Home » Xã hội học thuật » Học tập tương tác: Làm việc nhóm là nền tảng

Học tập tương tác: Làm việc nhóm là nền tảng

Các giáo viên nên thiết kế, khai thác và chỉ dẫn cho sinh viên các động lực xã hội hướng tới trải nghiệm học tập tích cực hơn là để mặc sinh viên tự tương tác với nhau.

Alexandra Osika, Stephanie MacMahon, Jason M. Lodge, Annemaree Carroll

Đại học Queensland

Con người bẩm sinh đã là sinh vật xã hội, và việc dạy và học thường được coi là những hoạt động mang tính xã hội cao. Từ những trải nghiệm ban đầu như trong việc học cách nói cho đến khi đến trường, trong giáo dục đại học và cách người trưởng thành học tập để phát triển nghề nghiệp hoặc đơn giản chỉ là vì niềm vui, việc học tập luôn đi cùng tương tác xã hội với những người khác. Tuy nhiên, sự thành công và ảnh hưởng của những tương tác này phụ thuộc vào chất lượng và bản chất tự nhiên của các trải nghiệm xã hội đó. Trên đại học, việc học tập diễn ra trong nhiều bối cảnh xã hội khác nhau – một đối một, trong các nhóm nhỏ và lớn, trực tuyến và trực tiếp – và trong nhiều môi trường khác nhau, cả trang trọng và không trang trọng. Với sự đa dạng và phức tạp về xã hội và giữa các cá nhân, đây có thể là một thách thức đối với giáo viên lẫn sinh viên trong việc điều hướng thành công các tương tác xã hội để tạo ra những trải nghiệm vui vẻ trong quá trình học tập.

Trong bài viết thứ tư thuộc chuỗi bài phân tích bảy nguyên tắc trong Khung Chương trình học Đại học (HELF), chúng tôi sẽ tiến hành nghiên cứu chi tiết về học tập tương tác.

  • Nguyên tắc 1: Học để thành công: sinh viên sẽ trở thành những người như nào sau quá trình học đại học của họ
  • Nguyên tắc 2: Học theo bối cảnh: liên kết việc học với thế giới thực
  • Nguyên tắc 3: Cảm xúc và việc học: cảm xúc đóng vai trò gì trong cách học và lý do học tập của học sinh?

Sử dụng động lực xã hội để nâng cao trải nghiệm học

Tương tác xã hội làm cho sinh viên cảm thấy được kết nối với người khác, xây dựng những hiểu biết chung về nhau và chia sẻ kinh nghiệm học tập, đồng thời có thể làm quen với môi trường học tập và những người thuộc môi trường đó. Trong môi trường học tập, điều này là nền tảng cho tinh thần hiếu học của sinh viên – với cảm giác được kết nối không chỉ với những gì đang được học mà còn với những bạn đồng học. Cảm giác được kết nối với xã hội giúp nâng cao sự thân thuộc và mối quan hệ của mỗi cá nhân. Sự thân thuộc là điều cần thiết để khơi dậy và duy trì động lực học tập ở sinh viên, giúp sinh viên cảm thấy an toàn và thoải mái.

Nguyên tắc Học tập tương tác bao gồm bản chất của các tương tác xã hội trong việc học. Đằng sau tương tác xã hội là một loạt các quá trình và kỹ năng có ý thức, vô thức, trực quan và bẩm sinh cho phép chúng ta thúc giục bản thân, quan sát, diễn giải, hiểu và tham gia tương tác xã hội. Việc hiểu rõ hơn về các quá trình liên quan trong tương tác xã hội và cách những quá trình này ảnh hưởng đến các động lực xã hội cũng như quá trình học tập có thể mang lại giá trị trong việc thiết kế bài học và truyền tải kiến thức.

Việc thường xuyên tập trung vào bản thân để mở rộng sự hiểu biết, quản lý việc học hay điều chỉnh cảm xúc và động lực của chính mình, từ đó coi nhẹ tương tác xã hội là điều thường thấy ở đại học. Tuy nhiên, nếu được cung cấp những cơ hội trong môi trường học tập để tương tác, phát triển mối quan hệ cũng như để trải nghiệm nó, sinh viên sẽ có thể tạo ra các kết nối xã hội. Từ đó, sinh viên có thể hỗ trợ nhau để nâng cao động lực học và kết quả học tập của mỗi người.

Sinh viên thường sẽ tận dụng cơ hội mang tính kết nối xã hội đó bằng việc cố gắng thấu hiểu và đánh giá cao quan điểm của người khác. Môi trường học tập tích cực và các tương tác liên tục đã tạo điều kiện cho sinh viên trong việc này. Việc được tiếp xúc với các ý kiến, suy nghĩ và quan điểm khác nhau chính là cơ hội để sinh viên cùng nhau tạo ra thành quả, củng cố kiến thức hiện có, thử thách và mở rộng các giả định của họ, cũng như tham gia vào quá trình tư duy phản biện sâu sắc.

