Home » Xã hội học thuật » Cảm xúc và việc học: Cảm xúc đóng vai trò gì trong cách học và lý do học tập của học sinh?

Cảm xúc và việc học: Cảm xúc đóng vai trò gì trong cách học và lý do học tập của học sinh?

Nếu các giảng viên nhận diện được những yếu tố có tác động qua lại với trạng thái cảm xúc gây ảnh hưởng lên việc học, họ sẽ có thể tiến hành nghiên cứu chúng để nâng cao trải nghiệm học tập của sinh viên. Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra sáu chiến lược tận dụng được những ảnh hưởng của cảm xúc lên việc học.

Cảm xúc và học tập là hai thứ không thể tách rời. Cảm xúc có thể thúc đẩy hoặc gây cản trở lên việc học, tùy thuộc vào cảm xúc nào đang dẫn dắt và “tô màu” trải nghiệm học này. Cảm xúc cũng rất dễ “lây lan”, trong môi trường học tập, những trạng thái cảm xúc tích cực hoặc tiêu cực mạnh mẽ có thể truyền qua cho người khác. Cho dù trong môi trường tiếp xúc trực tiếp hay chỉ qua trực tuyến, trạng thái cảm xúc của sinh viên – và giáo viên – có thể ảnh hưởng lẫn nhau. Khi giáo viên nhận diện được vai trò của cảm xúc trong quá trình học tập và giảng dạy, cũng như cách trạng thái cảm xúc cá nhân hoặc cảm xúc lan tỏa có thể ảnh hưởng đến sự năng động của môi trường học tập và trải nghiệm học, họ sẽ có thể tạo ra những buổi học hiệu quả hơn.

Trong bài viết thứ ba thuộc chuỗi bài phân tích bảy nguyên tắc trong Khung Chương trình học Đại học, chúng tôi tiến hành nghiên cứu chi tiết cảm xúc và việc học.

  • Nguyên tắc 1: Học để thành công: sinh viên sẽ trở thành những người như nào sau quá trình học đại học của họ
  • Nguyên tắc 2: Học theo bối cảnh: liên kết việc học với thế giới thực
  • Nguyên tắc 4: Học tập tương tác: làm việc nhóm là nền tảng

Cảm xúc ảnh hưởng trực tiếp tới phương pháp học và lý do học tập của sinh viên

Các giáo viên và sinh viên cần thừa nhận vai trò không thể thiếu của cảm xúc trong học tập. Cảm xúc là một phản ứng nảy sinh khi đối mặt với sự kích thích (dù là ở hiện thực hay trong nhận thức, bên ngoài hay bên trong) và được tiếp nhận theo một chuỗi các phản ứng liên tục từ tích cực cho đến đến tiêu cực. Trong môi trường học tập, cảm xúc có thể đóng một vai trò mạnh mẽ trong việc hỗ trợ hoặc cản trở việc dạy và học. Cảm xúc vốn có liên quan và ảnh hưởng đến các kỹ năng nhận thức như sự tập trung, trí nhớ, chức năng điều hành, khả năng ra quyết định, tư duy phản biện, giải quyết vấn đề và sự điều tiết, tất cả những điều này đều đóng vai trò quan trọng trong học tập.

Những cảm xúc tích cực trong học tập bao gồm hứng thú, tò mò, ngạc nhiên, đam mê, sáng tạo, gắn bó và vui vẻ. Những điều này kích hoạt hệ thống khen thưởng của não, làm cho trải nghiệm trở nên đáng mơ ước và hỗ trợ khả năng tập trung, chú ý. Trạng thái cảm xúc tích cực có thể cho phép sinh viên mở rộng quan điểm của mình, có góc nhìn đa chiều, kiên trì vượt qua các thử thách và phản ứng tốt với những lời chỉ trích và thất bại.

Cảm xúc tích cực và trạng thái học tập mà chúng thúc đẩy tạo ra tác động hai chiều đến động lực học tập. Động lực có thể được coi là “chiếc vô lăng” điều hướng cũng như là nguồn năng lượng của việc học tập. Sinh viên có thể được thúc đẩy bởi cả mục tiêu học tập bên trong (mục tiêu thành thạo) hoặc các yếu tố bên ngoài như số điểm đạt được (mục tiêu hiệu suất). Các mục tiêu thành thạo thường được thúc đẩy bởi sở thích cá nhân, sự tò mò, mức độ phù hợp và các quy trình điều tiết hiệu quả trong học tập. Những sinh viên có định hướng mục tiêu rõ ràng đã được chứng minh là có khuynh hướng học tập hiệu quả hơn, dẫn đến sự bền vững trong việc gặt hái được thành công.

Mặt khác, các trạng thái cảm xúc tiêu cực như lo lắng, căng thẳng, buồn bã, chán nản, buông thả, lo lắng và sợ hãi có thể cản trở quá trình học và lấy động lực học, đồng thời kìm hãm sự phát triển của những phương pháp học tập có hiệu quả. Nếu sinh viên nhận thấy một mối lo nào đó, họ sẽ đặt sự chú ý của mình vào điều này, dẫn đến khả năng học tập của họ bị ảnh hưởng. Trong môi trường học tập, các mối lo có thể là cảm giác thất bại, thiếu sự chuẩn bị hoặc cảm thấy mất kết nối với bạn học hoặc giáo viên. Cảm xúc tiêu cực có thể dẫn đến sự thiếu động lực hoặc chán nản, điều này có thể gây tác động tiêu cực đến trải nghiệm học tập của sinh viên và tạo ra tình huống đầy thách thức cho giáo viên trong việc điều hướng tiết học.

