Home » Gương thành công » Xã hội học thuật » Những giáo sư và nhà khoa học Việt Nam nổi tiếng tại Hoa Kỳ

Những giáo sư và nhà khoa học Việt Nam nổi tiếng tại Hoa Kỳ

1. Ngô Bảo Châu.

GS Ngô Bảo Châu là người Việt Nam đầu tiên được trao huy chương Fields, giải thưởng Toán học danh giá nhất thế giới. Tháng 9/2010, ông làm việc tại khoa Toán, Đại học Chicago, bang Illinois, Mỹ. Được biết, khoa Toán của Đại học Chicago là cái nôi chuyên đào tạo tiến sĩ Toán học hàng đầu tại Mỹ. Tháng 3/2020, ông Ngô Bảo Châu được bổ nhiệm làm giáo sư của Collège de France – trung tâm nghiên cứu khoa học nổi tiếng nhất của Pháp. Trang web trường Collège de France giới thiệu GS Ngô Bảo Châu từng nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Paris XI, có 3 năm kinh nghiệm làm việc tại Đại học Princeton (Mỹ) và đạt danh hiệu Giáo sư xuất sắc khi làm việc ở Đại học Chicago.

 

2. Vũ Hà Văn.

Năm 2008, GS Vũ Hà Văn đoạt giải Pólya (SIAM) của Hội Công nghiệp và Toán học ứng dụng. Tháng 6 vừa qua, ông được Viện Toán thống kê IMS (Institute of Mathematical Statistics) bầu là Fellows năm 2020. Đây là giải thưởng dành cho những nhà khoa học có đóng góp xuất sắc trong nghiên cứu. Từ năm 2001 đến 2005, ông làm việc tại Đại học California (Mỹ) với vai trò phụ tá giáo sư, phó giáo sư rồi giáo sư. Sau đó, ông trở thành giáo sư khoa Toán tại Đại học Rutgers (Mỹ) vào mùa thu năm 2005. Năm 2011, ông được bổ nhiệm làm giáo sư tại Đại học Yale (Mỹ). Ông Vũ Hà Văn cũng là giáo sư thỉnh giảng của Đại học Paris 6 (Pháp) năm 2006 và Đại học Quốc gia Singapore (Singapore) năm 2017-2018.

 

3. Trần Xuân Bách.

Năm 2016, ông Trần Xuân Bách là người trẻ nhất được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư khi mới 32 tuổi. Nghiên cứu của ông liên quan nhiều đến HIV/AIDS và được đăng tải trên tạp chí quốc tế danh tiếng trong lĩnh vực khoa học y tếNăm 2019, PGS Trần Xuân Bách được Đại học Johns Hopkins (Mỹ) bổ nhiệm chức danh giáo sư kiêm nhiệm. Trang web của Đại học Johns Hopkins giới thiệu là người có nhiều kinh nghiệm tư vấn cho Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và chính phủ về các vấn đề sức khỏe và phát triển toàn cầu ở Đông Nam Á. Ông cũng là người tiên phong trong việc thúc đẩy nghiên cứu y học trong hệ thống chăm sóc sức khỏe Việt Nam.

 

4. Lê Hùng Việt Bảo.

Lê Hùng Việt Bảo là thí sinh giành hai huy chương vàng hai năm liên tiếp trong kỳ thi IMO năm 2003 và 2004. Ông cũng là một trong ba thí sinh giành huy chương vàng với số điểm tuyệt đối (42/42) trong kỳ thi IMO năm 2003. Sau khi tốt nghiệp ngành Toán tại Đại học Cambridge (Anh), ông trở thành nghiên cứu sinh tại khoa Toán, Đại học Harvard (Mỹ). Năm 2017, Lê Hùng Việt Bảo làm trợ giảng tại Đại học Chicago (Mỹ). Hiện, ông là giáo sư trợ lý Toán học tại Đại học Northwestern (Mỹ). Trang web của Đại học Northwestern thông tin ông Lê Hùng Việt Bảo đang nghiên cứu các vấn đề liên quan đến lý thuyết số, hình học đại số và lý thuyết biểu diễn.

