Home » Xã hội học thuật » Du học ngành Khoa học máy tính và Công nghệ thông tin

Du học ngành Khoa học máy tính và Công nghệ thông tin

Sự khác nhau

Đúng với tên gọi, Khoa học Máy tính là một ngành đào tạo nên những nhà khoa học về máy tính. Công việc của những nhà khoa học nói chung là nghiên cứu và sáng tạo nên các sản phẩm mới. Xét riêng nhóm các nhà khoa học máy tính thì nhiệm vụ của họ là chế tạo ra các chương trình máy tính đem lại lợi ích cho mọi người.

Trong khi đó, Công nghệ Thông tin là ngành học thiên về ứng dụng những chương trình máy tính hiện có trong thực tế. Nói cách khác, ngành học Công nghệ Thông tin hướng dẫn cách sử dụng những sản phẩm do lĩnh vực Khoa học Máy tính sáng tạo nên. Lấy một ví dụ đơn giản, Khoa học Máy tính đã sáng tạo nên hệ điều hành (Windows hoặc MacOS) bạn đang sử dụng nhưng để tối ưu hóa mọi công năng mà hệ điều hành có thể làm được cho nhiều mục đích khác nhau thì bạn cần phải học Công nghệ Thông tin.

Cấp độ

Mặc dù Khoa học Máy tính và Công nghệ Thông tin có vai trò tương đối khác nhau nhưng nếu xét về mặt cấp bậc thì Khoa học Máy tính sẽ đứng ở vị thế cao hơn so với Công nghệ Thông tin. Lý do đơn giản bởi vì người học Công nghệ Thông tin sẽ không thể chế tạo ra một sản phẩm máy tính hoàn toàn mới nhưng nếu học Khoa học Máy tính thì buộc phải biết sử dụng sản phẩm mình đã làm ra. Tương tự như một người chuyên sửa xe không thể nào sản xuất ra một chiếc xe hoàn chỉnh nhưng người trực tiếp sản xuất ra chiếc xe đó sẽ dễ dàng biết được vị trí hỏng hóc trong sản phẩm của mình.

Những yêu cầu đầu ra của các chương trình Khoa học máy tính và Công nghệ thông tin

Để vào học các chương trình này, bạn sẽ phải có một lượng kiến thức cơ bản về máy tính, phần mềm và các ngôn ngữ lập trình.

Nếu bạn đang thiếu một trong những kĩ năng nào đó, chẳng hạn về ngôn ngữ lập trình, bạn có thể theo đuổi một khóa ngắn hạn để sẵn sàng cho khóa học. Một số trường có thể chỉ yêu cầu bạn giỏi ở các môn Toán và Lý. Hơn nữa, để được nhận vào học, bạn cũng phải thể hiện được sự ham thích của mình cho lĩnh vực này. Trong thư bày tỏ nguyện vọng cá nhân, hãy đề cập đến các dự án mà bạn đã từng tham gia khi rỗi rảnh, về các website bạn hay ghé thăm, các ứng dụng hay những phần mềm mà bạn đã tạo ra trước đây… Những trải nghiệm này sẽ giúp bạn tạo được nét riêng biệt cho hồ sơ ứng tuyển của mình so với các ứng viên khác.

Để có sự chuẩn bị thật tốt, bạn nên kiểm tra điều kiện đầu vào của các khóa học ở trên trang thông tin của chính trường Đại học cung cấp khóa học đó

Bạn có thể theo học những ngành cụ thể nào?

  • Khoa học máy tính (Computer Science)​
  • Tin học (Computing)
  • Công nghệ thông tin (IT)
  • Đa phương tiện (Multimedia)
  • Phần mềm (Software)

Hình thức làm việc

Những người làm việc trong lĩnh vực Khoa học Máy tính thường sẽ hoàn thành công việc một cách độc lập hoặc chỉ giới hạn trong một nhóm người nhất định để hoàn thành dự án hoặc sản phẩm. Ngược lại, nhân sự trong ngành Công nghệ Thông tin có thể sẽ phải tiếp xúc với nhiều người hơn, không chỉ gói gọn trong đồng nghiệp mà gồm cả đối tượng khách hàng để giúp họ giải quyết những vấn đề kỹ thuật hoặc những nhu cầu liên quan khác.

Vì lẽ đó nên nếu bạn là người có tính cách hướng nội không muốn tiếp xúc với nhiều người thì Khoa học Máy tính là lựa chọn tiềm năng. Trong trường hợp bạn không ngại trò chuyện, tư vấn hay trực tiếp xử lý vấn đề của vô số người thì Công nghệ Thông tin sẽ là hướng đi phù hợp hơn cả.

Hướng đi nghề nghiệp

Vì Khoa học Máy tính tập trung vào vai trò sáng tạo nên cái mới nên con đường sự nghiệp thường sẽ là các vị trí phát triển sản phẩm như kỹ sư phần mềm, kỹ sư hệ thống hay kỹ sư lập trình trang web. Các công việc này đòi hỏi kỹ năng quản lý dự án tốt, nhất là quản lý thời gian để mọi khâu trong quá trình thực hiện đều đúng tiến độ để có được thành phẩm cuối cùng. Kỹ tính cũng là một yêu cầu quan trọng vì chỉ cần một lỗi nhỏ thì sản phẩm sẽ không thể hoạt động trơn tru.

Trong khi đó Công nghệ Thông tin tập trung vào mảng ứng dụng nên công việc thiên về hướng quản trị, tư vấn hoặc bảo mật như chuyên viên bảo mật thông tin, chuyên viên giải quyết kỹ thuật hay quản trị hệ thống thông tin. Một trong các kỹ năng mềm ngoài năng lực chuyên môn mà các công việc trong ngành Công nghệ Thông tin cần có là chăm sóc khách hàng và giao tiếp tốt.

VLAB tổng hợp