Home » Tin tức » Kỷ nguyên AI và giấc mơ của người Việt

Kỷ nguyên AI và giấc mơ của người Việt

Khi ChatGPT của OpenAI ra đời tháng 11/2022, gây nên làn sóng truyền thông mạnh mẽ, sửng sốt trên toàn cầu, thì một phiên bản của nó cũng đã được âm thầm nghiên cứu, chuẩn bị bởi những nhà lập trình Việt Nam.

GS. Vũ Hà Văn là Giám đốc Khoa học Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn Vin BigData, tập đoàn Vingroup, nhớ lại: “Khi ChatGPT bùng nổ toàn cầu, tháng 8/2023 chúng tôi đã ngay lập tức hoàn thiện và công bố mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt, đặt nền móng cho việc ra mắt ViGPT – “ChatGPT phiên bản Việt” đầu tiên dành cho người dùng cuối”.

Chỉ một thời gian ngắn sau đó, tháng 12/2023 công ty Vin Bigdata chính thức đưa vào hoạt động ứng dụng ViGPT – phiên bản ChatGPT – đầu tiên ở Việt Nam mở cho người dùng cuối. Đồng thời, một phiên bản khác dành riêng cho doanh nghiệp với hệ tri thức ngành sâu rộng được tích hợp trong nền tảng trí tuệ nhân tạo đa nhận thức VinBase 2.0 cũng chính thức ra mắt. Sản phẩm này không chỉ có ý nghĩa về mặt ứng dụng, mà còn có ý nghĩa lớn về mặt xã hội khi xu thế ngày càng nhiều người sử dụng ChatGPT hay các công cụ tương tự để học tập, tra cứu thông tin…”.

Để có những thành quả nhanh chóng như vậy, giáo sư Vũ Hà Văn, người đồng thời đảm nhiệm vai trò giáo sư toán học tại Đại học Yale (Hoa Kì), cho biết, từ những ngày đầu thành lập Nghiên cứu Dữ liệu lớn Vin BigData, ông và các đồng sự đã xác định dữ liệu là nền tảng cốt lõi trong công cuộc chuyển đổi số toàn diện.

Trên thực tế, có nhiều sản phẩm AI đang được âm thầm triển khai. VinFast MirrorSense, công nghệ chỉnh gương tự động bằng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) của VinAI là một ví dụ. Công nghệ này vừa được trao giải thưởng Innovation Award Honoree cho hạng mục Công nghệ xe và giải pháp di chuyển tiên tiến của CES 2024 cách đây vài ngày tại Mỹ, ghi nhận bước đột phá công nghệ của VinFast.

Công nghệ MirrorSense có thể phát hiện chính xác vị trí đầu của người lái và hướng nhìn của mắt với độ chính xác 10mm, từ đó tự động điều chỉnh vị trí tất cả các gương tương ứng. Đây là sự kết hợp đột phá của các thuật toán AI độc quyền, thiết kế trực quan, thân thiện với người dùng. MirrorSense đã được đào tạo với 25.000.000 hình ảnh từ 250.000 đối tượng trong thực tế.

Với giải thưởng này, VinAI được ghi nhận trong bảng xếp hạng các công ty nghiên cứu AI tốt nhất trên toàn cầu 2022.

TS Bùi Hải Hưng – Tổng Giám đốc VinAI. (Ảnh: VLAB Innovation)

Tổng Giám đốc VinAI Tiến sĩ Bùi Hải Hưng chia sẻ, trong suốt 5 năm qua, VinAI luôn đặt vấn đề chất lượng nghiên cứu lên hàng đầu.

Tới nay, công ty đã có gần 150 công trình được công bố tại những hội thảo AI uy tín nhất thế giới. Bên cạnh đó, VinAI luôn nỗ lực kết nối cộng đồng AI ở Việt Nam với cộng đồng AI thế giới thông qua nhiều hoạt động, điển hình là sự kiện AI Day diễn ra mỗi năm một lần.

