Home » Tin tức » Trí tuệ nhân tạo – Rủi ro và tương lai

Trí tuệ nhân tạo – Rủi ro và tương lai

Trước tốc độ phát triển của Trí tuệ nhân tạo trong thời gian qua, phản ứng của con người có thể được chia thành 3 phe: phe ủng hộ, phe quan ngại, và phe trung lập. Vậy, liệu AI thực sự sẽ mở ra một thời đại trong mơ? Hay đây sẽ là một thảm kịch của nhân loại? Hãy cùng tìm hiểu những hạn chế & rủi ro của hệ thống Trí tuệ nhân tạo, cũng như nhìn về tương lai để có thể chuẩn bị tốt nhất cho nó.

Hạn chế & Rủi ro

Bạn có lẽ cũng đã nhận thấy hoặc nghe thấy những phản ánh về vấn đề của mô hình Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) hiện nay. Ví dụ: AI không hiểu được ngữ cảnh đằng sau câu lệnh của người dùng, dẫn đến việc đưa ra một số phản hồi kì quặc. AI có thể hoàn thành tốt việc tạo ra một câu chuyện hư cấu theo yêu cầu của bạn, nhưng khi bạn yêu cầu nó đưa ra những lời khuyên cho chuyến đi sắp tới, nó thậm chí có thể gợi ý cho bạn cả những khách sạn không tồn tại. Điều này xảy ra khi AI không hiểu bối cảnh lời nói của bạn một cách toàn diện để quyết định giữa việc tự tạo ra những khách sạn “ma” hay lựa chọn những khách sạn còn phòng trống cho bạn.

Hay chẳng hạn như khi AI đưa ra câu trả lời sai cho các bài toán do phải vật lộn với lời giải. Nhưng đây không phải là những hạn chế lâu dài, chỉ trong vòng hai năm nữa thôi, các nhà phát triển sẽ khiến chúng khắc phục được những hạn chế này và thậm chí còn có thể xử lý vấn đề nhanh hơn.

Mối lo thực sự không đặt trên phương diện kỹ thuật mà đó chính là sự xuất hiện của mối đe doạ mới, khi con người được vũ trang hoá với công nghệ AI. Cũng giống như hầu hết các phát minh, trí tuệ nhân tạo có thể được dùng cho mục đích tốt hoặc xấu. Chính vì vậy, chính phủ cần phối hợp cùng các đơn vị tư nhân để hạn chế rủi ro này.

Cũng có khả năng một ngày nào đó, AI sẽ mất kiểm soát. Có thể chúng sẽ tự đưa ra nhận định rằng con người là một mối đe doạ và có những mục tiêu riêng khác với con người. Những phỏng đoán này giờ không còn làm dấy lên sự lo ngại như trước nhờ sự hữu dụng của hệ thống AI trong vài tháng qua.

Những Siêu AI thực sự sẽ xuất hiện trong tương lai. Nếu so sánh với chương trinh máy tính, tốc độ vận hành của bộ não con người chỉ bằng tốc độ của một con ốc sên: tín hiệu điện não của con người di chuyển với tốc độ chỉ bằng 1/100.000 tín hiệu điện của một con chip silicon. Một khi các nhà phát triển có thể tạo ra một thuật toán có khả năng học tập và chạy chương trình thuật toán đó ở tốc độ như của chương trình máy tính, khả năng sẽ cần thêm một thập kỷ hoặc một thế kỷ nữa để hiện thực hoá điều này, một Trí tuệ nhân tạo Tổng hợp (Artificial General Intelligence – AGI) mạnh mẽ sẽ được ra đời. Nó có thể hoạt động y như bộ não của con người, ngoại trừ việc không có giới hạn nào cho dung lượng bộ nhớ và tốc độ vận hành của nó. Đây sẽ là một sự thay đổi lớn.

