Giáo Sư Joseph Samuel Nye Jr được trao học vị tiến sĩ ngành Khoa học chính trị của ĐH Harvard vào năm 1964. Sau đó, ông đảm nhiệm hàng loạt vị trí quan trọng như: Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh quốc tế, Chủ tịch Hội đồng tình báo quốc gia… Ngoài ra, ông từng là Hiệu trưởng trường chính sách công John F. Kennedy thuộc ĐH Harvard.
Giáo sư Joseph Nye là cố vấn quốc phòng của Thượng nghị sỹ John Kerry trong chiến dịch tranh cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2004. Giáo sư Joseph Nye là chuyên gia trên nhiều lĩnh vực quan hệ quốc tế: quốc phòng, ngoại giao, chính sách đối ngoại, châu Á, châu Âu, chủ nghĩa khủng bố, vũ khí hạt nhân và Liên Hợp Quốc. Ông đã được nhận bằng cử nhân loại ưu ở trường đại học Princeton, Mỹ; và bằng Tiến sỹ khoa học chính trị ở Đại học Harvard. Ông cũng là tác giả của hàng loạt các cuốn sách nổi tiếng: Quyền lực mềm: Các phương tiện để thành công trong nền chính trị thế giới (Soft Power: The Means to Success in World Politics), Tìm hiểu xung đột quốc tế (Understanding International Conflict), Trò chơi quyền lực: Cuốn tiểu thuyết của Washington (The Power Game: A Washington Novel)…
Về nghiên cứu học thuật, ông là người đi tiên phong, đặt nền móng cho học thuyết quyền lực mềm. Năm 2011, học viện chính sách đào tạo, nghiên cứu và quốc tế thuộc Mỹ bầu chọn Giáo sư Joseph Nye đứng vị trÍ thứ 6 trong số những học giả ảnh hưởng nhất đến chính sách đối ngoại của Mỹ suốt 20 năm qua. Cũng trong năm 2011, tạp chí Foreign Policy bình chọn ông là một trong những nhà tư tưởng hàng đầu thế giới hiện tại.
Theo ông, sức mạnh mềm là một thuật ngữ thường dùng để chỉ những ảnh hưởng, tác động, can thiệp,… thuộc về những nhân tố văn hóa – xã hội, kể cả những nhân tố tín ngưỡng, tâm lý, truyền thống, giá trị… Đối lập với “sức mạnh cứng” (Hard power), “sức mạnh mềm” là “khả năng đoạt lấy thứ mình muốn thông qua sự hấp dẫn thay vì ép buộc. Nó xuất phát từ sự hấp dẫn về văn hóa, tư tưởng chính trị và các chính sách của một quốc gia”. “Sức mạnh mềm” mang tính phi quân sự, phi bạo lực, sinh ra từ sự lựa chọn chứ không phải áp đặt. Nó có khả năng giải quyết tốt các vấn đề từ góc độ văn hóa – xã hội. Có 3 nguồn lực chính để tạo nên “sức mạnh mềm” của một quốc gia, đó là: nền văn hoá, hệ giá trị và hệ thống chính sách. Trên thực tế, “sức mạnh cứng” và “sức mạnh mềm” có khả năng hỗ trợ làm tăng ảnh hưởng cho nhau. “Sức mạnh cứng” có thể giúp phát huy “sức mạnh mềm”, làm cho “sức mạnh mềm” trở nên hấp dẫn. Theo J. Nye, khả năng kết hợp giữa “sức mạnh mềm” và “sức mạnh cứng” sẽ tạo ra “sức mạnh thông minh” (Smart power). Sức mạnh của châu Âu, theo J. Nye, khác với sức mạnh Mỹ và các cường quốc khác, là một thứ sức mạnh có sức hấp dẫn, rất nên lựa chọn mà nhiều quốc gia trong thế giới hiện đại có thể không tính đến.
Từ cuối năm 2017, khi dư luận quốc tế lo ngại về cuộc chiến tranh thông tin được một vài quốc gia tiến hành như là một thứ “sức mạnh sắc bén” (Sharp power) đe dọa an ninh thế giới, J. Nye vẫn bày tỏ sự tin tưởng vào “sức mạnh mềm”. Ông cho rằng, cần thiết phải tỉnh táo để không làm suy giảm “sức mạnh mềm” trước sự đe dọa của “sức mạnh sắc bén”.
Đầu năm 2010, J. Nye đến Việt Nam. Trong buổi thuyết trình về “sức mạnh mềm” và qua nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi với các chính khách, trí thức, doanh nghiệp Việt Nam, J. Nye trả lời nhiều câu hỏi của những người tham dự và khẳng định “Việt Nam là một câu chuyện rất hấp dẫn trong lịch sử về sự dũng cảm của con người cũng như văn hóa. Việt Nam có tiềm năng về “sức mạnh mềm”. “Việt Nam có thể tận dụng điều đó cho sự phát triển của mình”
VLAB tổng hợp