Trong bối cảnh tâm lý chống nhập cư ngày càng tăng, các trường đại học Hoa Kỳ nên nỗ lực hơn nữa để mang nền giáo dục của họ đến nơi có nhu cầu – Richard Joseph.
Trong nhiều thập kỷ qua, giáo dục đại học Hoa Kỳ là điểm đến được ưa thích bởi sinh viên toàn cầu. Nhờ những danh tiếng đạt được về chất lượng giáo dục, các trường cao đẳng và đại học Hoa Kỳ đã thu hút hàng trăm nghìn công dân Đông Á, Trung Đông, Mỹ Latinh và Nam Á đến học mỗi năm. Tuy nhiên, sự phát triển của xã hội và chính trị đã tạo ra một lực cản cho dòng chảy này. Một bộ phận lớn dân số Mỹ đã quyết định chuyển qua phe chống lại dân nhập cư. Các cuộc khảo sát gần đây của Gallup dã chỉ ra rằng đa số người Mỹ phản đối việc gia tăng số lượng người nhập cư, bao gồm cả các trường hợp nhập cư với nhu cầu học tập.
Chính tâm lý này, cùng với những lo ngại về an ninh quốc gia và những ảnh hưởng kéo dài của đại dịch, đã dẫn đến việc thắt chặt các hạn chế về thị thực của Hoa Kỳ và làm chậm lại quá trình nhập học của các du học sinh. Ngoài ra, nhiều gia đình thuộc Hồi giáo, Đông Á và Mỹ Latinh cũng đã đặt ra câu hỏi rằng liệu có đúng đắn không khi cho con cái họ đến Mỹ học tập. Chính vì vậy, họ dần chuyển sang ưu tiên các điểm đến có vẻ an toàn và được chào đón hơn, chẳng hạn như Canada, Úc, Malaysia, Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ.
Nếu cả thế giới hiện không thể – hoặc không muốn – đến Hoa Kỳ để học đại học, tại sao Hoa Kỳ không đưa nền giáo dục đại học của mình đến với thế giới? Tại sao các trường cao đẳng và đại học Hoa Kỳ không tăng cường khả năng “xuất ngoại” của mình? Tại sao các trường không cung cấp các chương trình cấp bằng, các khóa học ngắn hạn, các buổi đào tạo về quản lý, hội nghị, hội thảo và tư vấn học tập tại quốc gia cư trú của sinh viên?
Với nhiều cách dàn xếp khác nhau, các trường Đại học Hoa Kỳ có thể thực hiện nỗ lực này một cách thuận lợi. Một là tạo mối quan hệ đối tác với một trường cao đẳng hoặc đại học khác, chẳng hạn như liên minh của Đại học New York với Đại học Sư phạm Trung Quốc để thành lập Đại Học New York Thượng Hải (NYU Shanghai – New York University Shanghai). Những lợi thế có thể kể đến là nâng cao trình độ học thuật, phân tán rủi ro và tăng cường các giá trị có tính liên kết.
Thiết lập quan hệ hợp tác đối ngoại cũng có thể thu hút sự hỗ trợ của chính phủ nước ngoài, chẳng hạn như liên doanh của Carnegie Mellon với chính phủ Rwanda để thành lập Đại học Carnegie Mellon Châu Phi (CMU Africa – Carnegie Mellon University Africa). Lợi ích của việc này bao gồm các hỗ trợ về hậu cần, khả năng tiếp cận các mạng lưới chính phủ và cơ hội tăng cường nguồn tài chính.
Một phương án khác là hợp tác với tập đoàn đa quốc gia, chẳng hạn như sự hợp tác của Trường Kinh doanh Quốc tế Hult với Tổ chức Giáo dục EF (EF Education) để thiết lập các cơ sở chi nhánh ở Thượng Hải và Dubai. Bằng việc tận dụng các nguồn lực của một doanh nghiệp xuyên quốc gia, tổ chức giáo dục có thể nâng cao khả năng hoạt động của mình trong việc cung cấp các dịch vụ giáo dục ở nước ngoài.
Tuy nhiên, vẫn còn một con đường khác dẫn đến thị trường quốc tế, đó chính là các chương trình đào tạo từ xa dành cho những người không phải là cư dân Hoa Kỳ và không có thị thực loại F-1, chẳng hạn như những chương trình được tài trợ bởi Đại học Houston, Đại học Bang San Jose và Cao đẳng Goucher. Thông qua việc điều hành trực tuyến, các trường cao đẳng và đại học có thể dễ dàng tập hợp các nguồn lực của mình để phát triển các chương trình tầm cỡ quốc tế nhằm thu hút những tài năng có trí tuệ vượt bậc nhất ở mỗi tổ chức giáo dục. Họ có thể tạo ra các dịch vụ liên ngành trong đó thế mạnh học thuật của tổ chức giáo dục này sẽ được hỗ trợ bởi những thế mạnh của tổ chức giáo dục khác. Họ có thể tạo ra các diễn đàn xuyên quốc gia để so sánh kết quả nghiên cứu, thảo luận về các phương pháp giảng dạy tốt nhất và chia sẻ quan điểm, tầm nhìn riêng. Họ có thể tạo ra các “khóa học không biên giới” trải dài trên nhiều múi giờ và khai thác kiến thức chuyên môn của các chuyên gia trên khắp thế giới.