Tuy nhiên, những cảm xúc tiêu cực, ví dụ như bối rối, cũng có thể là một cảm xúc mạnh mẽ có ích cho việc học.

Làm thế nào chúng ta có thể ứng dụng “cảm xúc và việc học” vào nền giáo dục đại học?

  1. Bạn cần nhận thức được trạng thái cảm xúc của bản thân và cả lớp. Nó có thể được biểu thị bằng giọng điệu, hành động và ngôn ngữ được sử dụng để mô tả việc học. Hãy dựa vào những cơ sở này để định hình cách thức giảng dạy, kết hợp nhiều hoạt động đa dạng và kích thích các trạng thái cảm xúc của sinh viên, đồng thời tạo cơ hội đối thoại nhiều hơn. Hãy đặt câu hỏi mở chứa đựng nhiều quan điểm hoặc khả năng khác nhau để thúc đẩy sự tò mò, hứng thú và tìm tòi của sinh viên. Hãy khuyến khích họ đối thoại và tranh luận. Các nhiệm vụ yêu cầu sự tương tác khiến sinh viên tham gia tích cực hơn vào quá trình học tập. Các nhiệm vụ này có thể bao gồm các cuộc thảo luận nhóm nhỏ hoặc trong phòng riêng, các câu hỏi ngắn hoặc bài tập thực hành yêu cầu áp dụng các ý tưởng vào bối cảnh thực tế.
  2. Khuyến khích tự đánh giá và siêu nhận thức (tư duy về tư duy) qua các hoạt động và bài tập đánh giá có khả năng kết nối kiến thức và kỹ năng, khả năng đặt câu hỏi và đánh giá bản thân một cách nhanh chóng.
  3. Thúc đẩy văn hóa học tập đầy hững khởi và hỗ trợ lẫn nhau giữa các sinh viên trong suốt kì học. Hãy học cùng và cũng như học hỏi từ sinh viên của bạn, công nhận những giá trị họ tạo ra và cả những đóng góp của họ, khuyến khích họ nêu ra tiếng nói riêng trong suốt kì học cũng như là góp ý về môn học.
  4. Cung cấp cơ hội cho sinh viên phát triển và thực hành các chiến lược thúc đẩy sự điều tiết cảm xúc và học tập. Hãy thảo luận với sinh viên về tầm quan trọng của sự bối rối, tò mò, tư duy sáng tạo, chấp nhận rủi ro và khả năng khám phá những tiềm năng và ý tưởng mới trong quá trình học của họ, đồng thời khuyến khích họ học hỏi từ những sai sót và thất bại. Tăng cường tiếp nhận các hình thức phản hồi để thúc đẩy đối thoại về các vấn đề trong học tập và tạo cơ hội cho sinh viên làm sáng tỏ những thắc mắc.
  5. Xây dựng cho sinh viên ý thức tự chủ và khả năng tự kiểm soát việc học của họ. Hỗ trợ họ xây dựng các kỹ năng học tập hiệu quả và cung cấp nhiều phương tiện khác nhau để họ có thể thể hiện sự hiểu biết của mình, ví dụ như thông qua việc nộp các nhiệm vụ có đánh giá dưới các hình thức khác nhau.
  6. Tăng cường và nuôi dưỡng cảm giác thân thuộc trong khóa học. Hãy làm mẫu và tạo cơ hội cho sinh viên thiết lập các mối quan hệ và kết nối tích cực trong lớp. Những cách để tạo ra sự quen thuộc và tin tưởng bao gồm các hoạt động học tập hợp tác có tổ chức, các buổi học trực tuyến hoặc gặp mặt trực tiếp ngay trước hoặc sau giờ học, các bảng thảo luận chung dưới hình thức trực tuyến.

Đặt cảm xúc vào trong quá trình học

Giáo dục đại học hiện nay không nên chỉ tập trung vào việc học tập như một quá trình tiếp thu thuần túy; cảm xúc là một phần không thể thiếu và có giá trị trong việc học. Nó có thể được tận dụng để thúc đẩy tinh thần ham học, động lực học và thành công của sinh viên. Nhận thức được vai trò của cảm xúc trong học tập có thể khiến trải nghiệm học tập và giảng dạy được nâng tầm và trở nên hấp dẫn.

Annemaree Carroll là người đứng đầu Phòng thí nghiệm Trung tâm Nghiên cứu Khoa học về Học tập; Stephanie MacMahon là giám đốc chương trình của Phòng thí nghiệm Học tập; Jason M. Lodge và Alexandra Osika hiện lãnh đạo công việc của Phòng thí nghiệm Học tập trong lĩnh vực giáo dục đại học. Phòng thí nghiệm Trung tâm Nghiên cứu Khoa học về Học tập, nằm trong Trường Giáo dục tại Đại học Queensland, tập hợp các nhà nghiên cứu đa ngành và các đối tác chuyên nghiệp với mục đích chuyển đổi việc học không ngừng.

 

VLAB lược dịch

Link bài viết: https://www.timeshighereducation.com/campus/emotions-and-learning-what-role-do-emotions-play-how-and-why-students-learn