 

5. Đàm Thanh Sơn.

Ông Đàm Thanh Sơn từng là tiến sĩ Vật lý tại Viện nghiên cứu hạt nhân Moskva năm 1995. Từ năm 1999 đến 2002, ông được bổ nhiệm làm giáo sư tại Đại học Columbia (Mỹ), đồng thời là học giả ở Trung tâm Nghiên cứu RIKEN-BNL, Phòng thí nghiệm quốc gia Brookhaven (Mỹ). Năm 2002, ông được bổ nhiệm làm giáo sư khoa Vật lý tại Đại học Washington (Mỹ). Tháng 9/2012, ông chính thức trở thành giáo sư tại Đại học Chicago (Mỹ). Năm 2014, GS Đàm Thanh Sơn được được bầu vào Viện Hàn lâm khoa học Mỹ. Đến năm 2018, ông được trao huy chương Vật lý Dirac.

 

6. Trần Duy Trác.

Trần Duy Trác hiện là giáo sư Khoa Kỹ thuật Máy tính và Điện, đại học Johns Hopkins.

Trần Duy Trác nhận Bằng Cử nhân và Thạc sĩ tại Học viện Kỹ thuật Massachusetts (MIT), Cambridge, vào năm 1993 và 1994. Năm 1998, ông nhận Bằng Tiến sĩ tại Đại học Wisconsin, Madison ngành Kỹ thuật Điện. Tháng 7 năm 1998, Trần Duy Trác công tác tại Khoa Kỹ thuật Máy tính và Điện, Đại học Johns Hopkins, Baltimore, MD, nơi ông hiện là Giáo sư. Trong suốt sự nghiệp, mối quan tâm nghiên cứu của GS. Trần Duy Trác là lĩnh vực xử lý tín hiệu kỹ thuật số, cụ thể là trong biểu diễn thưa (sparse representation), phục hồi thưa (sparse recovery), lấy mẫu, hệ thống đa tốc (multi-rate systems), ngân hàng lọc (filter banks), biến đổi (transforms), sóng (wavelets), và ứng dụng của chúng trong phân tích, nén, xử lý, và truyền tín hiệu. Nghiên cứu tiên phong của GS. Trần Duy Trác về các biến đổi hệ số nguyên và toán tử trước/sau lọc đã được ứng dụng như thành phần quan trọng của Microsoft Windows Media Video 9 và JPEG XR – tiêu chuẩn nén ảnh tĩnh quốc tế mới nhất ISO/IEC 29199-2.

Về thành tựu khoa học, GS. Trần Duy Trác được nhận giải thưởng NSF CAREER năm 2001, Giải thưởng Giảng dạy Xuất sắc William H. Huggins của Đại học Johns Hopkins năm 2007, Giải thưởng Capers và Marion McDonald vì thành tích xuất sắc trong tư vấn và cố vấn năm 2009. Năm 2012, ông được trao Giải thưởng Bài báo Xuất sắc nhất của IEEE Mikio Takagi, sau đó là Giải nhì của Information and Inference: một Tạp chí của IMA năm 2017, và Giải thưởng Bài báo Ảnh hưởng nhất của IEEE GRSS năm 2018. GS. Trần Duy Trác là IEEE Fellow về những đóng góp trong xử lý tín hiệu mật độ thấp và đa tốc.

 

7. Nguyễn Sơn Bình.

Nguyễn Sơn Bình là một giáo sư, tiến sĩ người Mỹ gốc Việt, chuyên ngành thiết kế vật liệu mềm dành cho ứng dụng hóa học trong xúc tác, y học và khoa học vật liệu. Ông hiện làm việc tại Khoa học hóa Đại học Northwestern. Ông là một trong bốn nhà khoa học gốc Việt có tên trong danh sách những người ảnh hưởng nhất thế giới do Thomson Reuters công bố năm 2015.