Những thách thức của việc “vươn ra toàn cầu” được thừa nhận là rất khó khăn để đối mặt. Chúng bao gồm việc quản lý hậu cần, phát triển tổ chức, cập nhật các khóa học của giảng viên và các mối quan hệ ngoại giao. Bên cạnh đó, chúng cũng bao gồm cả việc huy động vốn và duy trì chất lượng giáo dục. Ở một số quốc gia, việc bảo vệ tự do học tập khi phải đối mặt với các chế độ đàn áp cũng là điều cần thiết. Tuy nhiên, những thách thức này không phải là không thể vượt qua. Chúng có thể được giải quyết thông qua việc quản lý chuyên sâu, kiểm soát chặt chẽ, giám sát hiệu quả, hướng dẫn công chứng và hỗ trợ từ chính phủ phương Tây.
Ngoài Bắc Mỹ, Châu Âu và Úc, nhu cầu về giáo dục đại học tại Hoa Kỳ vẫn là rất lớn. Nhu cầu mạnh mẽ này có thể được chứng minh dựa vào tổng giá trị các hợp đồng được trao cho các trường cao đẳng và đại học Hoa Kỳ tại các thị trường mới nổi lớn, cho mọi thứ từ thiết kế, phát triển và phân phối chương trình đến tuyển dụng và đào tạo giảng viên. Từ năm 2010 đến năm 2020, thu nhập từ hợp đồng quốc tế là 2,6 tỷ đô la (2,3 tỷ bảng Anh) từ Qatar, 1,5 tỷ đô la từ Trung Quốc, 1,4 tỷ đô la từ Ả Rập Xê Út, 365 triệu đô la từ Ấn Độ và 112 triệu đô la từ Brazil. Các trường thụ hưởng nhiều nhất bao gồm Carnegie Mellon, với tổng giá trị hợp đồng là 1,7 tỷ đô la, Đại học Cornell (1,2 tỷ đô la), Đại học Texas A&M (465 triệu đô la), Đại học Colorado tại Boulder (464 triệu đô la) và Viện Công nghệ Massachusetts (284 triệu đô la) .
Chúng ta đang ở ngã ba đường trong lịch sử giáo dục đại học của Hoa Kỳ. Do thị trường trong nước đông đúc, tăng trưởng chậm nên nền móng kinh tế của ngành đang gặp nhiều khó khăn. Do đó, cấu trúc tư tưởng thượng tầng – ý tưởng gia tăng các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu và học thuật – cũng có thể gặp khó khăn.
Nhưng việc đưa nền giáo dục đại học của Mỹ ra khắp thế giới không phải chỉ để đạt được mục tiêu hữu ích là đáp ứng nhu cầu tài chính của các trường cao đẳng và đại học Mỹ – hoặc đáp ứng nhu cầu giáo dục của các công dân trên thế giới.
Đó là việc tăng cường vai trò quan trọng của Mỹ trong sứ mệnh toàn cầu nhằm tạo ra tri thức, nâng cao trí tuệ và theo đuổi chân lý. Đó là việc cải thiện nền kinh tế, xã hội và chính trị của các quốc gia kém phát triển. Và đó cũng là việc bảo tồn của các lý tưởng tự do, dân chủ trong bối cảnh nước nhà có nhiều thay đổi và trật tự thế giới đang bị đảo lộn.
Richard J. Joseph là cựu chủ tịch của Babson Global, một chi nhánh giáo dục thuộc sở hữu của Đại học Babson. Trước đây, ông là giám đốc điều hành nhiệm kỳ và giám đốc học thuật của Đại học Bryant, đồng thời là hiệu trưởng và cũng là hiệu trưởng toàn cầu của Trường Kinh doanh Quốc tế Hult, đóng vai trò chính trong việc thành lập các cơ sở chi nhánh ở Thượng Hải, Dubai, London và San Francisco. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất của ông là cuốn “Bridging the Gap between the Abundance of American Higher Education Talent and the Immense Foreign Demand for It” (Nhà xuất bản Đại học Oxford).
VLAB lược dịch