Home » Gương thành công » Xã hội học thuật » Những du học sinh Việt Nam trẻ tuổi thành công tại Hoa Kỳ

Những du học sinh Việt Nam trẻ tuổi thành công tại Hoa Kỳ

Nước Mỹ từ lâu đã được biết đến là miền đất hứa cho những người Việt muốn một môi trường sống và làm việc lý tưởng. Những bạn trẻ sau đây là những gương mặt thành công tiêu biểu đại diện cho những du học sinh Việt Nam.

1. Lê Thị Kỳ Duyên – Tốt nghiệp Đại học Mỹ với điểm số xuất sắc.

Học xong trong ba thay vì bốn năm với tổng điểm tốt nghiệp 3.95/4.0 và nhận bằng danh dự xuất sắc, Kỳ Duyên không có gì nuối tiếc về ba năm tự lập vất vả ở Mỹ.

Sau khi biết điểm thi môn cuối cùng hồi tháng 8, sau ba năm đại học ở Mỹ, Lê Thị Kỳ Duyên (23 tuổi) chạy một mạch đến nơi làm thêm trong khuôn viên trường. Không bắt tay vào làm ngay, Duyên mở một chai champagne, uống mừng vì biết mình vừa đạt GPA tuyệt đối 4.0/4.0 trong một năm học ngành Marketing ở Đại học Texas tại San Antonio, bang Texas. Cộng với điểm GPA trong hai năm tại Đại học công lập Angelo (Angelo State University) trước đó, Duyên tốt nghiệp với 3.95/4.0 điểm.

“Đó là mục tiêu khi đến Mỹ. Mình tự hào vì đã vượt qua rất nhiều khó khăn để đạt được”, Duyên nói. Trong lễ tốt nghiệp giữa tháng 12, Duyên được trường trao bằng danh dự xuất sắc – Summa Cum Laude. Chỉ những sinh viên đạt 3.9 điểm trở lên mới nhận được vinh hạnh này.

Mục tiêu tốt nghiệp sớm được Duyên xác định ngay khi đến Mỹ bởi đó là cách giúp cô tiết kiệm chi phí sinh hoạt trong bối cảnh gia đình không khá giả, học bổng lại chỉ hỗ trợ học phí. Ngay từ kỳ đầu tiên, Duyên đã đăng ký tối đa số tín chỉ cho phép và duy trì khối lượng học tập nặng như vậy cho đến khi tốt nghiệp.

Học dồn thay vì dàn trải trong bốn năm khiến Duyên gần như ngày nào cũng có deadline (hạn nộp bài tập, dự án). Giai đoạn thi giữa hay cuối kỳ, hầu như ngày nào cô cũng ngồi một mình ở thư viện đến 2h sáng.

Dù vậy, những gì được hỗ trợ không đủ để cô gái sinh năm 1998 trang trải chi phí sinh hoạt tối thiểu. Không muốn thành gánh nặng cho bố mẹ nên dù bận học, Duyên vẫn làm thêm 20 tiếng mỗi tuần ở trường – mức tối đa dành cho du học sinh. Công việc khiến Duyên thường phải thu hẹp thời gian nghỉ trưa và luôn trong trạng thái vội vã. Bù lại, bây giờ cô không còn phải dè dặt từ chối ăn kem cùng bạn khi nhìn thấy giá một cốc lên tới 5 USD như những ngày đầu sang Mỹ.

Nhìn lại ba năm học ở Mỹ, Duyên không chỉ tự hào về thành tích học tập mà còn về những gì được trải nghiệm, những con người cô đã trở nên gắn bó. Sau khi tốt nghiệp, cô làm việc cho một công ty ở Austin, Texas. Duyên cũng mới nhận được học bổng bậc thạc sĩ tại trường Emlyon Business School của Pháp. Tháng 8 tới, cô sẽ chuyển sang Paris, sau đó có vài tháng học ở Thượng Hải theo chương trình học và nửa năm thực tập tại một quốc gia khác.

“Mình trải nghiệm ở Mỹ như vậy là đủ nên quyết định đến châu Âu để học bậc cao hơn”, Duyên nói. Dù chương trình học vẫn bằng tiếng Anh, Duyên đang vừa đi làm, vừa học thêm tiếng Pháp để có những trải nghiệm trọn vẹn trong thời gian ở Paris sắp tới.

 

2. Nguyễn Ngọc Minh Trang – 4 năm du học Mỹ lấy 3 bằng.

Với sự hiểu biết về nền giáo dục xứ sở cờ hoa, Nguyễn Ngọc Minh Trang cùng mẹ vốn là một nhà giáo đã có một sự lựa chọn vô cùng khôn ngoan khi chọn lựa thời điểm và chương trình học.