Ông sinh ở TP HCM trong gia đình khó khăn có 5 anh chị em. Sau năm 1975, ông và người em trai kém 2 tuổi được bố mẹ gửi sang Mỹ ở cùng dì.

Ông nhận bằng Tiến sĩ Hóa học tại Caltech vào năm 1995, nghiên cứu hậu tiến sĩ tại Viện Nghiên cứu Scripps rồi về giảng dạy tại Khoa Hóa, trường ĐH Northwestern và là thành viên chính của Phòng Thí nghiệm Quốc gia Mỹ Argonne.

Ông tập trung vào nghiên cứu hóa học vô cơ/hóa học hữu cơ kim loại, tổng hợp hữu cơ và khoa học polymer, đồng thời cũng quan tâm đến các chất xúc tác thân thiện với môi trường và vật liệu sinh học. Nhóm nghiên cứu liên ngành do ông dẫn dắt được phân làm ba ê kíp với ba nhánh chính: các vật liệu xốp (porous materials), graphene/graphene oxide, và các vật liệu sinh học (biomaterials).

Ông có hơn 250 bài báo trên tạp chí ISI và hơn 30 bằng sáng chế trong các lĩnh vực tổng hợp hóa học, xúc tác, tổng hợp vật liệu mềm và hóa học nguyên liệu được lấy cảm hứng từ sinh học.

8. Nguyễn Thục Quyên.

Sinh ra trong gia đình 5 anh chị em ở ngôi làng nhỏ tại Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Sau năm 1975, cha đi cải tạo, anh chị em Quyên theo mẹ, một giáo viên dạy toán cấp 2, đi làm kinh tế mới để kiếm kế sinh nhai. Thời ấy để nấu một bữa cơm bà phải đi nhặt lá để nhóm bếp.

Năm 21 tuổi, Quyên cùng bố mẹ và anh chị em đến Mỹ định cư (theo diện HO). Hai năm đầu, bà nhiều lần khóc đòi về Việt Nam vì không hiểu tiếng Anh và phong tục tập quán khác lạ. “Khó khăn nhất là ngôn ngữ, khi ấy đi đâu cũng phải nhờ người thông dịch”, bà nhớ lại.

Tháng 9/1995, bà xin chuyển lên ĐH California, Los Angeles và làm thêm trong phòng thí nghiệm với công việc rửa dụng cụ. Thích thú với công việc nghiên cứu, nhưng bà không được nhận vì “có chất giọng nặng”. “Họ bảo với tôi rằng ‘nghiên cứu không phải chuyện ai cũng làm được, cô nên tập trung vào học tiếng Anh hơn đi”, GS Quyên kể lại. Nhận xét này được cô sinh viên ngày ấy coi làm động lực để cố gắng: “không ai có thể ngăn cản bạn thực hiện ước mơ của mình”.

Sau khi tốt nghiệp vào năm 1997, bà nộp đơn học cao học và chỉ một năm sau đã có bằng thạc sĩ ngành Lý-Hóa. Bà quyết định học tiếp lên tiến sĩ và trong năm cuối của chương trình, trở thành một trong 7 nghiên cứu sinh xuất sắc của Đại học Califonia, Los Angeles được trao học bổng.

Tháng 6/2001, bà nhận bằng tiến sĩ, trước cả những sinh viên trong phòng thí nghiệm nơi bà từng phải rửa dụng cụ thí nghiệm cho họ. Bà chính thức giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học California, Santa Barbara (UCSB) từ hè năm 2004.

Để được công nhận, GS Quyên phải chứng minh bằng sự đóng góp của mình trong lĩnh vực. Các nghiên cứu của bà xoay quanh tính chất điện tử của polyelectrolytes liên hợp, giao diện trong các thiết bị quang điện tử, việc tạo và vận chuyển điện tích trong chất bán dẫn hữu cơ, vật liệu mới cho các ứng dụng pin mặt trời hữu cơ, tự lắp ráp phân tử, xử lý vật liệu, đặc tính kích thước nano của pin mặt trời hữu cơ và vật lý thiết bị.