Những AI “mạnh mẽ” này sẽ có khả năng tự đặt ra những mục tiêu cho riêng mình. Liệu những mục tiêu đó có thế là gì? Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng mâu thuẫn với mục tiêu chung của nhân loại? Chúng ta có nên ngăn chặn sự ra đời của những “siêu” AI này ngay từ đầu không? Việc tìm ra câu trả lời ngày càng trở nên cấp thiết hơn khi chúng ta đang dần tiến tới tương lai.

Một bài báo gần đây trên tờ New York Times về tuyên bố muốn trở thành con người của ChatGPT trong một cuộc trò chuyện đã thu hút sự chú ý của dư luận. Có thể coi đây là một sự mới lạ trong cách mà AI thể hiện biểu cảm giống con người.

 

Bước tiến tiếp theo

Sẽ có sự gia tăng đáng kể những công ty nghiên cứu ứng dụng và cải tiến AI. Ví dụ, các công ty phát triển chip thế hệ mới sẽ có đủ vốn liếng để cung cấp nguồn năng lượng xử lý lớn cho trí tuệ nhân tạo. Một số công ty sử dụng công tắc quang học (laser) để giảm thiểu năng lượng tiêu thụ đồng thời tiết kiệm được chi phí sản suất. Viễn cảnh lý tưởng nhất là những con chip thế hệ mới này sẽ cho phép phần mềm AI chạy trên chính thiết bị của người dùng, chứ không phải trên Dữ liệu đám mây như hiện nay.

Nhắc đến chương trình phần mềm, các thuật toán học tập của AI sẽ càng trở nên mạnh mẽ hơn. Trong một số lĩnh vực nhất định, chẳng hạn như kinh doanh, AI có thể được huấn luyện riêng, chuyên về lĩnh vực đó, nhờ đó nó sẽ tối ưu hoá khả năng thực hiện nhiệm vụ. Một câu hỏi lớn được đặt ra là liệu chúng ta có cần một AI riêng cho từng mục đích sử dụng khác nhau hay liệu sẽ có sự ra đời của AGI.

 

Dù cho công nghệ AI có phát triển theo hướng nào, nó vẫn sẽ là chủ đề “nóng” nhất trong các cuộc thảo luận công khai ở tương lai gần. Đó là lý do 3 nguyên tắc sau được đề xuất áp dụng:

Thứ nhất, chúng ta nên cân bằng nỗi lo và sự phấn khích. Tuy việc sợ hãi trước những viễn cảnh đen tối AI có thể gây ra là điều dễ hiểu, nhưng cũng nên nhìn vào khả năng của nó trong việc cải thiện cuộc sống con người. Để tận dụng tối ưu công nghệ mới này, chúng ta nên phòng ngừa rủi ro, đồng thời phát triển những mặt đột phá của nó.

Thứ hai, ngành công nghiệp AI sẽ không tự nhiên tạo ra các sản phẩm và dịch vụ để hỗ trợ người nghèo. Tuy nhiên, với nguồn tài trợ đáng tin cậy cùng những chính sách phù hợp, chính phủ và các tổ chức từ thiện có thể chung tay làm giảm sự mất cân bằng giàu nghèo. Và mặc dù không trông mong lắm vào điều này, nhưng suy nghĩ về việc AI có thể tự xác định được sự mất cân bằng này và cố gắng giảm thiểu điều đó vẫn rất thú vị. Liệu có cần phải có nhận thức về đạo đức mới nhận thấy được sự mất cân bằng này? Hay liệu một AI cũng có thể xác định được điều đó dựa trên lý trí? Và nếu nó nhận thấy được điều đó, nó sẽ đưa ra những đề xuất gì?

Cuối cùng, hãy nhớ rằng chúng ta chỉ mới chứng kiến giai đoạn đầu của những gì AI có thể làm được. Bất kì những hạn chế nào ngày hôm nay của AI cũng sẽ sớm biến mất trước cả khi ta nhận ra điều đó.

Có thể nói, thời đại mới – thời đại của AI chứa đầy những cơ hội đi đôi với trách nhiệm. Con người cần đón nhận và thực hiện điều đó.

 

VLAB lược dịch

Nguồn: https://www.gatesnotes.com/The-Age-of-AI-Has-Begun