Về Việt Nam vào dịp này, khi VietNamNet – như là tình yêu lớn nhất cuộc đời anh – tròn tuổi 25, khi tờ báo này vừa có tổng biên tập mới và người đó không phải “người cũ của VietNamNet”…, cảm xúc của anh thế nào?
– Tôi thấy quan trọng nhất là người đó có cùng tư duy, cùng con đường mà tôi đã tâm huyết xây dựng và xác lập cho VietNamNet trong rất nhiều năm hay không? Người cũ VietNamNet hay người mới không quan trọng bằng tư duy và con đường. Tôi tin vào sự chọn lựa của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông. Tổng biên tập mới cũng là nhà báo trong ngành Bưu điện, tôi tin bạn ấy đã ngấm sâu 10 chữ vàng truyền thống ngành Bưu điện: “Trung thành, Dũng cảm, Tận tuỵ, Sáng tạo, Nghĩa tình”. Tôi hy vọng bạn ấy sẽ cống hiến, phát triển VietNamNet lên tầm cao hơn, đạt được nhiều thành quả hơn nữa, hết lòng phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc. VietNamNet luôn thiêng liêng trong tôi và tôi luôn sẵn sàng làm bất kỳ việc gì cho dù rất nhỏ để đóng góp cho sự phát triển của VietNamNet.
Cách đây 11 năm, khi uy tín và sự nghiệp đang ở đỉnh cao, anh rời VietNamNet. Tôi tò mò muốn biết lúc đó anh có rơi nước mắt không?
– Tôi không rơi nước mắt. Tôi rời VietNamNet vào những ngày đầu tháng 4/2011. Cũng phải nói thật, lúc đó tôi thấy nhẹ nhàng, thanh thản bởi không còn những áp lực của cương vị Tổng biên tập. Trước khi tôi bay sang Mỹ làm việc, anh em VietNamNet tổ chức buổi chia tay ở Ba Vì (Hà Nội). Chỉ có thể nói là lúc đó tôi thấy rất lưu luyến, thương anh em đã gắn bó với mình nhiều năm tháng.
Tôi nhớ những ngày Tết anh em vẫn “cắm mặt cắm mũi” làm việc, những ngày mọi người gắn bó, quây quần với nhau cùng vượt qua khó khăn cùng bao nhiêu trí tuệ, bao nhiêu tấm lòng của các cố vấn, của bạn đọc yêu mến đồng hành cùng VietNamNet trong nhiều năm…
Và dù vui nhưng tôi cũng bâng khuâng nghĩ đến chặng đường trước mặt với lựa chọn làm học giả nghiên cứu về truyền thông, chính trị và chính sách công ở Đại học Harvard.
Quay lại cột mốc trước đó, lý do nào mà anh từ một người rành công nghệ thông tin lại quyết định làm báo?
– Việc tôi đang là một chuyên gia công nghệ thông tin chuyển ra làm báo khiến ai cũng bất ngờ. Trước đó, tôi cũng chưa bao giờ từng có dự định sẽ đi làm báo. Khi thành lập Trung tâm dịch vụ giá trị gia tăng (VASC), rồi nơi này trở thành công ty phần mềm và truyền thông VASC, chúng tôi làm nội dung cho website www.vnn.vn, từ đó phát triển thành báo điện tử. Là người lãnh đạo website ấy, tôi trở thành Tổng biên tập.
Những ngày đầu tạo dựng VietNamNet, anh chưa từng trải qua công việc phóng viên, biên tập viên…(nói chung là tay mơ), vậy anh có bỡ ngỡ nhiều không?
– Khi ở Bưu điện Khánh Hoà, tạo dựng Vietnet, tôi đã tạo ra các diễn đàn và khai thác tính tương tác. Tư duy làm nội dung của tôi cũng khác với các báo in lúc bấy giờ: Tôi phát huy những điểm mạnh của Internet, Online như tương tác, thảo luận, tập hợp trí tuệ của mọi người, tạo các liên kết thông tin; mời các chuyên gia công nghệ thông tin, các nhà văn hoá, các fan bóng đá, trực tiếp thảo luận.