Lý giải về chọn hướng nghiên cứu vật liệu mới cho ứng dụng pin mặt trời hữu cơ, GS Quyên nói đó là bởi “suốt 16 năm thời thơ ấu lớn lên trong cảnh không có điện ở quê nhà”. Bà cho hay mối quan tâm đặc biệt đến năng lượng mặt trời luôn ở trong tiềm thức hướng về quê hương.

 

9. Lê Duy Loan.

Bà là người phụ nữ đầu tiên và cũng là người châu Á đầu tiên trong lịch sử được vinh danh là Senior Fellow- Nhà nghiên cứu thâm niên – chức vị cao nhất trong nấc thang kỹ thuật ở Mỹ tại Texas Instruments (TI) là 1 trong 3 công ty điện tử lâu đời tại quốc gia này. Bà có tổng cộng 24 bằng sáng chế tại Mỹ, trong đó có 4 bằng sáng chế tiên phong, góp phần đặc biệt quan trọng vào sự phát triển của máy tính hiện đại. Bà cũng được coi là 1 trong 10 diễn giả xuất sắc nhất tại Mỹ thường được mời diễn thuyết tại các trường đại học uy tín và các tập đoàn lớn trong 20 năm qua. Bà là Lê Duy Loan, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực vật liệu bán dẫn, và là người luôn tự hào về nguồn gốc Việt Nam của mình.

 

10. Trịnh Hữu Châu (Eugene Trịnh)

Eugene Trịnh (tên khai sinh là Trịnh Hữu Châu) ra đời ngày 24-9-1950 tại Sài Gòn. Anh là con trai út của kỹ sư công chánh Trịnh Ngọc Sang. Năm 1953, gia đình anh đến định cư trên đất Pháp.

Anh học trung học tại Trường Michelet, Paris và lấy bằng năm 1968. Sau đó, anh sang Mỹ học ngành chế tạo máy và vật lý ứng dụng tại Đại học Columbia, tốt nghiệp năm 1972. Sức học của anh rất khỏe.

Trong hai năm liên tiếp 1974 và 1975, anh nhận học bổng và bảo vệ thành công các luận án thạc sĩ khoa học và triết học. Anh tiếp tục học lên tiến sĩ và năm 1977 lấy được bằng vật lý ứng dụng của Đại học Yale lừng danh. Nhận thấy được năng lực nghiên cứu khoa học xuất sắc của Eugene Trịnh, năm 1979 NASA mời anh vào làm việc tại phòng thí nghiệm về sức đẩy phản lực. Cũng trong thời gian này, anh kết thúc khóa học hậu tiến sĩ và tham gia các hoạt động nghiên cứu của Viện Kỹ thuật California.

Năm 1983 NASA chọn anh để huấn luyện thành chuyên viên sức đẩy làm việc cho phòng thí nghiệm không gian 3 (Spacelab 3) của mình. Anh trở thành người dự khuyết cho chuyên viên sức đẩy nổi tiếng Taylor Wang. Một lần nọ, Spacelab 3 thực hiện chuyến bay ra ngoài không gian và anh túc trực tại trạm kiểm soát không gian Johnson ở Houston để liên lạc với tiến sĩ Wang và trợ giúp những hoạt động sửa chữa trên quĩ đạo.

Sự nghiệp của anh lên đến đỉnh cao vào ngày 25-6-1992 khi anh có mặt trong chuyến bay của tàu con thoi Columbia bay lên không gian. Như thế, anh đã trở thành người Việt thứ hai có mặt trên quĩ đạo trái đất 12 năm sau khi Phạm Tuân làm được điều kỳ diệu tương tự.

Cả thế giới càng thêm tâm phục tài trí của người Việt. Báo chí Mỹ đưa hình ảnh Eugene Trịnh lên trang nhất và hàng chục viện nghiên cứu, trường đại học đã mời anh đến thuyết trình.

 

VLAB Tổng hợp