Vị thủ tướng của những kỷ lục
Shinzo Abe chính là thủ tướng trẻ nhất trong lịch sự Nhật Bản khi lên nắm quyền ở tuổi 52. Ông lần đầu tiên được bầu trở thành người đứng đầu Đảng Dân chủ Tự do và chính thức nhậm chức thủ tướng Nhật Bản vào năm 2006.
Tuy nhiên, chỉ đúng một năm sau, do căn bệnh viêm loét đại tràng, ông đã phải rời nhiệm sở. Tưởng như, sự nghiệp chính trị của ông khó có thể trở lại đỉnh cao thêm một lần nữa trong đời sống chính trị vốn rất khắt khe của Nhật Bản. Nhưng thật bất ngờ, sau khi phần nào chữa thành công căn bệnh loét đại tràng, ông đã trở lại vị trí nguyên thủ quốc gia Nhật Bản vào năm 2012.
Dù tiếp tục phải từ chức vào năm 2020, một lần nữa bởi lý do sức khỏe tương tự, song ông Abe vẫn kịp trở thành vị nguyên thủ quốc gia đầu tiên của Nhật Bản trải qua 2 nhiệm kỳ liên tiếp trong thời kỳ hậu Chiến tranh thế giới II, bên cạnh từng là vị thủ tướng trẻ nhất lịch sử Nhật Bản như đã nói. Chỉ những chi tiết này thôi đã cho thấy sự vĩ đại của ông Abe.
Song tất nhiên, ông Abe còn làm được nhiều hơn thế nữa để xứng đáng là một trong những vị thủ tướng đáng kính và vĩ đại nhất trong lịch sử xứ sở mặt trời mọc.
Sinh ra tại Tokyo vào ngày 21 tháng 9 năm 1954, trong một gia đình chính trị nổi tiếng. Trong đó, vị Thủ tướng thời hậu chiến Nobusuke Kishi chính là ông nội của ông. Còn cha ông chính là cựu Bộ trưởng Ngoại giao Shintaro Abe. Ông Abe lần đầu tiên được bầu vào hạ viện trong cuộc bầu cử năm 1993. Sau đó, ông giữ chức thư ký nội các chính phủ từ năm 2005 đến năm 2006.
Khi trở lại nắm quyền vào năm 2012, ông đã đánh bại đối thủ cùng đảng Shigeru Ishiba để dẫn dắt LDP chiếm đa số áp đảo. Đây cũng là một cột mốc chính trị lịch sử vì ông là cựu thủ tướng Nhật Bản đầu tiên trở lại nhiệm sở kể từ Shigeru Yoshida vào năm 1948.
Sau đó, ông Abe còn tái đắc cử trong các cuộc bầu cử vào các năm 2014 và 2017. Có nghĩa, trên thực tế người dân Nhật Bản đã có tới 4 lần bầu ông làm thủ tướng, lần lượt vào các năm 2006, 2012, 2014 và 2017 – một kỷ lục mà còn rất lâu mới có thể bị phá vỡ.
Sự dấn thân và những thành tựu
Các nhà phân tích cho rằng Abe đã đóng góp rất lớn trong việc giúp Nhật Bản trở lại vị thế hàng đầu trên trường quốc tế, có lẽ hơn bất kỳ nhà lãnh đạo Nhật Bản nào kể từ Thế chiến II. Điều này có lẽ không có gì để tranh cãi, khi mà ngay cả nhiều người không quan tâm đến chính trường quốc tế cũng biết ông Abe là ai. Thậm chí, khi nhắc đến thủ tướng Nhật Bản, không ít người chỉ có thể liên tưởng tới hình ảnh của ông. Như vậy, Abe có thể nói là biểu tượng của Nhật Bản trong kỷ nguyên hiện đại.
Dưới thời Abe, Nhật Bản đã tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và sau đó dẫn đầu việc hồi sinh Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương ( CPTPP ) sau khi Mỹ rút khỏi TPP.
Dưới thời ông Abe, Nhật Bản cũng tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ , Việt Nam và các cường quốc khác trong khu vực, và tất nhiên cả trên thế giới như Liên minh châu Âu và Anh, đồng thời nâng cấp khả năng quốc phòng của mình.
Ông Abe đóng một vai trò nổi bật trong việc tái kết hợp Đối thoại An ninh Tứ giác (Nhóm Quad) bao gồm Nhật Bản, Mỹ, Úc và Ấn Độ. Có nghĩa, ông Abe đã đóng góp rất lớn giúp Nhật Bản trở lại vai trò như một cường quốc trên thế giới, về cả sức mạnh kinh tế, ngoại giao lẫn địa chính trị.
Chính sách kinh tế đặc trưng “Abenomics” của ông Abe được xây dựng dựa trên việc nới lỏng tiền tệ, kích thích tài khóa và cải cách cơ cấu. Được biết đến với lập trường cứng rắn về chính sách quốc phòng và đối ngoại, Abe từ lâu đã tìm cách sửa đổi hiến pháp thời hậu chiến của Nhật Bản, đặc biệt Điều 9 cấm nước này sở hữu lực lượng quân sự và “tiềm năng chiến tranh”.
Quan điểm dân tộc chủ nghĩa của ông thường làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc và Hàn Quốc, đặc biệt là chuyến thăm năm 2013 của ông tới Đền Yasukuni ở Tokyo, một địa điểm gây tranh cãi liên quan đến chủ nghĩa quân phiệt của Nhật Bản trước và trong Thế chiến thứ hai.
Trong nhiệm kỳ của mình, ông Abe đã thúc đẩy các chuyến thăm và trao đổi ở nhiều cấp độ khác nhau với Trung Quốc. Lần cuối ông gặp Chủ tịch Tập Cận Bình là vào năm 2019, trong đó ông Tập nói rằng Trung Quốc và Nhật Bản không nên coi nhau là mối đe dọa. Điều này phần nào cho thấy với ông Abe, Nhật Bản đã trở lại vị thế của một trong số những cường quốc quan trọng bậc nhất trên trường quốc tế.
VLAB tổng hợp