Đến VietNamNet, tôi phát huy tư duy làm báo dựa vào lợi thế và khác biệt của internet mà tôi đã có ấy. Sau đó, để VietNamNet có tính chuyên nghiệp cao hơn, tôi mời những người làm báo chuyên nghiệp về làm việc tại VietNamNet như Phạm Anh Tuấn, Thu Uyên, Phan Thế Hải, Lương Bích Ngọc hay làm cố vấn cho báo những ngày đầu như nhà báo Đoàn Ngọc Thu, nhà báo Lê Quốc Minh – giờ là TBT Báo Nhân dân, nhà báo Tạ Bích Loan nay là Giám đốc VTV3…
Khi VietNamNet đã có nền tảng, tôi xây dựng Hội đồng cố vấn, mời những trí tuệ lớn tham gia như nhà văn hoá Việt Phương, Giáo sư Phan Đình Diệu, Giáo sư Hoàng Tuỵ, hay các thành viên Ban cố vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Phan Văn Khải…
Không chỉ là tổng biên tập, anh cũng là một nhà báo chính trị gần như số 1 của VietNamNet với những cuộc phỏng vấn nhân vật rất xuất sắc. Vì sao anh lại có mong muốn trở thành một nhà báo khi đã là tổng biên tập? Đó là niềm đam mê hay vì mục tiêu gì?
– Tháng 9/2001, khi tôi mời nhà báo Thu Uyên về với VietNamNet, tôi chỉ ngồi dự quan sát các bạn ấy họp, phân tích. Một lần, bàn đến vấn đề về kinh tế cụ thể liên quan đến chính sách với xe gắn máy, các bạn ấy tỏ ra lúng túng. Tôi hiểu rõ về kinh tế xã hội vậy nên, tôi chủ động đưa ý kiến, bảo các bạn phải chăng nên như thế này… Nghe xong mọi người bảo: “Hay đấy, sếp làm báo luôn đi, làm với chúng em cho vui”.
Từ đó tôi bắt đầu tham gia dần cùng mọi người. Cuối năm 2002, Thu Uyên đi học, tôi phải tìm người thay thế bạn ấy. Thời gian đầu chưa có người thay, tôi phải làm trực tiếp. Làm rồi thì bị cuốn hút, đặc biệt khi báo đưa ra vấn đề được bàn luận rất sôi nổi, có tác động và ảnh hưởng trong xã hội. Đến một lúc tôi “say nghề” và dấn thân làm báo.
VietNamNet đã tạo được dấu ấn, đi tiên phong đổi mới chính trị xã hội và bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Tôi nêu khẩu hiệu “Đi đầu hay bị loại” để anh em VietNamNet nỗ lực phấn đấu. Say mê với không khí đổi mới, tôi khởi xướng cùng anh em tạo nên Bàn Tròn Trực Tuyến, Tuần Việt Nam…
Khi làm báo, tôi thấy đó là đam mê. Và tôi có mục tiêu: để đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam có vị thế xứng đáng, sánh vai với các nước văn minh, tiên tiến.
Những nhân vật nào đem đến cho anh nhiều cảm hứng trong chừng ấy năm làm báo?
– Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người truyền cảm hứng lớn trong suốt quá trình làm báo của tôi. Những thông điệp hay vào đêm 30 Tết của nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Nhà văn hoá Việt Phương, Phó Thủ tướng Vũ Khoan cũng giúp tôi được tiếp thêm động lực mới.
Có những sự kiện, bài báo ghi dấu ấn cho tờ báo, cũng để lại những ấn tượng sâu sắc cho bản thân tôi và những người tham gia như: Bàn tròn trực tuyến với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đầu năm 2007, Bàn tròn trực tuyến 30 năm thống nhất đất nước 4/2005, bài phỏng vấn ông Nguyễn Đình Hương, Nguyên Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Cũng phải kể đến những tình cảm quý mến của anh Trần Đình Hoan, khi đó là Trưởng ban Tổ chức Trung ương dành cho VietNamNet.
Thời điểm ấy, VietNamNet là một trong những tờ báo điện tử có lượng đọc lớn nhất nước và nhận được sự cố vấn, tư vấn, cộng tác của những nhân vật có tầm ảnh hưởng. Tôi nhớ, không ít người từng đặt câu hỏi: “Thực ra thì Nguyễn Anh Tuấn có ý đồ chính trị gì không?”
– Làm báo thì phải có ý đồ chính trị chứ. Ý đồ đó là phục vụ nhân dân, nguyện làm người con hiếu thảo của dân tộc; phỏng vấn những vật có tầm ảnh hưởng, có uy tín, có dấu ấn; khơi gợi, những nhân vật nói điều mà mọi người mong muốn để tác động, dẫn dắt xã hội. Những người có vai trò càng cao càng tốt cho tờ báo.