“Chúng tôi rất hy vọng trong tương lai, các tài năng trẻ Việt Nam sẽ có đóng góp với những công trình rất quan trọng về AI cho Việt Nam và tại Việt Nam”, ông Hưng nói tại Cuộc thi Trí tuệ nhân tạo 2023 do VietNamNet cùng với VLAB Innovation với sự bảo trợ của Diễn đàn Toàn cầu Boston được tổ chức tuần trước.

“Chúng ta là người Việt, đều có giấc mơ lớn và muốn biết tiềm năng của mình đạt mức độ nào so với thế giới, đặc biệt là với những công nghệ hàng đầu thế giới như AI”, ông nói thêm.

Nhận xét của ông Hưng là thể hiện nhiều khát khao của người Việt Nam trong phát triển AI, lĩnh vực công nghệ mới mẻ, tiên phong của nhân loại.

The New York Times trong bài viết gần đây đã nhắc đến chương trình Alpha Geometry được phát triển bởi Google Deepmind, có khả năng giải bài toán hình học ngang với thí sinh đạt Huy chương Vàng cuộc thi Toán quốc tế. Điều đáng chú ý trong bài báo là có đến ¾ người Việt Nam trong danh sách những nhà phát minh ra Alpha Geometry.

Cách đây 2 năm, đứng trước làn sóng AI đang phát triển với nhiều hoài nghi và lo lắng, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030 để thể hiện quyết tâm phát triển lĩnh vực này.

Chiến lược đặt ra mục tiêu Việt Nam nằm trong nhóm 5 nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN và nhóm 60 nước dẫn đầu trên thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI và xây dựng được 05 thương hiệu TTNT có uy tín trong khu vực đến năm 2025.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phấn đấu trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng AI qua việc hình thành được 2 trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia về AI, gia tăng số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo về AI.

Chỉ sau một thời gian ngắn, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia ở Hòa Lạc, Hà Nội đã được khai trương, với sự cam kết của nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới.

Những nỗ lực đó và nhiều hơn nữa đã được ghi nhận. Theo Báo cáo “Chỉ số sẵn sàng AI của chính phủ” (Government AI Readiness Index) do Oxford Insights (Vương quốc Anh) thực hiện, chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo (AI) toàn cầu của Việt Nam đứng thứ 5/10 trong ASEAN, tăng một bậc so với năm trước.

So với toàn cầu, Việt Nam đứng thứ 59/193 quốc gia/vùng lãnh thổ (năm 2022 con số này là 55/181). Đây là năm thứ ba Việt Nam vượt qua ngưỡng trung bình của thế giới.

Các diễn giả thảo luận tại Diễn đàn Trí tuệ nhân tạo. (Ảnh: VLAB Innovation)

Oxford Insights dựa trên ba trụ cột gồm: Chính phủ, công nghệ và khả năng tiếp cận cơ sở dữ liệu, cơ sở hạ tầng. Trong đó, Chính phủ (quy định, chính sách, sẵn sàng thích ứng với thay đổi) đạt 69,04 điểm. Hai trụ cột còn lại gồm công nghệ (37,82 điểm) và khả năng tiếp cận cơ sở dữ liệu và cơ sở hạ tầng (56,58 điểm).

Trong Cuộc thi Trí tuệ nhân tạo 2023 do VietNamNet tổ chức tuần trước, bà Hoàng Thị Bảo Hương, Phó Tổng biên tập VietNamNet nhắc lại chỉ đạo của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông: “Năm 2024 là năm ứng dụng mạnh mẽ AI (trí tuệ nhân tạo) và trợ lý ảo. AI càng nhiều dữ liệu càng trở nên thông minh”.

“Trong kỷ nguyên khai sáng toàn cầu, với sự phát triển vượt bậc của khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo, các tập đoàn công nghệ lớn nhất hành tinh đang tích cực chạy đua vì những lợi ích AI mang lại. Cơ hội trong những ngành học liên quan đến lĩnh vực này đang vô cùng rộng mở với tất cả các bạn trẻ”, bà Hương nhận định.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, CEO Diễn đàn Toàn cầu Boston, nói: “Tôi làm công nghệ thông tin từ rất sớm. Anh em chúng tôi luôn trăn trở làm sao công nghệ thông tin Việt Nam có thể vượt lên đi cùng những sáng tạo tiên phong của nhân loại”.

