Oprah là một nhà sản xuất truyền hình, nữ diễn viên, nhà thiện nguyện và là một nhà lãnh đạo xuất chúng. Oprah Winfrey không chỉ là một nhà lãnh đạo truyền cảm hứng mà còn là hình mẫu cho tất cả các nhà lãnh đạo trẻ. Bà trở nên nổi tiếng khi chương trình trò chuyện từng đoạt giải thưởng của mình (1986-2011) – “The Oprah Winfrey Show”, gây được tiếng vang lớn.
Chương trình trò chuyện đã hé mở những câu chuyện truyền cảm hứng, từ câu chuyện của những người nổi tiếng cho đến các chính trị gia, cố vấn và những người bình thường. Chương trình này đã mang lại nguồn thu nhập lên đến hàng triệu đô cho Oprah. Chương trình truyền hình được đánh giá cao của Oprah tập trung vào các chủ đề nổi cộm, giật gân và cả những câu chuyện đằng sau “thành công”. Phong cách phỏng vấn độc đáo và thú vị của Oprah đã thu hút hàng triệu người theo dõi từ khắp nơi trên thế giới. Ngay cả phân đoạn “Câu lạc bộ sách của Oprah” và “Những đồ vật yêu thích của Oprah” cũng được người xem đón nhận nồng nhiệt. Oprah đã trở thành nữ tỷ phú da đen đầu tiên trên thế giới. Ngày nay, bà vẫn đang không ngừng thực hiện công việc thiện nguyện của mình. Bà là người ủng hộ cho các chương trình giáo dục trẻ em gái trên toàn cầu và quỹ quyên góp của bà dưới tên “Mạng lưới Thiên thần của Oprah” (Oprah’s Angel Network) đã kêu gọi được hơn 50 triệu đô la để phục vụ cho công tác từ thiện. Oprah cũng đã thể hiện khả năng diễn xuất của mình tại Hollywood khi xuất hiện trong các bộ phim Quản gia nhà trắng (The Butler), Sắc tím (The Color Purple) và Người yêu dấu (Beloved).
Oprah sinh ra trong hoàn cảnh nghèo khó ở vùng nông thôn Mississippi và trở thành một bà mẹ tuổi teen đơn thân khi lớn tại khu trung tâm thành phố Milwaukee. Bà chia sẻ rằng mình đã bị hành hung trong suốt thời kì thơ ấu và thời niên thiếu, sau đó bà đã mang thai ở độ tuổi 14. Con trai bà được sinh ra nhưng lại chết yểu. Sau đó, bà được gửi đến sống với người đàn ông mà bà gọi là cha – Vernon Winfrey – làm nghề cắt tóc ở Tennessee. Khi Oprah vẫn còn đang theo học đại học, bà đã có cơ hội nhận được một công việc tại đài phát thanh. Năm 19 tuổi, bà đã là người dẫn chương trình thời sự buổi tối tại địa phương. Màn trình bày ngẫu hứng và thường chứa đầy cảm xúc của Oprah đã đưa bà chuyển sang chương trình trò chuyện ban ngày. Sau khi giúp một chương trình trò chuyện địa phương ở Chicago phát triển từ con số 0, bà đã quyết định thành lập công ty sản xuất của riêng mình. Oprah là người phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên sở hữu một công ty sản xuất.
Sự chăm chỉ và cống hiến hết mình cho công việc của Oprah đã mang lại cho bà cả tiền bạc và danh tiếng. Năm 1994, bà được đề cử vào Đại sảnh Danh vọng Phụ nữ Quốc gia (National Women’s Hall of Fame). Bà đã giành được nhiều giải thưởng trong suốt sự nghiệp của mình với 18 Giải Daytime Emmy, bao gồm Giải Thành tựu Trọn đời (Lifetime Achievement Award) và Giải Chairman’s; 2 giải thưởng Primetime Emmy, bao gồm Giải Nhân đạo Bob Hope; một Giải Tony; một Giải Peabody và Giải thưởng Nhân đạo Jean Hersholt. Bà cũng được đề cử thêm hai giải Oscar. Năm 2021, bà được bầu làm thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Hoa Kỳ.
Một phần quan trọng không thể không kể đến đấy là hành động lên tiếng chống lạm dụng trẻ em và phụ nữ đáng chú ý của bà. Bà làm tất cả những gì có thể để xóa bỏ tệ nạn lạm dụng trẻ em. Bản thân là một nạn nhân, Oprah Winfrey có thể hiểu được những đau đớn và ảnh hướng mà lạm dụng có thể gây ra cho thanh thiếu niên. Bà đảm nhiệm công việc chính trong việc soạn thảo, vận động và thông qua Đạo luật Bảo vệ Trẻ em Quốc gia – được Tổng thống Clinton ký thành luật vào năm 1994. Đạo luật này thiết lập một cổng thông tin quốc gia về những kẻ lạm dụng trẻ em để giúp người sử dụng lao động và những người làm việc với trẻ em có thể sàng lọc những thành phần nguy hiểm.
Hoạt động từ thiện của Oprah Winfrey bao gồm những hỗ trợ đáng kể cho các trường học và các khoản tài trợ cho các khu tạm trú dành cho phụ nữ và các chiến dịch truy bắt những kẻ lạm dụng trẻ em.
VLAB lược dịch
Link bài viết: https://highrayz.com/https-highrayz-com-oprah-winfrey/