Home » Xã hội học thuật » Cẩm nang du học sinh: tài khoản ngân hàng tại Mỹ

Cẩm nang du học sinh: tài khoản ngân hàng tại Mỹ

Bạn sẽ nhập học tại một trường đại học ở Hoa Kỳ trong năm nay? Những hướng dẫn hữu ích dưới đây sẽ giúp bạn chọn ra được ngân hàng phù hợp nhất với mình.

Seeta Bhardwa

Biên tập viên, chuyên mục THE Student

Một trong những điều quan trọng nhất mà bạn cần lưu ý khi học đại học tại Mỹ chính là vấn đề quản lý tài chính. Việc tìm ra một nơi an toàn để cất giữ số tiền của bản thân sẽ là một nỗi lo đè nặng lên tâm trí bạn. Có rất nhiều ngân hàng trên khắp Hoa Kỳ, cũng như các loại tài khoản khác nhau.

Tại Hoa Kỳ, cho dù bạn là sinh viên quốc tế hay sinh viên trong nước, bạn cũng nên kiểm tra xem có những loại tài khoản ngân hàng nào dành cho sinh viên.

1. Chọn ngân hàng

Có rất nhiều ngân hàng ở Hoa Kỳ, vì vậy cách tốt nhất để thu hẹp phạm vi tìm kiếm lại là xem xét các dịch vụ dành cho sinh viên của các ngân hàng khác nhau (bạn có thể tham khảo danh sách đã được soạn sẵn của chúng tôi ở bên dưới). Một số điều bạn cần cân nhắc khi lựa chọn một ngân hàng là:

  • Phí hàng tháng hoặc phí dịch vụ – Mặc dù đôi khi chúng được miễn phí cho sinh viên, tuy nhiên nhiều tài khoản ngân hàng vẫn sẽ có những khoản này. Các khoản phí thường phụ thuộc vào số tiền bạn chuyển và số tiền tối thiểu bạn muốn giữ trong tài khoản của mình, vì vậy hãy làm rõ mục đích sử dụng của mình khi tìm kiếm. Một số ngân hàng có thể có các khoản phí bổ sung cho những thứ ví dụ như báo cáo giấy.
  • Ngân hàng đó có máy ATM gần trường của bạn không? – Nếu bạn sử dụng máy ATM của một ngân hàng khác để rút tiền từ ngân hàng mà bạn đã mở tài khoản thì có khả năng bạn sẽ bị tính phí khi rút tiền. Khả năng cao là máy ATM trong khuôn viên trường thuộc ngân hàng có liên kết với trường đại học của bạn.
  • Ngân hàng tiểu bang hay ngân hàng quốc gia tốt hơn? – Bạn nên mở tài khoản ngân hàng tại một ngân hàng quốc gia như Bank of America hoặc Chase thay vì một ngân hàng của tiểu bang vì khi đó bạn có thể sử dụng các máy ATM trên toàn quốc nếu bạn là sinh viên quốc tế hoặc sinh viên thuộc tiểu bang khác. Tuy nhiên, nếu bạn học đại học tại tiểu bang của mình thì bạn nên gắn bó với ngân hàng thuộc địa phương, đặc biệt là khi bạn đã có tài khoản của họ.
  • FDIC có bảo hiểm cho ngân hàng không? – Việc lập tài khoản tại một ngân hàng được bảo đảm bởi Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Hoa Kỳ (Federal Deposit Insurance Corporation – FDIC) là một lựa khôn ngoan vì công ty này sẽ đảm bảo rằng bạn vẫn có thể nhận lại được tiền của mình trong trường hợp không may là ngân hàng bạn uỷ thác bị phá sản.

2.Chọn tài khoản

Có hai loại tài khoản ngân hàng ở Mỹ: tài khoản thường và tài khoản tiết kiệm.

Tài khoản thường: cho phép bạn gửi và rút tiền bao nhiêu lần tùy thích. Thông thường, khi bạn mở tài khoản loại này, bạn sẽ nhận được một quyển sổ séc và thẻ ghi nợ. Hầu hết sinh viên quốc tế mở tài khoản thường chỉ để thanh toán chi phí sinh hoạt khi theo học tại Mỹ.

Tài khoản tiết kiệm: tài khoản tiết kiệm là nơi lưu giữ tiền trong khoảng thời gian dài hơn. Một số sinh viên có thể cân nhắc mở một tài khoản dạng này nếu họ đang đi làm hoặc muốn tiết kiệm tiền đi du lịch hoặc dành cho những trường hợp khẩn cấp. Hầu hết các ngân hàng đều có tài khoản thường dành cho sinh viên, chẳng hạn như Tài khoản của Chase College và Santander

3.Phân chia tài khoản ngân hàng

Có hàng trăm ngân hàng trên khắp Hoa Kỳ, vì vậy bạn nên tự mình nghiên cứu để tìm ra ngân hàng phù hợp nhất với mình. Tại chuyên mục THE Student, chúng tôi đã xem xét một số ngân hàng lớn để xem những gì họ cung cấp những loại hình dịch vụ gì dành cho sinh viên.

Ngoài những ngân hàng được liệt kê ở trên còn có các ngân hàng của riêng tiểu bang chẳng hạn như Ngân hàng California, vì vậy bạn nên nghiên cứu kĩ những gì trường đại học thuộc tiểu bang của bạn cung cấp. Ngoài ra còn có một số ngân hàng chỉ ở dạng trực tuyến và sở hữu dịch vụ tuyệt vời trong việc cấp tài khoản ngân hàng cho sinh viên như Ally, Simple và Chime.

4.Cách mở tài khoản ngân hàng

Mặc dù bạn có thể mở tài khoản ngân hàng qua điện thoại hoặc trực tuyến trên mạng, nhưng nếu bạn là sinh viên quốc tế thì việc mở tài khoản trực tiếp tại ngân hàng có thể sẽ dễ dàng hơn trong trường hợp có bất cứ thủ tục phức tạp nào. Trước khi đến ngân hàng để mở tài khoản, bạn sẽ cần chuẩn bị:

  • Họ và Tên đầy đủ, địa chỉ nhà riêng, số điện thoại nhà riêng, số điện thoại của trường và địa chỉ trường đại học của bạn
  • Hộ chiếu của bạn
  • I-20 (Giấy chứng nhận nhập học không định cư) hoặc giấy chấp thuận I-797
  • Bất kỳ giấy tờ nhận dạng danh tính nào (chẳng hạn như thẻ sinh viên, giấy khai sinh, bằng lái xe hoặc thư từ văn phòng sinh viên và học giả tại trường đại học của bạn)
  • Thư mời nhập học từ trường đại học của bạn
  • Một số tiền để gửi vào tài khoản (số tiền yêu cầu ban đầu này sẽ khác nhau tuỳ thuộc vào mỗi ngân hàng)

Các yêu cầu về giấy tờ thủ tục có thể sẽ hơi khác nhau một chút giữa các ngân hàng, vì vậy hãy đảm bảo rằng bạn đã kiểm tra trước các yêu cầu của ngân hàng mình chọn trước khi đi lập tài khoản.

VLAB lược dịch

Link bài viết: https://www.timeshighereducation.com/student/advice/guide-international-student-bank-accounts-us