới là làm sao để khả năng tư duy, trí tưởng tượng phong phú, thông minh sáng tạo của con người được gắn kết, xây dựng hệ thống trí tuệ cùng với hệ thống tính toán. Chính tư duy mới, tâm thế mới sẽ giúp đất nước, dân tộc chúng ta có cách tiếp cận tốt hơn, toàn diện và đầy đủ hơn, có tâm thế tư duy cao hơn. Đó chính là cơ hội để Việt Nam bứt phá”, ông Tuấn nhấn mạnh.
“Tôi làm CNTT từ rất sớm. Anh em chúng tôi luôn trăn trở làm sao CNTT Việt Nam có thể vượt lên đi cùng những thương hiệu sáng tạo của nhân loại chứ không chỉ lẽo đẽo theo sau, áp dụng cải biên. Thời chúng tôi chỉ áp dụng cải biên vào Việt Nam cũng là tốt lắm rồi. Còn bây giờ đang là cơ hội lớn để chúng ta ngồi cùng thảo luận những mô hình mới của toàn cầu trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập sâu rộng. Tôi tin chúng ta có khả năng làm được nếu có cách tiếp cận đúng, có phương pháp làm việc, sự say mê, khát vọng, ý chí bền bỉ làm đến cùng. Thay vì nói, thảo luận thì chúng ta cần hành động”, CEO Diễn đàn Toàn cầu Boston khuyến nghị.
Liên quan tới câu chuyện “Cơ hội nào cho Việt Nam”, Giáo sư Thomas E.Patterson, Giáo sư Đại học Harvard nêu bật triển vọng của AI trong việc thể hiện những ưu điểm siêu việt của bộ não con người: Thông minh, sáng tạo, khoan dung, rộng lượng.
“Cách tiếp cận mới với công nghệ AI bằng việc hòa hợp chúng cùng thế giới tự nhiên có tiềm năng làm bệ phóng đưa Việt Nam lên tuyến đầu trong phát triển lĩnh vực này”, Giáo sư Thomas E.Patterson bày tỏ.
Phát triển những hình thức tương tác AI nhân bản hơn
Với góc nhìn của một chuyên gia, Tiến sĩ David Silbersweig, Đại học Y Harvard, Hoa Kỳ có bài tham luận phân tích khá chi tiết về não bộ và AI cũng như cách hình thành và phát triển AI tự nhiên hơn, phù hợp hơn với những gì chúng ta biết về não bộ con người.
Ông cho rằng, AI và não bộ đều là những hệ thống phức tạp. Chúng ta cần hiểu chúng cũng như tương tác của chúng. Sự hiểu biết đó có thể giúp chúng ta phát triển công nghệ theo cách an toàn hơn và hữu ích hơn.
“Trong hàng trăm, hàng nghìn năm, con người đã luôn tò mò về tâm trí con người và trí thông minh, chưa nói đến AI có nguồn gốc từ tâm trí con người. Chúng ta thường suy ngẫm dưới góc độ triết học, công nghệ và giờ là thần kinh học theo các cách khác nhau. Nhưng những con đường này đang hội tụ lại, và chúng ta cần tìm hiểu để mọi thứ có thể cùng vận hành một cách hài hòa hơn.
Những gì chúng tôi hy vọng thực hiện tại Diễn đàn Toàn cầu Boston với AI tự nhiên là thúc đẩy một AI tập trung vào con người thông qua sự kết hợp của các hệ thống tự nhiên và thần kinh. Hy vọng chúng tôi có thể phát triển những hình thức tương tác AI nhân bản hơn trong một thế giới đang phát triển nhanh chóng”, Tiến sĩ David Silbersweig bày tỏ.
Việt Nam có tên trong Top 20 công ty nghiên cứu AI tốt nhất toàn cầu
Chia sẻ thông tin về thực tế nghiên cứu, phát triển ứng dụng AI tại Việt Nam, Tiến sĩ Bùi Hải Hưng, Viện trưởng, Tổng Giám đốc VinAI khẳng định: “Chúng ta là người Việt, đều có giấc mơ lớn và muốn biết tiềm năng của mình đạt mức độ nào so với thế giới, đặc biệt là với những công nghệ hàng đầu thế giới như AI”.
Ông Hưng cũng đã chia sẻ một số thông tin đáng tự hào về năng lực phát triển AI của người Việt.
Mới đây, một bài viết trên tờ The New York Times đề cập tới chương trình Alpha Geometry được phát triển bởi Google Deep Mind, có khả năng giải bài toán hình học ngang với thí sinh đạt Huy chương Vàng cuộc thi Toán quốc tế. Trong danh sách những người phát minh ra Alpha Geometry có ¾ người là người Việt, làm việc ở Mỹ. Còn theo Bảng xếp hạng các công ty nghiên cứu AI tốt nhất trên toàn cầu 2022, bên cạnh nhiều công ty sừng sỏ thế giới, đã có VinAI, một công ty nhỏ đến từ Việt Nam.