Hồi năm 2007, VietNamNet đăng một bài viết liên quan đến Biển Đông và nghe nói lúc đó VietNamNet được “hai ông Sáu” bảo vệ. Mối nhân duyên giữa VietNamNet và anh với những vị lãnh đạo như nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh… như thế nào? Đó đơn thuần là tình cảm hay là tờ báo muốn tìm sự ủng hộ từ những người có tầm ảnh hưởng rất lớn?
– VietNamNet bắt đầu mối quan hệ với hai nhà lãnh đạo này trong những hoàn cảnh khác nhau. Tôi rất mến mộ tư tưởng đổi mới, con đường phát triển đất nước của chú Sáu Dân nên nguyện lãnh đạo VietNamNet đi theo con đường và tư tưởng ấy.
Còn VietNamNet có quan hệ với Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh vào dịp kỷ niệm 30 năm thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2005). Khi ấy, đang có những dư luận xã hội không hay về ông nhưng tôi thấy đối với lịch sử nên ứng xử bằng thái độ khách quan, công bằng. Ông là vị tướng tham gia ở một cánh quân rất quan trọng trong chiến dịch Hồ Chí Minh, vì thế, từ góc độ báo chí, nên phỏng vấn ông như một nhân vật lịch sử của ngày 30/4.
Sau khi VietNamNet phỏng vấn ông, tôi có dịp gặp và trò chuyện với ông và ông ủng hộ VietNamNet trong việc thông tin về vấn đề bảo vệ chủ quyền Tổ quốc ở Biển Đông, phát triển quan hệ Việt-Mỹ. Tôi trình bày với ông về đổi mới, ông cũng ủng hộ, thậm chí đưa ông Đặng Quốc Bảo đến thảo luận và ông cũng dành thời gian lắng nghe.
Từ đó, tôi quý ông và có mối quan hệ cá nhân thân thiết như trong gia đình. Ông rất tâm đắc với slogan của VietNamNet: “Nâng niu truyền thống, đổi mới mạnh mẽ”.
Cách đây 20 năm, trong một lần trả lời phỏng vấn, anh nói: Thần tượng của tôi là Bác Hồ…
– Bác Hồ luôn luôn là thần tượng của tôi, nhưng tôi không thần thánh hoá, tuyệt đối hoá Bác. Bác Hồ là một người Việt Nam rất đẹp. Tôi đặc biệt ấn tượng với cách dùng người và cách mà Người vượt qua mọi khó khăn, trở ngại.
Câu nói “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” mà Bác dùng trong năm 1946 có thể được áp dụng cho nhiều bối cảnh. Tôi nhớ thời điểm 1945 – 1946, khi ấy Bác tin cậy, tập hợp và phát huy mọi trí tuệ người Việt, không phân biệt đảng phái, tôn giáo. Không nghi kỵ, Bác kết bạn một cách chân thành với những trí tuệ lớn của nhân loại.
Anh từng tâm sự với một người bạn rằng, khi nào khó khăn nhất, anh cũng tìm học Người. Trong cuộc đời mình, thời điểm nào anh đã “học Bác” nhiều nhất?
– Đó là những ngày đầu ra Hà Nội lập nghiệp. Tôi biết công cuộc tạo dựng sẽ khó khăn hơn khi ở Nha Trang. Tôi nhớ lại câu chuyện Bác Hồ tạo dựng cả một cơ đồ lớn năm 1945, trước bao nhiêu thách thức, trở ngại, khó khăn chồng chất…
Thế là tôi đến gặp ông Vũ Kỳ, nguyên Thư ký của Bác Hồ để tìm hiểu cách Bác Hồ đã vượt qua những thời điểm cam go thế nào. Câu chuyện về trí tuệ, ý chí, nghị lực lớn của Bác đã truyền cảm hứng cho tôi vượt qua khó khăn trong những ngày đầu ra Hà Nội.
Khi ấy tôi thấy mình còn có những thuận lợi lớn: Lãnh đạo ngành Bưu điện có tâm huyết phát triển tin học, hạ tầng mạng lưới viễn thông tốt, cả ngành đang hừng hực khí thế đổi mới, tăng tốc, khuyến khích tinh thần sáng tạo. Trên tinh thần ấy, với cảm hứng ấy, tôi đã tạo dựng VietNamNet.