6 cách để triển khai Học tập tương tác trên Đại học

1. Tạo cơ hội để sinh viên có thể sớm phát triển các mối quan hệ trong quá trình học của họ. Các cuộc thảo luận trực tuyến hoặc các bài tập nhóm với các câu hỏi có mục đích để sinh viên trao đổi có thể là những “con tàu phá băng” hữu ích và thúc đẩy các sinh viên tìm hiểu về nhau. Những câu hỏi này có thể là: chương trình học này sẽ có đóng góp như thế nào vào mục tiêu và nguyện vọng nghề nghiệp của bạn? Bạn hy vọng sẽ thu được gì từ việc học của mình?

2. Khai thác tính năng động xã hội trong môi trường học thuật thông qua các hoạt động học tập và đánh giá được thiết kế có mục đích. Thúc đẩy tương tác xã hội giữa các sinh viên thông qua: các bài tập yêu cầu hợp tác trực tiếp có tổ chức hoặc trong các phòng riêng trên ứng dụng họp nhóm online hoặc qua các diễn đàn trực tuyến tương tự; bài tập giải quyết vấn đề theo nhóm nhỏ; hoặc các hoạt động hợp tác theo kiểu Jigsaw hoặc theo kiểu hội bàn tròn (World Café Method).

3. Thiết kế các nhiệm vụ hợp tác nhóm nhỏ để sinh viên có thể cùng nhau trao đổi kiến thức hoặc đưa ra giải pháp. Hãy đảm bảo rằng các nhiệm vụ này được thiết kế hợp lý và mỗi sinh viên đều có thể nhận một vai trò góp phần vào việc đạt được các mục tiêu chung của nhóm. Bằng cách này, sinh viên phải chịu trách nhiệm cho cả chính phần việc mình và thành công chung của nhóm.

4. Hãy tìm kiếm mọi cơ hội có thể trong suốt kì học để xây dựng kết nối giữa các nhóm sinh viên nhằm hạn chế việc chia bè phái. Các bài tập mà trong đó sinh viên có thể chia sẻ sở thích, kinh nghiệm hoặc những vấn đề chung giúp họ tìm ra những điểm tương đồng ở nhau.

5. Thúc đẩy phát triển các kỹ năng xã hội, kỹ năng giao tiếp và kỹ năng viết của sinh viên thông qua các hoạt động học tập và đánh giá. Việc này có thể bao gồm cả việc yêu cầu sinh viên mở rộng câu trả lời của mình hoặc xây dựng mạch tư duy, giới hạn số lượng từ một cách nghiêm ngặt để buộc sinh viên phải diễn đạt ngắn gọn, hoặc thử thách họ bằng việc đưa ra giới hạn thời gian cho các bài thuyết trình.

6. Hãy tận dụng cả môi trường trong và ngoài lớp học, nơi tương tác xã hội có thể diễn ra một cách hiệu quả. Vậy, liệu bạn sẽ tận dụng những môi trường này như thế nào? Hoạt động tương tác nào sẽ hiệu quả nhất với cách bố trí trên lớp hay thiết kế lớp học trực tuyến của bạn? Những môi trường có thể đưa ra những thách thức gì và những thách thức này có thể được giải quyết bằng cách nào? Những môi trường nào bên ngoài lớp học – chẳng hạn như thư viện, nhóm học trực tuyến, câu lạc bộ hoặc hội sinh viên mà sinh viên có thể tận dụng làm nơi học tập?

Các hoạt động tương tác củng cố việc học của sinh viên

Trong môi trường học tập, giáo viên có thể thiết kế, khai thác và định hướng các động lực xã hội cũng như tận dụng mong muốn tương tác bẩm sinh của con người để thúc đẩy và xây dựng những hoạt động học tập tương tác đầy tích cực. Những cơ hội được tạo ra để sinh viên tương tác với người khác có thể mở rộng nhận thức của họ, sàng lọc kiến thức và thúc đẩy tinh thần hiếu học – tất cả những điều này đều tạo điều kiện cho việc gia tăng cảm giác kết nối và nâng cao khả năng học tập.

Annemaree Carroll là người đứng đầu Phòng thí nghiệm Trung tâm Nghiên cứu Khoa học về Học tập; Stephanie MacMahon là giám đốc chương trình của Phòng thí nghiệm Học tập; Jason M. Lodge và Alexandra Osika hiện lãnh đạo công việc của Phòng thí nghiệm Học tập trong lĩnh vực giáo dục đại học. Phòng thí nghiệm Trung tâm Nghiên cứu Khoa học về Học tập, nằm trong Trường Giáo dục tại Đại học Queensland, tập hợp các nhà nghiên cứu đa ngành và các đối tác chuyên nghiệp với mục đích chuyển đổi việc học không ngừng.

 

VLAB lược dịch

Link bài viết: https://www.timeshighereducation.com/campus/interactive-learning-more-teamwork-makes-dream-work