Sunil Sharma | ngày 28 tháng 8 năm 2018
Nhiều người hẳn đã từng nghe đến cái tên Pep Guardiola. Tuy nhiên, xin được giới thiệu lại một lần nữa, dành cho những ai chưa biết, Pep Guardiola là một trong những vị huấn luyện viên thành công nhất trong lịch sử bóng đá. Ông đã tạo nên một trong những đội bóng tuyệt vời nhất trong lịch sử của Câu lạc bộ bóng đá Barcelona. Trong suốt thời gian làm việc tại đây, ông đã giành được 14 cúp trên tổng số 19 giải đấu tham gia. Barcelona không chỉ đạt được thành công ngoài sức tưởng tượng dựa trên số danh hiệu giành được, họ còn nhận được vô số lời khen ngợi trên toàn thế giới về thương hiệu bóng đá mà họ đã gây dựng. Sau khi rời Tây Ban Nha, ông chuyển đến Câu lạc bộ bóng đá Bayern Munich và ông tiếp tục ghi dấu thành công với việc giành được về 3 chức vô địch liên tiếp. Ông hiện đang ở Manchester City, và cũng tại đây, vào năm 2017, ông đã phá vỡ một số kỷ lục tại Giải Ngoại hạng Anh. Sau khi xem bộ phim tài liệu mới nhất trên Amazon (Được ăn cả ngã về không – All for nothing) và dành hàng giờ đọc về Pep Guardiola, tôi nhận thấy rằng nhiều phương pháp của ông ấy có thể được áp dụng vào công việc, đặc biệt là trong kinh doanh. Việc cố gắng xây dựng một đội ngũ tuyệt vời và để lại di sản kế thừa của ông có sự tương đồng lớn với việc xây dựng một thương hiệu thành công.
Mục đích
Với cá nhân Guardiola, ông muốn biến Manchester City trở thành câu lạc bộ đá bóng hay nhất thế giới với một lối chơi đẹp. Đây là điều mà ông muốn dành tặng cho người hâm mộ Manchester City cũng như là di sản bền vững mà ông để lại.
Nhiều người rồi sẽ nghe đến khái niệm: luôn bắt đầu với câu hỏi “tại sao”, mặc dù điều này đã trở nên khá sáo rỗng nhưng nó vẫn được coi là một câu hỏi quan trọng đối với bất kỳ doanh nghiệp nào, đặc biệt là khi có liên quan đến tiếp thị và xây dựng thương hiệu. Lý do cho câu hỏi “tại sao” của Pep Guardiola khá đơn giản. Ông cố gắng biến câu lạc bộ ông quản lý trở thành câu lạc bộ số 1 thế giới với lối chơi đẹp mắt. Ông muốn biến điều này thành hiện thực và rồi để lại nó cho Câu lạc bộ như một di sản kế thừa lâu dài. Trái ngược với niềm tin của nhiều người rằng mục đích chính của Pep là chơi “bóng đá tổng lực” hoặc “tiki-taka”, Pep luôn cố gắng hết mình để giành chiến thắng trong các trận đấu. Nỗ lực này đã được ghi nhận bởi hàng loạt những chuỗi thắng liên tiếp trải dài xuyên suốt sự nghiệp huy hoàng của ông.
Ở hiệp một trong trận đấu với Nurnberg, Pep (lúc đó đang làm huấn luyện viên của Bayern Munich) đã bày tỏ thêm suy nghĩ của mình về bóng đá:
“Tôi ghét chiến thuật tiki-taka. Tiki-taka có nghĩa là chuyền bóng và luân chuyển bóng liên tục để giữ bóng lâu nhất có thể, không có một ý định rõ ràng nào. Và điều này thật vô nghĩa.” Nhiều cuộc phỏng vấn gần đây đã chỉ ra rằng lý do Pep chơi theo phong cách này là vì ông tin rằng đây chính là cách tốt nhất để giành chiến thắng trong các trận đấu bóng đá.
Có 1 điều rõ ràng là trong kinh doanh thời nay đó là bạn phải có mục đích rõ ràng cho sự tồn tại của công ty.
Tầm quan trọng của mỗi một con người
Xuyên suốt bộ phim tài liệu của Amazon, bạn sẽ thấy tầm quan trọng của đội ngũ nhân viên hỗ trợ của Pep Guardiola. Trước các trận đấu, Pep luôn tham khảo và thảo luận các ý tưởng với một số nhân viên hỗ trợ, bao gồm cả cựu tuyển thủ bóng nước quốc tế người Tây Ban Nha. Pep đã duy trì mối quan hệ thân thiết với anh ấy kể từ những ngày đầu làm huấn luyện viên và đồng thời ông cũng luôn đảm bảo rằng tất cả nhân viên của mình đều được đánh giá cao. Kitman Brandon Ashton đóng một vai trò quan trọng trong bộ phim tài liệu với tư cách là một người hâm mộ lâu đời của Manchester City, Pep luôn để ông tham gia vào nhiều hoạt động trong lịch trình hàng ngày của đội. Sau khi Manchester City giành chức vô địch, ông ngồi xuống cùng với tất cả nhân viên của mình, bao gồm cả những người dọn dẹp và nói lời cảm ơn đến họ vì tất cả những nỗ lực và sự chăm chỉ trong suốt thời gian qua. Một điều tối quan trọng mà các doanh nghiệp phải nhận thức cũng như cần hiểu được đó là tầm quan trọng của từng thành viên trong đội ngũ.
