Home » Xã hội học thuật » Nhân vật truyền cảm hứng » Ông vua thép Mỹ – Hiện thân câu nói: “Hữu chí cánh thành”

Ông vua thép Mỹ – Hiện thân câu nói: “Hữu chí cánh thành”

Trước khi trở thành một trong những người đàn ông giàu có nhất thế giới, ông vua thép Mỹ – Andrew Carnegie đã phải đối mặt với những khó khăn không tưởng.

Khi đề cập đến những doanh nhân thành công, cái tên Andrew Carnegie thường không xuất hiện đầu tiên trong suy nghĩ của chúng ta. Tuy nhiên, trong giới kinh doanh Mỹ, không ai là không biết đến cái tên Andrew Carnegie. Ông là một trong những doanh nhân giàu có nhất thế kỷ 19, sự phấn đấu không ngừng nghỉ cùng những thành công của ông đã tạo ra một hình mẫu mà toàn ngành hướng tới.

Tuy nhiên, cũng như những nhân vật thành công khác, Andrew Carnegie cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn trước khi trở thành một trong những người giàu nhất thế giới (với giá trị tài sản ròng ở đỉnh cao sự nghiệp là 310 tỷ đô, sau khi điều chỉnh theo lạm phát), cũng như một trong những nhà từ thiện hoạt động tích cực nhất thời đó. Hãy cùng khám phá những trở ngại lớn mà ông gặp phải, và quan trọng hơn là cách ông vượt qua chúng.

 

Chạy trốn khỏi sự nghèo đói ở Scotland và trở thành dân nhập cư tại Mỹ

Andrew Carnegie sinh ra ở Scotland vào ngày 25 tháng 11 năm 1835. Gia đình ông sống trong mái nhà tranh kiểu thợ dệt điển hình – chỉ có duy nhất một gian chính (được vợ chồng nhà Carnegie và gia đình thợ dệt chia sẻ cùng nhau) được dùng làm phòng ngủ kiêm phòng khách và phòng ăn.

Vật lộn để kiếm ăn trong thời kỳ suy thoái kinh tế, gia đình của ông đã vay tiền từ người chú để di cư sang Hoa Kỳ. Mang hy vọng có được một cuộc sống sung túc hơn, gia đình Carnegie vẫn tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn mới ở đất Mỹ. Cha ông phải vật lộn để bán hàng trong thị trường ảm đạm thời bấy giờ.

 

Dù chỉ kiếm được 1,20 đô mỗi tuần, ông chưa bao giờ đánh mất niềm hi vọng

Năm 1848, Andrew Carnegie bắt đầu công việc đầu tiên của mình với nhiệm vụ suốt chỉ tại nhà máy cán bông. Tại đây, ông phải làm việc 12 giờ mỗi ngày, sáu ngày trong một tuần, và nhận mức lương khởi điểm là 1,20 đô la mỗi tuần (khoảng 39 đô la ngày nay).

Vào năm 1849, cuối cùng, sự chăm chỉ của Carnegie cũng được đền đáp. Ông nhận được công việc đưa tin điện báo tại Công ty Điện báo Ohio chi nhánh Pittsburgh và trong vòng một năm, bằng sự siêng năng của mình, ông đã được thăng chức lên quản lý.

 

Ông trốn đi lính bằng cách thuê người thế chỗ

Năm 1864, Andrew Carnegie được Quân đội triệu tập để tham gia cuộc Nội chiến Hoa Kỳ. Tuy nhiên, thay vì tuân lệnh, ông đã trả một người đàn ông khác 850 đô la để thực hiện nghĩa vụ thay cho mình.

Mặc dù điều này không hay, nhưng đó là cách làm phổ biến tại thời điểm đó. Trên thực tế, những gì Carnegie đã làm là hoàn toàn hợp pháp: Đạo luật Nghĩa vụ (được thông qua vào năm trước đó) đã đưa ra những miễn trừ cụ thể cho những người bị triệu tập nếu họ có thể thanh toán phí “bàn giao”.

Và nếu Andrew Carnegie tham gia vào cuộc chiến, toàn bộ lịch sử có thể đã thay đổi, vì ngành công nghiệp thép đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế và cơ sở hạ tầng của Hoa Kỳ.