Anh sinh ra ở Cao Bằng, 5 tuổi về Bắc Giang, 14 tuổi về Nha Trang, học ở Đà Lạt rồi quay lại Nha Trang làm việc, rồi được bổ nhiệm ra Hà Nội… Khi từ Nha Trang ra Hà Nội đối mặt với bao nhiêu sự gièm pha, đố kỵ, thậm chí bị chê là “thằng chột làm vua xứ mù”, anh có sợ không?
– Trong cuộc đời, tôi luôn lạc quan và không sợ hãi. Tôi nghĩ mình có đam mê và chính niềm đam mê tạo ra sự tự tin.
Khi mình có mục tiêu để làm, nhìn ra bài toán cần giải quyết và tập trung tất cả tâm trí vào giải quyết bài toán thì không có chỗ cho nỗi sợ nữa.
Nha Trang chưa phải là một trung tâm lớn, nhưng tôi đã nỗ lực vượt khó để tạo dựng những ứng dụng tin học đi tiên phong trong ngành Bưu Điện, tạo dựng Xa Lộ Thông Tin VietNet từ Nha Trang. Vì thế, khi ra Hà Nội tôi đã có hành trang vững vàng của mình.
Anh có quan tâm đến những yêu ghét của người đời hay suy nghĩ về sự cô đơn của mình không?
– Nói không quan tâm thì không đúng. Trong cuộc đời, người khen, kẻ chê là chuyện bình thường. Tôi không buồn khi vấp phải sự chê bai, ghét bỏ và tôi rất cẩn thận với những lời khen. Tôi không để những lời khen chê làm phân tâm ảnh hưởng đến công việc. Tôi chỉ quan tâm xem mình đã làm được những gì, những dự định chưa làm được hay chưa làm xong.
Còn cô đơn là điều hiển nhiên phải chấp nhận khi đi tiên phong. Nhưng đó là nỗi cô đơn, tĩnh lặng đáng để trả giá.
Có vẻ như anh bắt đầu học piano hơi muộn so với thông lệ. Là vì thích hay bởi đến khi có điều kiện thì anh cập nhật cho đủ hành trang thời thượng?
– Thời sinh viên tôi yêu thích âm nhạc, thích piano nhưng đất nước lúc ấy khó khăn, mình không có điều kiện theo đuổi.
Năm tôi 40 tuổi, nhạc sỹ Hoàng Vân khích lệ và tìm người dạy giúp tôi, vì thế, tôi bắt đầu học piano. Thấy tôi yêu thích piano, có người còn nhạo báng tôi là trưởng giả học làm sang.
Tôi là người yêu thích âm nhạc từ dân ca, cổ truyền, nhạc đỏ, nhạc miền Nam trước 1975, nhạc tiền chiến… Với âm nhạc giao hưởng thính phòng, tôi thấy nó giúp cho mình tư duy tốt. Khi ngồi học đàn, tập đàn piano, tôi như được giải thoát khỏi những căng thẳng, sức ép công việc. Âm nhạc giúp cho tinh thần tôi phấn chấn.
Cũng chính vì yêu âm nhạc nên tôi hay đến các cung hoà nhạc ở Viên (Áo), Boston, New York (Mỹ), Berlin (Đức), Amsterdam (Hà Lan)… Năm 2009, tôi có ý tưởng, khởi xướng và tổ chức Hoà nhạc Điều còn mãi vào chiều ngày Quốc khánh hàng năm tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Sau đó năm 2010, tôi khởi xướng chương trình Hòa nhạc Hòa giải và Yêu thương diễn ra ở Nhà hát Lớn Hà Nội. Tôi mời Nhạc trưởng ở Charles Ansbacher ở Boston sang chỉ huy Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam tại hoà nhạc này. Vợ ông là bà Swanee Hunt, con nhà tỉ phú rất danh giá, là đại sứ Mỹ tại Áo, là giảng viên của Đại học Harvard. Còn ông được Tổng thống Bill Clinton mệnh danh là đại sứ âm nhạc của nước Mỹ.
Từ mối quan hệ này, khi sang Boston, tôi đã được mời tham gia Hội đồng Quản trị Quỹ Văn hoá Âm nhạc ở Boston. Do đó, tôi gặp và thân thiết với Thống đốc Michael Dukakis cũng là thành viên Hội đồng Quản lý Quỹ.
Hoà nhạc Hòa giải và Yêu thương được tái hiện lại ở Boston ngày 10/8/2011 và từ đó tổ chức hàng năm vào mùa hè ở Boston.
Bài hát Việt Nam nào anh yêu thích nhất?
– Tôi yêu thích rất nhiều bài hát Việt Nam. Thực lòng, rất khó chọn một bài yêu thích nhất.