Một ví dụ điển hình là sự kiện Tổng thống John F. Kennedy đến thăm trụ sở NASA vào năm 1961. Ông đã hỏi một người bảo vệ về nhiệm vụ của người đó ở NASA và người bảo vệ đó đã trả lời rằng: “Tôi giúp con người đặt chân lên mặt trăng”. Đây là một ví dụ về việc mọi người đều cảm thấy bản thân có giá trị và là một phần của một tổ chức có mục đích rõ ràng.
Phương pháp Kaizen
Kaizen có nghĩa là cải tiến liên tục và tầm quan trọng của nó đã được chứng thực qua vô số những sách báo về thể thao và kinh doanh. Có thể hiểu đây là mong muốn không ngừng phát triển và cải thiện. Pep từng tuyên bố “phải có niềm tin bất biến rằng sự cải tiến không ngừng là điều bắt buộc cơ bản. Đây là lẽ sống, là điều thiết yếu, là nghĩa vụ.”
Tại Câu lạc bộ Bayern Munich, ông nói rằng “hãy khẳng định bản thân ở vị trí cao nhất và sau đó bắt đầu xây dựng một thời kì thành công liên tục và nhất quán thông qua những lối chơi cải tiến.” Trong bộ phim tài liệu của Amazon, chúng ta có thể nhận thấy rõ rằng ông đã áp dụng triết lý này vì ngay cả sau những trận đấu mà Man City đã thắng, ông vẫn luôn tìm cách cải thiện để chuẩn bị cho trận đấu tiếp theo. Khái niệm Kaizen ban đầu được Toyota áp dụng và đây cũng là điều mà các doanh nghiệp vẫn áp dụng cho đến ngày nay.
Kẻ trộm ý tưởng
“Một nghệ sĩ giỏi chỉ có thể sao chép ý tưởng còn một nghệ sĩ vĩ đại thì sẽ lấy trộm nó.”
Pep Guardiola thường nhắc đến mối quan hệ đặc biệt giữa ông với huyền thoại bóng đá Johan Cruyff. “Tôi sẽ không đứng ở vị trí này nếu không có Johan Cruyff”. Johan Cruyff là người tiên phong trong khái niệm bóng đá tổng lực – có nghĩa là bất kỳ cầu thủ ngoài sân nào cũng có thể đảm nhận vai trò của bất kỳ cầu thủ nào trong đội. Ta có thể thấy rõ ràng những tác động mà lối chơi của Johan Cruyff đã tạo ra lên Pep Guardiola qua hiện thực rằng tất cả các đội mà ông ấy quản lý đều có một điểm nhấn chung đó là mỗi một cầu thủ đều sở hữu kỹ năng tốt.
Nhiều người thường liên kết điều này với việc Apple lấy ý tưởng, đây là điều mà Pep Guardiola hoàn toàn ủng hộ: “ý tưởng thuộc về mọi người và tôi sẽ lấy trộm càng nhiều càng tốt”. Pep không bao giờ coi mình là một thiên tài sáng tạo, thay vào đó ông là một huấn luyện viên biết tiếp thu ý tưởng và tìm cách cải thiện chúng, cũng như liên tục học hỏi với tư cách là một huấn luyện viên. Không lạ gì mấy, các doanh nghiệp trên toàn cầu cũng làm những điều y như vậy.
Chú ý đến từng chi tiết
Các chi tiết nhỏ thường quyết định sự thành công hoặc thất bại. Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu đề cập đến cách mọi người tiếp thu thông tin và rồi đưa chúng ra vận dụng “chunking” – kỹ thuật nhóm thông tin. Những người theo chủ nghĩa tổng quát thích những khái niệm và ý tưởng trên góc nhìn rộng trong khi những người theo chủ nghĩa tiểu tiết có xu hướng muốn biết tất cả các mẩu thông tin kết nối những thông tin chung kia lại. Việc chú ý đến từng chi tiết của Pep Guardiola thường được xem là điểm khác biệt giữa ông và các huấn luyện viên khác. Sự chú ý của Steve Job đến từng chi tiết liên quan đến mọi sản phẩm tại Apple được coi là lý do chính dẫn đến sự thành công của thương hiệu này.
“Hãy sử dụng và đi theo “con mắt” của mình chứ đừng dùng của người khác”
Là một người hâm mộ cuồng nhiệt của Chelsea, tôi đã nhiều lần chứng kiến việc đội bóng của Pep Guardiola chơi ngày càng tốt hơn và đi kèm là sự phẫn nộ ngaỳ càng leo thang của tôi. Thời gian dần trôi và tôi nhận ra rằng trước mắt chúng ta là một trong những huấn luyện viên vĩ đại nhất trong lịch sử thể thao. Các phương pháp của Guardiola có thể được áp dụng cho nhiều ngành, đặc biệt là bởi chủ các doanh nghiệp và những nhà quản lý. Những nguyên tắc cốt lõi cơ bản làm nên thành công của Pep đã và đang được nhiều doanh nghiệp áp dụng.
VLAB lược dịch
Link bài viết: https://sunilsharmauk.medium.com/can-businesses-learn-from-pep-guardiola-cf4356e88d5b