Trang lựa chọn chương trình lấy 3 bằng Trung học, Cao đẳng và Đại học Mỹ trong 4 năm khi quyết định đi du học Mỹ chương trình lấy bằng kép từ năm 16 tuối. Sau khi hoàn thành học kì I lớp 11, Trang theo học ngành kế toán của Cao đẳng cộng đồng Shoreline Community College, trường cho phép nộp hồ sơ từ năm 16 tuổi để lấy bằng Trung học và Cao đẳng trong 2 năm.

Ưu việt hơn, chương trình đào tạo này còn tương đương với 2 năm đầu Đại học, giúp Trang san bằng các dị biệt giữa nền giáo dục Việt Nam và Hoa Kỳ. Hai năm Cao đẳng được tính tương đương với năm nhất và năm thứ hai Đại học. Quãng thời gian này đủ để Trang được Đại học Cincinnati danh tiếng cho phép chuyển tiếp vào năm thứ 3 và lấy bằng cử nhân của trường. Mới 18 tuổi, Trang đã là sinh viên năm 3 của University of Cincinnati, top 100 trường công lập tốt nhất nước Mỹ với chi phí tiết kiệm. Với nỗ lực và thành tích xuất sắc trong học tập, Trang đã vượt qua bài sát hạch đầu vào để được hãng hàng không Delta Airlines của Mỹ nhận vào thực tập mới mức lương khá cao.

Quá trình học bằng kép và chuyển tiếp giúp tiết kiệm chi phí vào Trung học vốn đắt đỏ tại Mỹ. Học phí các trường Cao đẳng cộng đồng dao động khoảng 10.000 USD, Đại học 30.000-60.000 USD mỗi năm. Nhờ cách tính 2 năm Cao đẳng tương đương 2 năm đầu Đại học, bạn còn tiết kiệm được 65% học phí trong quãng thời gian đó.

Ngoài ra, việc học 2 năm tại các trường Cao đẳng cộng đồng sẽ giúp học sinh có hồ sơ và tiếng Anh tốt hơn, đủ sức cạnh tranh với sinh viên bản địa để chuyển tiếp vào các Đại học lớn.

 

3. Võ Phương Khánh Toàn – Trưởng phòng Chiến lược cấp cao của Tập đoàn Amazon.

Sinh ra và lớn lên tại xã Cẩm Mỹ (huyện Cẩm Xuyên), ngay từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, Võ Phương Khánh Toàn đã sở hữu bảng thành tích học tập đáng nể. Năm lớp 10, Khánh Toàn thi đậu vào lớp chuyên Toán, Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh và liên tục đạt danh hiệu cao nhất tại cuộc thi học sinh giỏi tỉnh môn Toán các năm học 2006-2009.

Ban đầu, Khánh Toàn dự định theo học các chương trình kỹ thuật hoặc kỹ sư tài năng tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội hoặc Đại học Xây dựng Hà Nội. Song, đến phút chót, nam sinh này đã lựa chọn thi vào Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Trong thời gian sinh viên, Khánh Toàn từng được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động phong trào và đạt giải ba Chương trình Khởi nghiệp toàn quốc do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức. Những năm cuối trên ghế giảng đường, khi thấy nhiều bạn bè, đặc biệt là những người ở các thành phố lớn đi du học, Khánh Toàn cũng ấp ủ những ước mơ của riêng mình.

Những năm tại xứ người, Khánh Toàn gặp không ít khó khăn trong hành trình tìm kiếm tương lai. Rào cản ngôn ngữ, văn hóa, kinh nghiệm sống… đều trở thành những thứ lạ lẫm với chàng trai sinh ra từ làng quê nghèo ở Hà Tĩnh. Thế nhưng, bằng nỗ lực không mệt mỏi, sau khi tốt nghiệp Thạc sỹ Tài chính, Khánh Toàn may mắn được nhận vào làm chuyên viên tư vấn ở Tập đoàn PwC ở New York (1 trong 4 tập đoàn tư vấn tài chính kiểm toán lớn nhất thế giới).

Mặc dù được thăng chức lên chuyên viên cấp cao sau 2 năm, anh quyết định rời PwC để theo học chương trình Thạc sỹ Quản trị kinh doanh (MBA) nhằm tìm thêm thử thách mới. Khánh Toàn tiếp tục được nhận vào Trường Kinh doanh Booth của Đại học Chicago (trường được xếp hạng số 1 tại Mỹ về MBA – theo US News Ranking). Nhờ đó, chỉ một thời gian ngắn sau khi tốt nghiệp, Khánh Toàn có cơ hội trở thành thành viên của tập đoàn công nghệ đa quốc gia Amazon nổi tiếng thế giới.