Thế nhưng khi chuẩn bị những sự kiện, tôi thường nghe bài hát Bài ca Thống nhất của Võ Văn Dy do nghệ sỹ Thu Hiền hát. Bài hát vang lên trong những ngày thống nhất đất nước, và năm 1976, khi ba mẹ tôi đưa cả gia đình về sống ở Nha Trang, bài hát ấy thường xuyên phát trên đài, nói lên tình cảm và niềm vui non sông thống nhất. Giai điệu đẹp, khoan thai, câu hát “biển trời xuân sang, con chim reo mừng trở về quê hương mến thương” hay “đời tự do, gió xuân về” ngấm vào tôi từ ngày ấy. Bài hát là khát vọng yên bình, thống nhất đất nước, thống nhất dân tộc, biển trời tự do.
Còn bài hát khiến mỗi lần nghe tôi đều trào dâng xúc động là Lời ca dâng Bác của Trọng Loan, do Thanh Huyền hát (sau này còn rất nhiều ca sĩ hát cũng rất hay). Với giai điệu tha thiết, bài hát nói lên tình cảm của Bác với miền Nam, miền Nam với Bác, miền Bắc với miền Nam.
Có lẽ do ba tôi là người miền Nam tập kết, khi còn nhỏ, tôi vẫn hướng về miền Nam quê hương nên tôi xúc động với những bài hát về tình cảm hai miền Nam Bắc. Câu kết “thống nhất non sông mới thoả tấm lòng” như nói lên tiếng lòng của người dân Việt Nam ngày ấy.
Bây giờ, dù ở xa Việt Nam nhưng nghe những bài hát này trong tôi vẫn trào dâng cảm xúc.
Một số người bạn của anh kể rằng anh cũng yêu thơ ca, hội hoạ. Anh yêu thích những nhà thơ, hoạ sĩ nào?
– Tôi rất yêu kịch Lưu Quang Vũ, yêu thơ của Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh. Anh Lưu Quang Vũ không chỉ để lại những tác phẩm lớn cho đất nước, anh còn là người truyền cảm hứng vượt khó, vượt qua sự ngặt nghèo của hoàn cảnh để vượt lên, sáng tạo và toả sáng.
Tôi yêu Raphael với Trường Athens, Đức mẹ ở Sistine, yêu Mona Lisa của Leonard de Vinci, yêu Michaellangelo…
Tôi và nhiều người có chung một câu hỏi: “Ôi Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Tổng biên tập VietNamNet bây giờ làm gì nhỉ?” Anh có thể kể cho mọi người công việc hiện tại của mình?
– Hiện tôi đang là Giám đốc Diễn đàn Toàn cầu Boston, Giám đốc Viện Michael Duskakis, lãnh đạo và sáng tạo, sáng kiến Xã hội Trí tuệ Nhân tạo (AIWS) và mạng Sáng tạo Xã hội Trí tuệ Nhân tạo.
Công việc của tổ chức này cụ thể là gì?
– Tổ chức này đưa ra những sáng kiến, giải pháp để giải quyết vấn đề của thế giới mà đặc biệt tập trung làm sao đưa ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để đổi mới chính trị xã hội trên toàn thế giới.
Nền tảng để làm được sứ mệnh đó là phải gắn kết với các nhà lãnh đạo (cựu lãnh đạo, lãnh đạo đương chức) cũng như học giả, giáo sư của các trường đại học có uy tín như Harvard, MIT, Stanford…, các nhà sáng tạo, các nhà lãnh đạo các tổ chức quốc tế… để họ đồng hành, cống hiến.
Lập ra Diễn đàn Toàn cầu Boston là sáng kiến của anh hay bắt nguồn từ đâu?
– Một buổi tối dịp Thanksgiving năm 2012, tôi mời hai người bạn thân là Giáo sư của Đại học Harvard đến nhà ăn tối. Chúng tôi ngồi nói chuyện say sưa với nhau. Tôi thắc mắc tại sao Harvard, Boston là nơi tập trung nhiều tinh hoa trí tuệ của thế giới, của trí tuệ sáng tạo sao không có diễn đàn kiểu như Diễn đàn Kinh Tế Giới Davos? Tôi nêu ý tưởng thành lập Diễn đàn Toàn cầu Boston. Hai người bạn thấy ý tưởng đó rất hay và chúng tôi bắt tay xây dựng Diễn đàn Toàn cầu Boston, chính thức ra mắt ngày 12/12/2012.