 

Ông đã thế chấp ngôi nhà của mình để tham gia đầu tư

Khi đang làm việc tại Công ty Điện báo Ohio, cậu bé 14 tuổi Andrew Carnegie đã thu hút sự chú ý của Thomas Scott, giám đốc Công ty Đường sắt Pennsylvania. Carnegie nhanh chóng thăng tiến trong công ty, cuối cùng thay thế Scott, đảm nhiệm chức vụ giám đốc chi nhánh Pittsburgh.

Thay vì cảm thấy cay đắng, Scott quyết định giúp Carnegie bắt đầu sự nghiệp đầu tư. Khi Scott thông báo cho ông về việc sắp bán 10 cổ phần của Công ty Adams Express, Carnegie đã không phí một giây nào để cân nhắc xem phải làm gì. Mẹ anh, mạo hiểm tất cả những gì gia đình có, đã thế chấp ngôi nhà đổi lấy 500 đô la cần thiết để mua cổ phần.

Bước đi mạo hiểm đã được đền đáp: cổ tức bắt đầu tăng một cách nhanh chóng và cuối cùng Carnegie cũng có khả năng thực hiện một loạt các khoản đầu tư khác (có thể kể đến Công ty Keystone Bridge và Union Iron Mills). Nhờ sự chăm chỉ, tinh thần không ngại mạo hiểm cùng những khoản đầu tư thành công của mình, mức thu nhập của Carnegie đã tăng từ 1,2 đô la một tuần lên 50.000 đô la một năm ở tuổi 30.

Carnegie đã sử dụng số tiền từ các khoản đầu tư của mình để thành lập Công ty Thép Carnegie vào năm 1892. Nhờ các phương pháp sản xuất mang tính cách mạng và việc sở hữu mọi thứ mình cần trong từng bước của quy trình sản xuất, Carnegie đã thống trị ngành sản xuất thép và thu được một khối tài sản khổng lồ. Gần một thập kỷ sau, vào năm 1901, ông bán Carnegie Steel cho chủ ngân hàng John Pierpont (J.P) Morgan với giá 480 triệu đô thời ấy.

 

Niềm tin son sắt về ý nghĩa của việc cho đi

Năm 1889, Carnegie đã cho ra đời tác phẩm: “Phúc âm của sự giàu có,” được đăng trên tạp chí North American Review. Trong bài viết này, ông khẳng định rằng người giàu có “nghĩa vụ đạo đức là đóng góp [tiền của họ] để thúc đẩy phúc lợi và hạnh phúc của con người.” Nếu bất kì ai tỏ ý nghi ngờ, tuyên bố sau đó của Carnegie chính là lời đáp trả: “Chết trong sự giàu có chính là đang chết trong ô nhục.”

Trước khi qua đời, Carnegie đã quyên góp 445 triệu trong số 475 triệu đô la thuộc tài sản cá nhân cho các tổ chức và hoạt động từ thiện. Ông đã tài trợ cho hơn 2.500 thư viện công trên khắp thế giới và tạo ra nhiều quỹ tín thác – cơ sở thành lập của nhiều tổ chức vẫn còn hoạt động cho đến ngày nay, bao gồm Nhà hát Carnegie Hall và Đại học Carnegie Mellon.

 

Trở ngại nào cũng vượt qua

Câu chuyện vượt khó của Carnegie là bức tranh thu nhỏ của Giấc mơ Mỹ. Tinh thần cống hiến và sự chăm chỉ của ông đã chứng minh rằng bất kể với xuất phát điểm nào, bạn đều có thể đi tới thành công.

Không phải ai cũng sẽ trở thành một trong những người giàu nhất thế giới hoặc ghi danh lịch sử cho những đóng góp xã hội của họ – đây là điều thường tình. Quan trọng là chúng ta không nên để những bất lợi và khó khăn ngăn baen thân tiến đến mục tiêu của mình. Như trường hợp của Andrew Carnegie, không phải hoàn cảnh của bạn mà chính những gì bạn tạo ra từ chúng sẽ quyết định tương lai của bạn.

 

VLAB lược dịch

Link bài viết: https://www.entrepreneur.com/leadership/how-andrew-carnegie-found-success-in-the-face-of-failure/354538