Home » Xã hội học thuật » Học theo bối cảnh: Liên kết học với thế giới thực

Học theo bối cảnh: Liên kết học với thế giới thực

Trải nghiệm công việc thực tế có thể giúp sinh viên của bạn chuyển tiếp liền mạch từ việc tiếp nhận nền giáo dục đại học qua thực hiện công việc một cách chuyên nghiệp.

Alexandra Osika, Stephanie MacMahon, Jason M. Lodge, Annemaree Carroll

Đại học Queensland

Bối cảnh thực sự đóng một vai trò rất quan trọng. Phương pháp học tập trong bối cảnh thực tế sẽ khiến sinh viên đánh giá cao tính ứng dụng của kiến thức và kỹ năng ngành cứng nhắc, cũng như tăng động lực học và nghiên cứu tìm tòi của họ. Bối cảnh là nơi sinh viên có thể áp dụng kiến thức và kỹ năng của mình. Do đó, việc học tập tách rời bối cảnh có thể sẽ hạn chế hoặc làm giảm khả năng chuyển giao cũng như sử dụng kiến thức đã học của sinh viên vào trong thế giới thực hoặc trong môi trường mới. Trong khi việc bối cảnh hóa kiến thức có thể đưa ra những thách thức nhất định đối với các giáo viên và những người thiết kế chương trình học tập thì đối với học sinh, đó lại là cơ hội để nâng cao trải nghiệm học tập và kết quả của họ.

Trong bài viết thứ hai thuộc chuỗi bài phân tích bảy nguyên tắc trong Khung Chương trình học Đại học (HELF) này, chúng ta sẽ tiến hành nghiên cứu chi tiết việc học theo bối cảnh.

Học tập áp dụng vào bối cảnh thực tế

Nguyên tắc “Học theo bối cảnh” khám phá cách mà việc áp dụng kiến thức vào bối cảnh có thể mang lại trải nghiệm ý nghĩa cho sinh viên. Là một phần của quá trình khám phá nội dung kiến thức đã học khi xét trê, các bối cảnh khác nhau và xem kiến thức đó có liên quan như thế nào, trải nghiệm học tập này sẽ là hành trang cần thiết cho sinh viên trước khi họ bước chân ra thế giới bên ngoài. Sinh viên sẽ bắt đầu hình thành tư duy liệu kiến thức mà họ thu được trong quá trình học sẽ có liên quan như thế nào đến nghề nghiệp dự định của họ, nơi làm việc, các khía cạnh của cuộc sống và thế giới rộng lớn này. Việc bối cảnh hóa kiến thức theo cách này khiến sự chuyển đổi từ giáo dục đại học sang công việc thực tế diễn ra liền mạch hơn. Ví dụ, việc tiến hành và thiết kế các thí nghiệm bằng phương pháp khoa học và sự tìm tòi học hỏi sẽ giúp sinh viên khoa học có một suy nghĩ tư duy về những giả thuyết phổ biến trong xã hội.

  • Nguyên tắc 1: Học tập để thành công: sinh viên sẽ trở thành những người như nào sau quá trình học đại học của họ?
  • Nguyên tắc 3: Cảm xúc và việc học: cảm xúc đóng vai trò gì trong cách học và lý do học tập của học sinh?
  • Nguyên tắc 4: Học tập tương tác: làm việc nhóm là nền tảng

Đặt việc học trong bối cảnh có thể làm cho trải nghiệm học tập trở nên hấp dẫn hơn, đồng thời cũng tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ cho sinh viên. Phương pháp này mang trải nghiệm học tập của sinh viên tiến đến gần hơn với thế giới bên ngoài, nó làm cho mọi thứ trở nên liên quan và dễ ghi nhớ, đồng thời cũng làm giảm bớt khó khăn cho sinh viên khi phải áp dụng các kiến thức mới vào các tình huống không quen thuộc. Học tập áp dụng và đánh giá thực tế là những cách tiếp cận phổ biến được sử dụng để đặt việc học tập vào bối cảnh công việc thực tế. Trong những cách tiếp cận này, khung học tập dựa trên các bài tập, tình huống và vấn đề trong thế giới thực. Khi làm như vậy, việc học tập và đánh giá sẽ có thể phản ánh chân thực công việc thực tế và cho sinh viên thấy họ sẽ chuyển giao kiến thức và kỹ năng của mình qua lĩnh vực chuyên môn và công việc như thế nào.

Việc học trong bối cảnh thực tế cũng định hình sơ bộ cho sinh viên việc trở thành một người hành nghề trong tương lai sẽ như thế nào. Nó giúp sinh viên phát triển màu sắc cá nhân và tính hiệu quả trong công việc như một thành viên tương lai của nghề hoặc ngành cụ thể đó. Việc bối cảnh hóa cũng tạo cơ hội cho sinh viên tiếp cận những quan điểm khác của các bạn học cũng như ngành học khác, và cách những quan điểm đó phù hợp với chính họ cũng như độ hiểu biết của họ.

Làm thế nào chúng ta có thể triển khai phương pháp ‘Học theo bối cảnh’ vào giáo dục đại học?