 

4. Phạm Đình Quốc Vương – Triệu phú du học sinh Việt trên đất Mỹ.

Vương và tỉ phú gốc Việt Charlie Tôn Quý tại nông trại của Vương

16 tuổi lần đầu xa nhà, du học tại bang Minnesota lạnh giá ở đỉnh bắc nước Mỹ, chàng trai Phạm Đình Quốc Vương (quê Củ Chi, TP.HCM) không có chút vốn liếng nào, kể cả tiếng Anh nên phải ở nhờ gia đình người chú. Nhưng chỉ 5 năm sau, Vương thành lập doanh nghiệp.

Cuối năm 2020, Công ty Fastboy Marketing (trụ sở tại TP.Houston, Texas), doanh nghiệp của Vương được tổ chức thống kê các doanh nghiệp tại Mỹ xếp hạng thứ 834 trong top 5.000 doanh nghiệp phát triển nhanh nhất nước Mỹ.

Từ những ngày đầu đặt chân lên đất Mỹ, Phạm Đình Quốc Vương đã thích “lang thang” tìm tòi bí quyết kinh doanh trên mạng. Cho đến một ngày, người em con chú có mấy cái game cũ nhờ Vương bán trên eBay, giá sao cũng được, chỉ cần đưa lại người em 5 USD. Vương đã bán được 36 USD. Cậu không ngờ, một món đồ cũ có thể bán được giá như thế.

Ý định kinh doanh chính thức nảy ra trong đầu cậu học trò, Vương kêu mấy đứa em gom mua lại những game cũ của bạn bè ở trường. Sau lần đó, Vương thu lợi nhuận gần 5.000 USD. Sau khi bán game cũ, Vương tiếp tục “lấn sân” sang món đồ khác, hoặc hàng hóa người quen mua về nhưng không sử dụng, cần bán lại. Cả một “chân trời” mới về kinh doanh mở ra.

Người gốc Việt kinh doanh và làm giàu trên đất Mỹ không hiếm, nhưng thời điểm ấy chưa mấy ai nghĩ đến kinh doanh kỹ thuật số. Vương quyết định gầy dựng một công ty bằng mặt hàng cơ bản nhất, đó là lập website cho các tiệm nail, tiệm tóc, nhà hàng… của người gốc Việt trên đất Mỹ. Sau đó dùng kỹ thuật SEO, đưa các website lên vị trí cao trên trang tìm kiếm Google. Ở thời điểm cách đây cả chục năm việc này vẫn còn rất mới, nhất là trong cộng đồng tiểu doanh nghiệp gốc Việt tại Mỹ. Công ty khởi lập chỉ có… một nhân viên chính là anh, kiêm tất cả từ kỹ thuật đến kinh doanh… Nhưng chỉ sau vài năm, những cộng sự lần lượt hội tụ, doanh thu tăng trưởng liên tục. Giờ đây, Công ty Fastboy Marketing đã có nhiều chi nhánh với hơn 200 nhân viên trẻ, độ tuổi trung bình chưa tới 30.

Giấy chứng nhận công ty phát triển nhanh nhất năm 2020

Trải qua nhiều sóng gió và hiện tại có được thành công nhất định, Vương lập một kênh YouTube (www.youtube.com/user/vpham022012) chia sẻ mọi bí quyết, phương thức làm ăn của mình, kể cả những lúc vấp ngã. Kênh này được nhiều bạn trẻ đón nhận, bởi sự nhẹ nhàng, khiêm tốn, người thực việc thực, từ chính kinh nghiệm chủ nhân…

Tại Mỹ, trong nông trại, trên công trường, Vương vẫn thường xuyên cưu mang nhiều hoàn cảnh khó khăn, từ công việc cho đến nơi ăn chốn ở. Anh đặt nhiều căn nhà di động (mobile home) trong trang trại: Ai kẹt nhà thì tới ở tạm, khi ổn thì rời đi. Nơi ấy có thể là chỗ tá túc tạm thời của một bác tài xế già, anh đầu bếp, một gia đình mới nhập cư… Họ cứ đến rồi lại đi, khi mọi thứ đã ổn hơn.

Hằng năm, Vương vẫn cùng gia đình về Việt Nam, lặng lẽ làm từ thiện, chia sẻ cộng đồng. Khi hỏi anh về chuyện này, Vương lắc đầu: “Chẳng đáng gì để nhắc tới”… Theo tìm hiểu riêng của người viết, có một cộng đồng tại quê nhà vẫn định kỳ nhận được sự trợ giúp suốt nhiều năm nay.

VLAB Tổng hợp