“Rất hy vọng trong tương lai, các tài năng trẻ Việt Nam sẽ có đóng góp với những công trình rất quan trọng về AI cho Việt Nam và tại Việt Nam”, ông Hưng mong muốn.
Gợi mở nhiều vấn đề mới
Trong phiên thảo luận của Diễn đàn, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã thảo luận và đề xuất, gợi mở nhiều vấn đề mới.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, CEO Diễn đàn Toàn cầu Boston cho biết, năm tới, Diễn đàn Toàn cầu Boston sẽ cùng Vatican tổ chức đối thoại cùng các tổ chức tôn giáo để có thể chủ động xây dựng những giá trị tinh thần mới.
Nhiều năm nghiên cứu về xã hội và nhân văn, Giáo sư Trần Ngọc Vương cho rằng, có 3 điều AI không thể thay thế trí tuệ người với tư cách thực thể sinh học, đó là ý chí, các loại xúc cảm phức tạp, và khát vọng.
“AI là một phương tiện cực kỳ hữu hiệu, do những người thuộc hạng thông minh nhất kết hợp với nhau tạo cỗ máy tự nhiên, sau đó ít nhiều mang tính xã hội hóa, nhưng đến cùng vẫn không thể tạo ra cỗ máy tự nhiên kiểu như con người được”, Giáo sư Vương nhận xét, đồng thời để ngỏ vấn đề liệu “trong AI có nơ ron thần kinh tự do không?”.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ái Việt, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội lưu ý: Thời gian tới sẽ sinh ra ngành Vật lý mới gọi là ngành Vật lý dữ liệu (dựa trên AI có thể thiết kế các mô hình…). Giảng dạy Vật lý trong trường phổ thông cũng phải hướng tới những suy nghĩ lớn như vậy.
Nhìn theo hướng phát triển tư duy tích cực kiểu Sơn Tinh – Thủy Tinh (nước dâng lên tới đâu, núi cao hơn tới đó), ông Nguyễn Anh Tuấn, CEO Diễn đàn Toàn cầu Boston phân tích: “Công nghệ mang đến nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi con người phải vượt cao hơn. Tuy nhiên, con người có khả năng thích ứng hoàn cảnh. Chúng ta hãy cùng suy nghĩ, tham gia quá trình thiết lập vị thế con người cao hơn trong kỷ nguyên này”.
Cũng trong phiên thảo luận, các diễn giả đã trả lời một số câu hỏi của một số học sinh, thày giáo liên quan tới ứng dụng AI trong y tế, khả năng ứng dụng AI chữa bệnh trầm cảm, ứng dụng AI vào nghiên cứu giảng dạy môn Vật lý…
Tiếp sức hình thành những nhà sáng tạo trẻ có tâm, có tầm
Nhằm tiếp sức cho giới trẻ, tạo cơ hội học hỏi và điều kiện để giới trẻ thể hiện khả năng sáng tạo, truyền cảm hứng hướng đến mục tiêu trở thành những nhà sáng tạo có tâm, có tầm, vì một Việt Nam hùng cường, Báo VietNamNet và VLAB Innovation đã phối hợp tổ chức Cuộc thi Trí tuệ nhân tạo 2023, với sự bảo trợ của Diễn đàn Toàn cầu Boston.
“Rất nhiều thí sinh đến từ các trường trung học phổ thông trên khắp cả nước đã có những ý tưởng vô cùng độc đáo, ứng dụng kiến thức khoa học – công nghệ vào thực tiễn xã hội. Các bạn trẻ đã rất tự tin trình bày ý kiến trước các thành viên của Hội đồng Cố vấn khoa học, vốn là những chuyên gia đầu ngành đến từ Viện Đại học Harvard, MIT… và đã được các thành viên của Hội đồng đánh giá cao. Qua thành tích các bạn đạt được, có thể thấy công nghệ đã và đang là cánh tay đắc lực trợ giúp cho con người trên mọi phương diện của cuộc sống. Do đó, thay vì lo ngại sự đổi mới, nhân loại cần thay đổi bản thân để phù hợp với sự đổi mới do công nghệ mang lại”, bà Hương nhận định.
Đánh giá cao chất lượng cuộc thi, ông Nguyễn Anh Tuấn, CEO Diễn đàn Toàn cầu Boston cung cấp thêm thông tin: “Tham gia Hội đồng chấm thi, các giáo sư về AI liên quan tới các góc độ kỹ thuật, tư duy, tư tưởng đến chính sách đều rất ngạc nhiên. Đây là cuộc thi mới, lại yêu cầu học sinh phổ thông tiếp cận vấn đề vĩ mô và chiến lược chứ không phải vấn đề dễ thấy”.
Đại diện cho Ban Giám khảo, Giáo sư Thomas E.Patterson, Giáo sư Đại học Harvard chúc mừng các thí sinh của cuộc thi: “Tài năng và khả năng sáng tạo đặc biệt của các em sẽ giúp thúc đẩy tương lai của Việt Nam vươn lên vị trí dẫn đầu trong việc phát triển Natural AI”.
Nguồn: Báo VietNamNet