  1. Tạo điều kiện cho các hoạt động học tập cho phép học sinh suy nghĩ về các ứng dụng tiềm năng và thực tế của kiến thức mà họ đã học. Khám phá và sử dụng các phương pháp tiếp cận qua bối cảnh chẳng hạn như học tập dựa trên dự án, học tập dựa trên tình huống và học tập tích hợp công việc. Làm thế nào để các yếu tố bối cảnh hóa này phù hợp với nhiều chương trình cấp bằng và bối cảnh thực tế hơn? Làm thế nào họ có thể chuyển tải kiến thức chuyên môn của mình vào nghề nghiệp dự định trong tương lai? Hoặc vào những con đường khác? Hoặc nói chung hơn là vào cuộc sống? Việc dạy và học theo bối cảnh là một phương pháp lí tưởng để dẫn đến các đánh giá thực tế hơn. Liên kết rõ ràng này được duy trì xuyên suốt bài nghiên cứu.
  2. Lồng ghép các vấn đề trong thế giới thực và ở nơi làm việc vào các hoạt động học tập và đánh giá như một cách để truyền tải kiến thức. Những nhiệm vụ và thách thức mà các chuyên gia trong lĩnh vực chuyên môn của bạn phải trải qua mỗi ngày là gì? Làm thế nào để các hoạt động tại nơi làm việc này được mô phỏng, nhân rộng, điều chỉnh hoặc tích hợp vào các hoạt động học tập và đánh giá? Những kỹ thuật, công cụ, phương pháp và cách thức phân tích nào được sử dụng trong nghề này? Làm thế nào bạn có thể sử dụng chúng để truyền tải kiến thức tới sinh viên? Việc kết nối với công việc và hiện thực cuộc sống sẽ giúp sinh viên hiểu được cách mà kiến thức được tổ chức và áp dụng trong chuyên môn của họ.
  3. Truyền bá và thúc đẩy trải nghiệm tích hợp giữa học tập và công việc cho sinh viên của bạn. Hãy xem xét xem liệu các khóa học, khóa thực tập, dự án tình nguyện và dự án nghiên cứu về công việc thực tế nào mà họ có thể tham gia như một phần của môn học hoặc như một hoạt động ngoại khóa? Liệu các cơ hội này có thể mở ra cho sinh viên mà không cần liên kết với trường đại học hay không? Việc sinh viên được đảm nhận các vị trí trong công việc với tư cách là người học việc sẽ mang lại trải nghiệm chân thực hơn cho việc học của họ.
  4. Thu hút sinh viên của bạn bằng các ngành nghề có liên quan tới môn học. Quảng bá và xúc tiến các sự kiện cũng như tương tác với ngành nghề đó. Việc này có thể bao gồm việc tổ chức và tham gia các cuộc thảo luận, hội thảo, bài giảng của các diễn giả là người trong ngành, các tư liệu giúp sinh viên khám phá con đường sự nghiệp rộng mở phía trước, và cả các cuộc phỏng vấn với cựu sinh viên. Hãy nhớ rằng bạn là một chuyên gia và bạn hoàn toàn có thể chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của mình. Kinh nghiệm của bạn khi làm việc trong hoặc với ngành nghề này là gì? Ngành nghề này ảnh hưởng như thế nào đến chương trình giảng dạy thuộc chuyên môn của bạn?
  5. Duy trì mối quan hệ với các bên liên quan trong ngành, cộng đồng lớn hơn và cả các cựu sinh viên. Việc tham khảo ý kiến của họ có thể hỗ trợ bạn trong các hoạt động học tập ứng dụng và thiết kế khung đánh giá. Hãy dựa vào hiểu biết thực tế về ngành của họ để duy trì tính phù hợp của môn học với định hướng và nhu cầu của ngành. Dựa trên những mối quan hệ này, bạn có thể tạo cơ hội cho sinh viên tham gia vào ngành nghề liên quan, chẳng hạn như cơ hội tìm việc làm và khả năng kết nối trong ngành.
  6. Hãy nhớ rằng không cần thiết phải bối cảnh hóa tất cả các môn học và việc chỉ học trên mặt chữ cũng không phải là một ý tồi. Bạn có thể chuyển đổi xen kẽ giữa việc tạo bối cảnh và học lý thuyết.

Bối cảnh có thể được tận dụng để nâng cao trải nghiệm và kết quả học tập

Bằng cách đưa việc học theo bối cảnh đến nơi làm việc và các bối cảnh thực tế khác, sinh viên sẽ có thể hiểu rõ hơn để chuyển giao và áp dụng kiến thức của họ vào thế giới thực. Bối cảnh có thể xem như là một yếu tố bổ sung cho trải nghiệm học tập của sinh viên và nó có thể khơi dậy sự thích thú, tò mò, động lực thúc đẩy và các hoạt động nghiên cứu tìm tòi của họ đối với chủ điểm bài học.

Annemaree Carroll là người đứng đầu Phòng thí nghiệm Trung tâm Nghiên cứu Khoa học về Học tập; Stephanie MacMahon là giám đốc chương trình của Phòng thí nghiệm Học tập; Jason M. Lodge và Alexandra Osika hiện lãnh đạo công việc của Phòng thí nghiệm Học tập trong lĩnh vực giáo dục đại học. Phòng thí nghiệm Trung tâm Nghiên cứu Khoa học về Học tập, nằm trong Trường Giáo dục tại Đại học Queensland, tập hợp các nhà nghiên cứu đa ngành và các đối tác chuyên nghiệp với mục đích chuyển đổi việc học không ngừng.

Contextual learning: benefits and examples (timeshighereducation.com)

VLAB lược dịch