Home » Tin tức » Xã hội học thuật » Thấy gì từ phương pháp giáo dục con trẻ của người Do Thái?

Thấy gì từ phương pháp giáo dục con trẻ của người Do Thái?

Khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ Do Thái đã dạy trẻ không được coi thường, miệt thị người khác. Người Do Thái cho rằng, Thượng Đế tạo ra con người rất công bằng, mỗi người đều bình đẳng như nhau, ai cũng có ưu điểm và khuyết điểm. Vì thế, không được khinh miệt người khác, vì bản thân họ cũng có những điều tốt đẹp. Dân tộc Do Thái coi việc giúp đỡ người nghèo là một nghĩa vụ, cho dù ở trong hoàn cảnh nào, mọi người cũng đều giúp đỡ người nghèo. Làm như vậy, họ đã giúp cho cả dân tộc Do Thái trở nên giàu có và hùng mạnh.

Người Do Thái ở bất cứ thời đại nào cũng thực hiện theo nguyên tắc: Không kỳ thị bất cứ ai. Cha mẹ luôn dạy con cái biết tìm ra những ưu điểm của người khác, để bản thân học tập, noi theo. Trong dân tộc Do Thái, người giàu có thể làm bạn với người nghèo, học giả có thể làm bạn với kẻ ăn mày. Họ không phân biệt cao thấp giàu nghèo, con người luôn học tập, đối xử bình đẳng với nhau. Vì thế, mọi người luôn tôn trọng và cùng nhau tiến bộ. Khi tôn trọng người khác, bạn cũng sẽ nhận được sự tôn trọng.

Trước hết phải xóa bỏ định kiến

Trong cuộc sống, chúng ta thấy vẫn còn tồn tại một số quan niệm như: Người giàu là người thành công, người nghèo là kẻ thất bại; Người đức cao vọng trọng là người được tôn trọng, người học thức thấp kém là người thô tục. Trong gia đình Do Thái, cha mẹ không truyền dạy cho con những quan niệm này. Từ nhỏ, trẻ đã được dạy rằng: Con người cần đối xử bình đẳng với nhau, không phân biệt cao thấp sang hèn, phải luôn tôn trọng người khác, không được coi thường bất cứ ai. Tất cả trẻ em Do Thái đều được dạy cách tìm ra ưu điểm của người khác, tôn trọng và khen ngợi người khác chân thành.

Tăng cơ hội tiếp xúc với người khác

Tiếp xúc với mọi người, trẻ sẽ có cơ hội giao lưu, giao tiếp với nhiều người khác nhau. Thông qua việc giao tiếp với nhiều người, trẻ hiểu được những điều bình thường và đặc biệt trong cuộc sống, tăng vốn hiểu biết, giúp trẻ có cái nhìn toàn diện và không coi thường người khác, từ đó tôn trọng tất cả mọi người. Người Do Thái luôn cổ vũ con cái giao tiếp với nhiều người. Vào các ngày nghỉ cha mẹ thường dẫn trẻ đi tham quan, du lịch để trẻ học hỏi thêm nhiều điều. Trẻ còn nhỏ có thể đi chơi ở những nơi gần nhà, trẻ lớn hơn một chút có thể đi đến những vùng xa hơn, từ đó, trẻ có thể giao lưu với nhiều người tăng thêm vốn sống, sự hiểu biết và cách ứng xử với mọi người xung quanh.

Nâng cao trình độ văn hóa cho trẻ

Tâm lí coi thường có thể coi là sự ngu muội. Một người có học thức thấp kém sẽ đánh giá người khác thông qua vẻ bề ngoài, nhìn sự vật qua mức độ cao thấp, đắt rẻ. Như vậy, họ dễ có tâm lí coi thường người khác. Người có học thức uyên bác, sẽ đánh giá sự vật một cách toàn diện và sâu sắc, từ đó hình thành thói quen tôn trọng người khác, không coi thường bất cứ ai. Do đó, cha mẹ nên cho trẻ đọc nhiều sách để nâng cao trình độ văn hóa, bồi đắp tình cảm và trái tim nhân ái cho trẻ.

Không coi thường, khoan dung, chân thành với mọi người là tiền đề để bản thân chúng ta được tôn trọng và có mối quan hệ tốt. Trong xã hội hiện đại, sự thành công của một người không thể tách rời sự ủng hộ của mọi người xung quanh. Quan hệ rộng là điều kiện cần thiết cho sự thành công của mỗi người. Vì thế, cha mẹ cần chú ý bồi dưỡng cho trẻ thái độ sống chân thành, dạy trẻ biết đối xử bình đẳng với mọi người, không nên coi thường người khác.

VLAB lược dịch và tổng hợp