Vậy anh bắt đầu tạo dựng Diễn đàn Toàn cầu Boston như thế nào?
– Đầu tiên phải tìm một ngọn cờ, một nhà lãnh đạo có uy tín cao, có tư duy và tầm nhìn chiến lược. Tôi đề xuất Giáo sư Michael Dukakis, Cựu thống đốc Bang Massachusetts 3 nhiệm kỳ, ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ năm 1988.
Tôi gặp và mời ông, và ông đã nhận lời cùng sáng lập và là Chủ tịch Diễn đàn Toàn cầu Boston.
Làm sao anh mời được ông Michael Dukakis?
– Ai cũng bảo khó bởi ông tuy không làm lãnh đạo bang Massachusetts nữa nhưng vẫn là một người có uy tín cao trong xã hội, có dấu ấn và rất bận rộn với công việc của một giáo sư, là thành viên Hội đồng một số tổ chức có ảnh hưởng lớn. Tôi nói để mình gặp và thuyết phục. Tôi biết Thống đốc Michael Dukakis vì khi đến Harvard làm việc, chính Michael Dukakis viết thư chào mừng tôi. Quỹ Văn hoá Âm nhạc ở Boston đã tổ chức buổi tiệc tối chào đón, vinh danh tôi và mời tôi tham gia Hội đồng Quản trị Quỹ. Michael Dukakis cũng ở trong Hội đồng Quản trị quỹ văn hoá âm nhạc này cùng với những nhân vật quyền quý, tinh hoa ở vùng Boston.
Đó là kỷ niệm đẹp. Chính vì vậy, khi tôi giới thiệu với giáo sư Michael Dukakis, ông ấy thấy ý tưởng này hay. Tôi mời ông làm Chủ tịch, đồng sáng lập Diễn đàn Toàn cầu Boston và ông ấy đã vui vẻ nhận lời. Chúng tôi gắn bó với nhau từ năm 2012 tới nay.
Có một câu hỏi cũng là thắc mắc của nhiều người đó là nguồn tài chính từ đâu để phát triển diễn đàn, thưa anh?
– Thời gian đầu thành lập cũng thế, có những người đề nghị huy động vốn xong hãy hoạt động. Tuy nhiên, tôi đưa ra quan niệm khác. Tôi thấy vốn trí tuệ quan trọng hơn vốn tài chính, tập hợp được nguồn lực trí tuệ lớn thì sẽ có nguồn lực tài chính.
Với uy tín cao của Thống đốc Michael Dukakis và các nhà sáng lập là các giáo sư danh tiếng thuộc Đại học Harvard, Diễn đàn Toàn cầu Boston tập hợp được nguồn vốn trí tuệ của Đại học Harvard, Đại học MIT và vùng Boston, rồi mở rộng ra Nhật, châu Âu, nêu ra những sáng kiến tiên phong.
Chúng tôi cũng có cách làm hiệu quả cao, tối ưu. Điều đó quyết định sự ủng hộ về tài chính từ các công ty, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Diễn đàn Toàn cầu Boston đã có 10 năm rất đẹp.
Anh tự tin đi khắp thế giới, giao tiếp với giới tinh hoa của Mỹ, trong lúc mọi người quen biết đánh giá anh không giỏi tiếng Anh. Theo anh, đi ra thế giới cái gì là quan trọng, có phải ngôn ngữ không?
– Nếu giỏi tiếng Anh sẽ rất tốt nhưng đó không phải điều kiện tiên quyết đâu. Quan trọng là ý tưởng đặc sắc, mới mẻ, có ý nghĩa và tiên phong mở ra con đường mới. Từ những ngày tạo dựng VietNamNet tôi đã tận dụng thế mạnh của mình: Có ý tưởng mới. Có ý tưởng rồi thì tập hợp các nguồn lực, biến ý tưởng đó trở thành hiện thực.
Năm 2011 khi tôi mới sang Boston, tại buổi tiệc tối, âm nhạc vinh danh tôi, Quỹ Văn hoá Âm nhạc Boston cũng cẩn thận, họ sợ họ chưa hiểu hết những điều tôi nói nên cử một người phiên dịch. Tôi bảo sẽ cố gắng thể hiện, có đoạn nào không hiểu thì mới nhờ phiên dịch. Trước đông đảo những nhân vật quyền quý và tinh hoa ở Boston, tôi trình bày rất hứng khởi, mọi người chú tâm nghe. Phát biểu một mạch không cần phiên dịch, tôi ngồi xuống bàn dự tiệc tối. Tôi hỏi một người bạn ngồi cạnh có hiểu ý mình nói không thì người bạn ấy nói rằng: “Bạn nói không chỉ có những ý hay mà nói cả bằng trái tim của bạn nữa nên chúng tôi hiểu hết”.