Ông nói thêm: “Bây giờ đang là cơ hội lớn để chúng ta cùng thảo luận “mô hình mới cho thế giới”, và “thay vì nói, thảo luận về những sáng kiến tiên phong giới tinh hoa thế giới đang làm, chúng ta có thể cùng tham gia xây dựng, chúng ta cần hành động.”

“Cả thế giới đang cần những mô hình mới. Chúng ta không thể bằng lòng với những cái đã có, kể cả những cái đang phát triển rất tốt. Những nhà lãnh đạo, nhà tư tưởng khi gặp gỡ, làm việc thảo luận trong Diễn đàn Toàn cầu Boston luôn không hài lòng, cảm thấy cần đổi mới tiếp tục đi về phía trước. Đó có lẽ chính là sức mạnh của họ. Việt Nam chúng ta hãy cùng tư duy đó. Đây là cơ hội để chúng ta cùng đóng góp xây dựng mô hình mới”, ông Tuấn nói.

AI khoan dung và rộng lượng

Sự phát triển của AI cũng mang lại ám ảnh, lo lắng của con người theo nghĩa, AI phát triển thông minh đến ngưỡng nào đó sẽ lấy đi việc của con người, thậm chí điều khiển loài người.

Tuy nhiên, tại Diễn đàn của VietNamNet, Giáo sư Đại học Harvard Thomas E.Patterson đã cho rằng, lo lắng đó có thể quá đi.

GS Thomas Patterson phát biểu online tại Diễn đàn Trí tuệ nhân tạo do Vlab Innovation phối hợp với báo VietNamNet tổ chức. (Ảnh: VLAB Innovation)

Ông Thomas Patterson, thành viên Ban lãnh đạo Diễn đàn Toàn cầu Boston, cho rằng, triển vọng của AI trong việc thể hiện những ưu điểm siêu việt của bộ não con người: Thông minh, sáng tạo, khoan dung, rộng lượng.

Sáng kiến Xã Hội Trí Tuệ Nhân Tạo AIWS xây dựng mô hình cho những điều đó trở thành hiện thực qua trình bày của Giáo sư Thomas Patterson và Giáo sư David Silbersweig về việc kết hợp não người với các hệ thống tính toán của máy tính.

Giáo sư David Silbersweig, Đại học Y Harvard, thành viên Ban lãnh đạo Diễn đàn Toàn cầu Boston, Hoa Kỳ cho biết, AI và não bộ đều là những hệ thống phức tạp. Trong hàng nghìn năm nay, con người luôn tò mò về tâm trí và trí thông minh của chính loài người và AI có nguồn gốc từ tâm trí con người.

Ông cho biết, não bộ con người và AI đều là những hệ thống phức tạp, hệ thống sau được tạo ra bởi hệ thống trước. Nếu con người tận dụng và hiểu các nguyên tắc cơ bản của cả hai, loài người có thể tạo ra tương tác tích cực hơn giữa con người và AI, giảm bớt một số khía cạnh không nhân đạo của AI.

Giáo sư Trần Ngọc Vương cho rằng, có ba điều AI không thể thay thế con người với tư cách thực thể sinh học là ý chí, các loại xúc cảm phức tạp, và khát vọng.

“AI là một phương tiện cực kỳ hữu hiệu, do những người thuộc hạng thông minh nhất kết hợp với nhau tạo cỗ máy tự nhiên, sau đó ít nhiều mang tính xã hội hóa, nhưng đến cùng vẫn không thể tạo ra cỗ máy tự nhiên kiểu như con người được”, Giáo sư Vương nói và không chắc chắn rằng, trong AI có nơ ron thần kinh tự do hay không?!

Những thảo luận như trên chắc chắn là có tác dụng tích cực, xây dựng cho việc phát triển ngành AI còn non trẻ nhưng tiềm năng ở Việt Nam.

Nguồn: Báo VietNamNet