Home » Xã hội học thuật » Tổng hợp 8 ngành Kỹ sư Đại học phổ biến khi chọn đi du học

Tổng hợp 8 ngành Kỹ sư Đại học phổ biến khi chọn đi du học

Kỹ sư cơ khí

Đây là nhánh kỹ sư lâu đời và có tính ứng dụng rất cao trong đời sống. Về cơ bản, kỹ sư cơ khí chuyên về thiết kế, sản xuất và bảo trì hệ thống máy móc. Khi học ngành này, bạn sẽ được trang bị các kiến thức chuyên môn như động lực học, thủy động lực học, nhiệt động lực học, phân tích tác động lực, thiết kế động cơ và mẫu mã sản phẩm. Ngành học kỹ sư cơ khí sẽ phù hợp với những bạn yêu thích làm việc với máy móc và đam mê sáng tạo sản phẩm. Một số chuyên ngành của kỹ sư cơ khí có thể kể đến như sản xuất phương tiện giao thông, công nghệ nano và sản xuất người máy. Kiến thức được học trong ngành có thể làm nền tảng để áp dụng cho nhiều nhánh kỹ sư khác.

 

Kỹ sư hàng không

Đúng như tên gọi, ngành kỹ sư hàng không có trách nhiệm nghiên cứu, thiết kế, phát triển và tạo nên những loại máy móc có thể bay bao gồm phi cơ dân dụng, tên lửa, vệ tinh hay tàu vũ trụ. Nếu bạn thực sự muốn tìm hiểu nguyên lý để một khối kim loại to lớn và nặng nề như phi cơ có thể bay lên bầu trời thì ngành học này sẽ giúp bạn tìm được câu trả lời thỏa đáng. Khác với phi hành đoàn, công việc của kỹ sư hàng không sẽ diễn ra chủ yếu trên mặt đất nên có một nghịch lý là người sáng tạo ra máy bay lại không sử dụng máy bay nhiều.

 

Kỹ sư y sinh

Ngành học này kết hợp các kiến thức về Toán, Sinh và Dược để sáng tạo nên những công cụ chăm sóc sức khỏe hay giải quyết các vấn đề y khoa nói chung. Ví dụ như những loại máy móc xét nghiệm bệnh tật chính là một trong sản phẩm giàu ý nghĩa của kỹ sư y sinh trong quá trình khám chữa bệnh bạn thường thấy. Nếu bạn có mong muốn làm công việc liên quan đến ngành sức khỏe nhưng không thực sự muốn theo đuổi ngành Y dược thì Kỹ sư y sinh là ngành học phù hợp.

 

Kỹ sư xây dựng

Lĩnh vực chuyên môn của ngành kỹ sư xây dựng chủ yếu tập trung vào việc quản lý, triển khai và sửa chữa các công trình cá nhân lẫn công cộng như nhà cửa, đường sá, tàu điện và cầu cống. Nghe đến xây dựng là bạn có thể phần nào hình dung tính chất công việc sẽ phải thường xuyên có mặt ở công trường nên sẽ phù hợp với những bạn không ngại nắng gió khi hành nghề. Đổi lại, bạn sẽ được giữ trọng trách quan trọng trong việc định hình mỹ quan đô thị. Tất cả những công trình nổi tiếng trên thế giới như tháp Eiffel ở Pháp hay nhà hát Opera ở Úc đều có sự đóng góp công sức của kỹ sư xây dựng.

 

Kỹ sư điện

Kỹ sư điện chủ yếu học về cách chế tạo, sử dụng và quản lý không chỉ điện năng mà còn các loại năng lượng khác như gió, nước và ánh sáng mặt trời. Bên cạnh đó, kỹ sư điện còn có nhiệm vụ phát triển và sáng tạo nên các sản phẩm dùng đến điện. Những phát minh như tivi, máy nghe nhạc hay lò vi sóng bạn sử dụng hàng ngày đều có sự dấu ấn của kỹ sư điện. Thomas Edison có lẽ là kỹ sư điện nổi tiếng bậc nhất với phát minh bóng đèn dây tóc mà bạn chắc chắn đã biết. Nếu bạn muốn có thể thiết kế nên một sản phẩm ứng dụng dùng đến điện để hoạt động tương tự như Thomas Edison thì đây là ngành học phù hợp.

 

Kỹ sư phần mềm

Trong thời đại máy tính và điện thoại thông minh phát triển mạnh như ngày nay thì bạn cũng có thể phần nào biết được tầm quan trọng của kỹ sư phần mềm. Hệ điều hành bạn đang sử dụng, trình duyệt bạn đang dùng để đọc bài viết này hay các ứng dụng mạng xã hội ngày nào bạn cũng dành hàng giờ để hóng hớt đều là sản phẩm của kỹ sư phần mềm. Kỹ sư phần mềm là một chuyên ngành nhỏ của Khoa học Máy tính có nhiệm vụ phát triển và xây dựng hệ thống máy tính hoặc ứng dụng phục vụ cho nhu cầu của con người. Nhu cầu tuyển dụng đội ngũ kỹ sư phần mềm lành nghề chưa bao giờ sụt giảm vì gần như lĩnh vực nào trong cuộc sống cũng có nhu cầu áp dụng các giải pháp công nghệ để cải thiện hiệu quả công việc. Với hàng tỷ chiếc máy tính và điện thoại được sử dụng mỗi ngày trên thế giới thì bạn có thể ước lượng mức độ ảnh hưởng của công việc kỹ sư phần mềm lên xã hội.

 

Kỹ sư hóa học

Ngành học này tập trung vào việc sử dụng các loại hóa chất để sản xuất nên những vật liệu hoặc sản phẩm hữu ích cho đời sống. Dù mang tên là Kỹ sư hóa học nhưng bạn vẫn sẽ được tiếp thu các kiến thức của các lĩnh vực khoa học liên quan như Vật lý, Sinh học, Vi sinh, Sinh hóa, Toán học hay thậm chí là… Kinh tế. Diễn giải ngành học thì nghe có vẻ trừu tượng nhưng đây là lĩnh vực đóng góp công sức to lớn trong việc tạo nên những sản phẩm quen thuộc trong nhà bạn như dầu gội đầu, kem dưỡng ẩm, nước rửa tay, chì kẻ mắt hay… các gói mì ăn liền. Muốn theo học ngành này thì yêu cầu trước tiên tất nhiên là phải giỏi môn Hóa.

 

Kỹ sư môi trường

Trách nhiệm của kỹ sư môi trường là tìm kiếm giải pháp để quản lý và giảm thiểu chất thải và vấn đề ô nhiễm do các hoạt động sản xuất đem lại. Chẳng hạn như việc khai thác khoáng sản không đúng cách sẽ góp phần gây tác động tiêu cực đến môi trường nên cần có phương hướng xử lý phù hợp để có thể sử dụng tài nguyên một cách bền vững nhưng chất lượng đất, nước và không khí không bị ảnh hưởng quá nặng nề. Ngành học này sẽ cung cấp cho bạn kiến thức thuộc nhiều mảng khoa học khác như địa chất, công nghệ, khai khoáng, xử lý nguồn nước,… Nếu bạn là một người yêu môi trường thì đây là ngành học thiết thực nhất trong việc giúp bạn thực hiện mục tiêu bảo toàn môi trường sống của mình và mọi người.

 

Đỗ An Khang