Khi anh làm ở VietNamNet, anh làm gì cũng nhận được sự quan tâm, theo dõi của hàng triệu người và hoạt động ấy có thể ghi dấu ấn ngay. Hiện tại, dù hoạt động trong giới tinh hoa, đối với người Việt Nam, công việc anh đang làm là điều gì đó, xa lạ, không hấp dẫn. Điều gì làm cho anh bền bỉ tập trung trí lực của mình suốt 10 năm qua như vậy? Hay đây là điểm khác biệt trong con người anh giờ mới bộc lộ ra?
– Thực ra nó là bước phát triển tiếp theo của VietNamNet chứ không có gì thay đổi. Bản chất vẫn thế. Với VietNamNet, chúng ta cũng biết đây là tờ báo điện tử có dấu ấn, thậm chí có quyền lực truyền thông, có ảnh hưởng, uy tín ở Việt Nam. Nhưng đó là cái bề nổi, dễ thấy. Có những điều ở chiều sâu mọi người chưa biết. Để tạo dựng một VietNamNet có uy tín, có ảnh hưởng phải có chiều sâu trí tuệ, có tư tưởng và con đường rõ ràng.
Hồi ở VietNamNet, tôi cũng nghĩ sau này nếu không ở VietNamNet nữa thì cũng mong muốn viết sách, đi theo hướng một nhà tư tưởng. Đó là niềm yêu thích của tôi từ VietNamNet.
Sang Đại học Harvard làm việc, tôi thấy mình được trở về môi trường trí tuệ tầm cao, chiều sâu. Tạo dựng Diễn đàn Toàn cầu Boston là tạo dựng ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà lãnh đạo, các nhà chiến lược, các nhà tư tưởng, các nhà sáng tạo trên toàn thế giới. Việc này hàm chứa niềm đam mê và sức hút lớn, lớn hơn thời ở VietNamNet.
Tôi đề xuất thành lập ra hội đồng các nhà tư tưởng và mời những nhà tư tưởng lớn của Harvard và vùng Boston cùng tham gia. Từ đây, có thể nảy sinh ra những ý tưởng, những sáng kiến đặc sắc, đi tiên phong trong thời đại mới, ở thời điểm thế giới đang phát triển, đang thay đổi mạnh mẽ và chính những yếu tố đó sẽ tạo dựng nên giá trị của Diễn đàn Toàn cầu Boston. Với tôi, đó là hạnh phúc lớn lao mà cuộc đời đã dành cho mình.
Dường như việc mời và tổ chức chuyến thăm Việt Nam của Cựu Thủ tướng Israel Ehud Barak vừa rồi, cùng với việc Nhà Xuất bản Tri Thức dịch và xuất bản cuốn sách Xây Lại Thế Giới – Tạo dựng Kỷ nguyên Khai sáng Toàn cầu bằng hai ngôn ngữ Anh và Việt do anh làm chủ biên với đồng tác giả là những nhà lãnh đạo, những nhà tư tưởng lớn của thế giới, và việc Thủ tướng Ehud Barak tặng cuốn sách này cho các nhà lãnh đạo Việt Nam trong các cuộc gặp là minh chứng cho những gì anh đã tạo dựng sau 11 năm làm việc ở Boston? Anh đã phát biểu cùng Thủ tướng Barak tại Dinh Thống Nhất (TP.HCM), tại Nhà hát Lớn (Hà Nội), và bây giờ anh có nhắn gửi thêm điều gì?
– Thủ tướng Ehud Barak là người bạn quý mến của tôi. Đi cùng với ông trong chuyến thăm Việt Nam 17 ngày, trong tôi vẫn còn nguyên những cảm xúc nóng hổi, sâu đậm và chúng sẽ ghi dấu mãi trong tôi.
Tôi mong rằng mỗi người Việt Nam có tâm thế, vị thế tư duy cao hơn, và tập hợp được những trí tuệ của những nhà lãnh đạo, những nhà chiến lược, những nhà sáng tạo của thế giới đồng hành xây dựng Việt Nam. Trong sứ mệnh này, tôi và Diễn đàn Toàn cầu Boston sẵn sàng đóng góp dù có thể đóng góp đó chỉ như một hạt cát.
