Home » Tin tức » Xã hội học thuật » Quan điểm giáo dục của người Do Thái

Quan điểm giáo dục của người Do Thái

Một trong những nền giáo dục ổn định đóng góp nhiều cho nhân loại phải kể đến cách thức và quan điểm giáo dục của người Do Thái. Theo Perry Stone, tác giả Mật mã Do Thái, ghi nhận Do Thái chỉ là một dân tộc nhỏ bé, nhưng đã có những đóng góp vô cùng vĩ đại kể từ xưa cho tới nay. “Người Do Thái chỉ chiếm chưa đến 1% dân số thế giới, nhưng 176 người đoạt giải Nobel lại là người Do Thái. 25% các tổ chức nhận giải thưởng Nobel Hòa bình đều do người Do Thái thành lập hoặc đồng sáng lập…”

Người Do Thái đã có những quan điểm, những phương pháp giáo dục như thế nào mà sinh ra vô vàn những con người khổng lồ, đóng góp cho thế giới vô cùng lớn lao như thế?  Trước hết, giáo dục kiến thức, văn hóa hay tôn giáo Do thái, gắn kết dường như không có sự tách rời “xưa cũng như nay, đối với người Do Thái đạo đức, việc học đồng nghĩa với việc thờ phượng, tôn vinh Thiên Chúa là nguồn mọi sự khôn ngoan. Như vậy, học không phải chỉ để hiểu biết mà còn để biết tôn kính.

Trách nhiệm quan trọng, chính yếu trong giáo dục luôn thuộc quyền trách nhiệm của gia đình. Vai trò cha mẹ, ông bà, người thân trong gia đình luôn quan tâm và chủ động giáo dục những kiến thức căn bản, sơ khởi, nhưng rất nền tảng và quan trọng. Cho tới ngày nay nền giáo dục của người Do Thái vẫn luôn giữ được uy thế, đóng góp cho nhân loại những bậc tài hùng, phần lớn là nhờ và khởi xuất từ nền tảng giáo dục trong gia đình.

Việc giáo dục trẻ em vẫn luôn là mối ưu hàng đầu của xã hội Do Thái cổ thời. Các bậc cha mẹ có nhiệm vụ lo cho con cái được học hành đàng hoàng; tuy nhiên, các môn học sơ đẳng tại Do Thái hoàn toàn nghiêng về lĩnh vực tôn giáo. Trẻ em được học lịch sử về Thiên Chúa yêu thương chủng tộc Do Thái; được học biết các thánh chỉ của Đức Chúa và các trách nhiệm đối với các luật lệ ấy; được huấn luyện về cách giao tế và thuật xử thế khôn ngoan. Sách Khôn Ngoan là kho tàng các châm ngôn và ngạn ngữ, trẻ em Do Thái cần học để có được những kinh nghiệm xử thế khôn ngoan của người xưa

Vai trò giáo dục của người cha

“JERUSALEM, ISRAEL – APRIL 4, 2008: Dad teaching his son from the Hebrew holy books.”

Người cha trong gia đình có trách nhiệm giáo dục con cái những kiến thức căn bản về văn hóa xã hội, ông phải truyền lại cho chúng di sản tôn giáo do truyền thống dân tộc để các thế hệ con cháu tiếp nối phát triển.

Người cha trong gia đình có trách nhiệm giáo huấn con cái về tôn giáo, chỉ dẫn nghề nghiệp. Khi cử hành các ngày lễ hội trong Do Thái giáo, người cha thường cắt cử người con trưởng trong gia đình đứng lên nhắc lại lịch sử và ý nghĩa của các ngày lễ ấy, cũng như những mối liên hệ tới nguồn gốc và lịch sử của cả dân tộc.

Kinh Torah hướng dẫn cho các ông bố bà mẹ dạy lời Chúa cho con cháu của họ. Còn kinh Talmud thì hé lộ vai trò của người cha trong việc dạy dỗ con trai của họ. Thời Israel cổ đại, người đàn ông chính là người đứng đầu về mặt tâm linh trong gia đình và là chủ gia đình.

Vai trò giáo dục của người mẹ

Luật lệ Do Thái từ cổ thời đã khuyên nhủ các bà vợ chu toàn bổn phận của mình. Theo phong tục của người Do Thái, người mẹ có bổn phận dạy dỗ con cái những điều cơ bản để cư xử cho đúng. Người con gái học từ người mẹ về việc nội trợ như chợ búa nấu nướng, quay tơ, dệt vải, may vá, thêu thùa, trang hoàng. Khi chúng lớn hơn, người mẹ sẽ tập cho con gái làm quen với bổn phận làm vợ và làm mẹ trong tương lai.

Vai trò giáo dục  của các tư tế (người thầy tâm linh)

Trong lãnh vực giáo dục, các tư tế là những người không chỉ có kiến thức tâm linh, mà con là người am hiểu thế sự, có kinh nghiệm và kiến thức cuộc sống, tri thức, nên có trách nhiệm rộng lớn, không chỉ giảng dạy về tôn giáo, mà còn cả những vấn đề văn hóa, tri thức, liên quan, gắn liền cuộc sống.

Bổn phận người con – học trò

Bổn phận người con – học trò, những người môn sinh theo học, điều kiện trước hết phải có là “lễ”. Thái độ đầu tiên là  khiêm tốn, chân thành, kính trọng, hiếu thảo ông bà, cha mẹ, các bậc làm thầy.

Cụ thể, họ phải vâng lời ông bà cha mẹ và rập khuôn các kinh nghiệm qúy giá và thiết thực của họ trong cuộc đời, nhất là khi những người con ấy còn non nớt, trẻ tuổi khi còn đang ở với gia đình. Khi lỗi lầm, họ cũng cần được ông bà cha mẹ trách mắng và đánh đòn để trị tội và sửa dạy. Người Do Thái có tập tục tốt lành là con cái trong gia đình phải tôn trọng và hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ để kính mến và phụng sự Thiên Chúa.

Người con khiêm ngoan, siêng năng theo sự hướng dẫn, học từ cha mẹ những kiến thức căn bản trong các bổn phận, những vấn đề cuộc sống và công ăn việc làm: ngư nghiệp, nông nghiệp, chăn nuôi, thủ công nghiệp, buôn bán, trao đổi, thêu đan, nội trợ là một trong những nghề chính người con trong gia đình cần biết.

Các giai đoạn giáo dục thời Do Thái cổ: giai đoạn đầu tiên huấn luyện tại gia đình. Khi đã có khả năng và mức độ nhận thức, trẻ được đào tạo “cấp sơ đẳng huấn luyện cho trẻ em biết môn toán học, để chúng có thể dùng vào việc khảo sát và đo đạc đất đai, cũng như tính toán số hoa màu thu hoạch được và dùng trong việc xây cất; các lớp cao đẳng hơn huấn luyện cho các ngành về khoa thiên văn, đường quỹ đạo của mặt trời, mặt trăng và các tinh tú và cách làm lịch, đặc biệt là lịch tôn giáo và lịch nông nghiệp những ngành nghề khác như các nghề thủ công, thợ trò học nghề từ các bậc thợ thầy đàn anh dạn dày kinh nghiệm.

Một trong những tiêu chuẩn làm nên nét riêng biệt, tạo nên giá trị độc đáo, đóng góp nhiều tinh hoa cho nhân loại là nhờ quan điểm giáo dục Do Thái cổ đặt nền tảng trên niềm tin.

VLAB tổng hợp