Những khoảnh khắc nào gây cho anh xúc động trong chuyến đi?
– Đó là những khoảnh khắc cùng ông trên những đường phố, những nơi đã gắn bó, tạo dựng VietNet ở Nha Trang, VietNamNet ở Hà Nội và TP.HCM, hay cùng ông thăm lại trường Đại học Đà Lạt, hay ngồi đàm đạo với ông trong ngôi nhà 32 Nhị Hà, Nha Trang, nơi tạo dựng VietNet. Những hình ảnh đón tiếp ân cần, trọng thị, chu đáo, ấm áp của lãnh đạo và các sở ban ngành Khánh Hoà, Lâm Đồng…; những giây phút cùng ông gặp những người bạn, những đồng nghiệp cũ đã cùng gắn bó với mình trong những ngày gian khổ xây dựng VietNamNet.
Làm việc với các nhà lãnh đạo trên thế giới Michael Dukakis, cựu Thủ tướng Israel Ehud Barak, cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Ursula von de Leyen, Chủ tịch EC, Chủ tịch Quốc Hội Thuỵ Điển, Tổng thống Phần Lan, các nhà tư tưởng lớn Josep Nye, Alex Sandy Pentland, Judea Pearl, Jason Furman, anh có cảm nhận gì về họ?
– Chân thành, nghĩ đến trách nhiệm phục vụ nhân dân, những việc cần làm cho xã hội… Họ không coi chức vụ, quyền lực, danh vọng là mục tiêu của cuộc đời. Họ coi đó là công cụ để làm được những giá trị hữu ích cho xã hội, để xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
Họ không kiêu ngạo, không thể hiện uy quyền. Họ chân thành, gần gũi với nhân dân, lắng nghe nhân dân. Họ cố gắng để mọi người dân được phát huy cao nhất năng lực của mình, được tham gia đóng góp vào mọi lĩnh vực của xã hội.
Họ không coi các cuộc gặp nhân dân như là sự ban phát, mà coi đó là cơ hội để họ lắng nghe, thảo luận với những người có trí tuệ, những người dân ở nhiều giới khác nhau, điều họ coi là “được”.
Khi không còn ở cương vị lãnh đạo trong chính phủ, họ vẫn tiếp tục cống hiến ở bất kỳ cương vị gì trong các hoạt động xã hội, không có tâm lý đã ở cương vị cao rồi thì phải ở cương vị tương đương.
Dù khi chỉ còn là cựu tổng thống, cựu thủ tướng, cựu thống đốc, làm công việc gì họ vẫn là những nhà lãnh đạo tốt, có ảnh hưởng, có khả năng dẫn dắt nhờ nhân cách, trí tuệ, tầm nhìn và khả năng truyền cảm hứng, thu hút mọi người của mình.
Họ không quan tâm đến những hàng hiệu xa xỉ, họ không coi đó là giá trị của bản thân. Họ luôn tâm niệm đã tạo dựng được những giá trị gì cho xã hội.
Để có vị thế tự tin, độc lập, chúng ta cần có trí tuệ lớn, có tâm thế và tư duy cao, sáng tạo ra những giá trị cho thế giới, cùng giải quyết những thách thức gay gắt về hoà bình và an ninh của thế giới.
Chúng ta không phụ thuộc, hay phải nhường nhịn, nhận thiệt thòi trước bất kỳ ai mà chúng ta có thể tạo dựng vị thế như Israel, Singapore, Thuỵ Sỹ đã làm.
Việt Nam có thể chưa giàu về kinh tế, nhưng thế giới cần nhiều giá trị khác. Không ai cấm chúng ta sáng tạo những giá trị mới đóng góp cho nhân loại. Muốn vậy thì cần tập hợp được những trí tuệ tinh hoa, phát huy cao nhất năng lực của mỗi công dân Việt Nam trên mọi lĩnh vực, phát huy truyền thống anh hùng của dân tộc. Trước hết có thể học cách Israel đã tạo ra một quốc gia sáng tạo như Thủ tướng Ehud Barak đã chia sẻ với chúng ta.
Bằng tâm thế đó, cống hiến đó, một đất nước, một dân tộc xác lập chỗ đứng của mình, và đó là nền tảng của độc lập và hoà bình trong thời đại ngày nay.
Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của anh!
VLAB tổng hợp
Link bài viết: https://danviet.vn/vang-toi-la-tuan-vietnamnet-20221218184915652.htm