Home » Xã hội học thuật » Nhân vật truyền cảm hứng » Những người phụ nữ làm nên huyền thoại

Những người phụ nữ làm nên huyền thoại

Vào mỗi dịp 8/3 – ngày Quốc tế Phụ nữ, muôn vàn lời chúc tốt đẹp được gửi đến những người phụ nữ xinh đẹp, kiên cường xung quanh chúng ta. Và cũng nhân dịp lễ đặc biệt này, VLAB Innovation xin được vinh danh những người phụ nữ của thế giới, những người đã ghi danh lịch sử cho những đóng góp của mình.

1. Ada Lovelace – Lập trình viên đầu tiên trên thế giới

Ada Lovelace (10/12/1815 – 27/11/1852) là một nhà toán học người Anh, người được mệnh danh là lập trình viên máy tính đầu tiên viết ra một thuật toán (algorithm) với bộ hướng dẫn vận hành chiếc máy tính sơ khai do Charles Babbage chế tạo vào năm 1821.

Lovelace được sinh ra trong một gia đình thuộc tầng lớp quý tộc Anh. Cha bà là nhà thơ lãng mạn Lord George Byron, và mẹ bà là Anne Isabella Byron – một người phụ nữ có học vấn cao và sùng đạo, người có nhiều kiến thức về văn học, toán học, khoa học và triết học.

Một tháng sau khi sinh ra Lovelace, cha mẹ bà đường ai nấy đi sau cuộc ly hôn. Lord Byron rời nước Anh, để lại Ada được nuôi dạy bởi mẹ và bà ngoại.

Mẹ bà bài trừ mạnh mẽ nghệ thuật, đó là kết quả của mối quan hệ đầy bi kịch với chồng cũ Lord Byron. Bởi vậy, bà thúc ép Ada học tập thật nhiều các môn khoa học và toán học, và Ada cũng rất xuất sắc ở những môn này.

Sau khi Charles Babbage phát minh ra máy tính cơ khí, The Analytical Engine, nhà toán học người Ý Luigi Menabrea đã viết một quyển sách về chiếc máy này. Trong thời gian 9 tháng, giữa 1842 và 1843, Ada (dưới tên Ada Byron) đã giúp Babbage dịch cuốn sách đó. Trong bản dịch, bà không những cho thêm ý kiến của mình, mà còn phụ chú một chương nói về cách tính chuỗi số Bernoulli bằng cách dùng máy tính của Babbage. Bản phụ chú này được xem như là chương trình máy tính đầu tiên trong lịch sử.

Lovelace viết: “Khoa học về các phép toán, tuy bắt nguồn từ toán học … nhưng đặc biệt hơn, nó có thể tách riêng thành một ngành mới, với các giá trị trừu tượng riêng của mình”. Sau này, Essinger đã nhắc lại câu nói đó trong cuốn tiểu sử của ông và khẳng định: “Không còn nghi ngờ gì nữa, Ada đã phát minh ra khoa học máy tính và tách nó khỏi toán học”. Cái mà bà gọi là “khoa học về các phép toán” chính là khoa học máy tính của chúng ta ngày nay.

Lovelace qua đời ở tuổi 36 vào ngày 27 tháng 11 năm 1852 vì ung thư tử cung

 

BFR1H8 AMELIA MARY EARHART – American pioneer woman aviator (1897-1937)

2. Amelia Earhart – Nữ phi công huyền thoại

Amelia Earhart (24/7/1897 – 5/1/1939), với lòng can đảm cùng sự quyết đoán của mình, bà trở thành nữ phi công đầu tiên trên Thế giới một mình thực hiện thành công hành trình bay xuyên Đại Tây Dương. Không những vậy, nhờ việc kể lại những chuyến phiêu lưu của mình, bà còn là một nhà báo, một nhà văn nổi tiếng. Bà tích cực đấu tranh cho nữ quyền cũng như khích lệ phụ nữ tham gia các hoạt động xã hội. Một trong những câu nói của bà được nhiều người ưa thích nhất – khi bà được khuyên là không nên làm những việc nguy hiểm đến tính mạng – đó là câu nói: “Người ta không sợ chết như thế nào, mà phải là sống ra sao”.

Ngày 28/12/1920 là một ngày thay đổi hoàn toàn cuộc đời của Amelia khi bà được tận hưởng chuyến bay 10 phút ở độ cao 300 feet (khoảng 90m). Sau ngày hôm đó đó, Amelia tuyên bố: cô “phải học bay và cô sẽ bay”.

Ngày 15/5/1923, Earhart trở thành người phụ nữ thứ 16 được cấp giấy phép trở thành phi công do Fédération Aéronautique Internationale (FAI) cấp

Sáng ngày 30/5/1932, khi ở tuổi 34, Amelia chính thức thực hiện hành trình chinh phục Đại Tây Dương. Trong 14 giờ 56 phút bay, Amelia đã chống chọi với gió mạnh từ hướng bắc, băng giá và những vấn đề về cơ khí xảy ra với máy bay. Vượt qua những thử thách, cô hạ cánh xuống một đồng cỏ tại Culmore, phía bắc của Derry (Bắc Ai-len)

Amelia đã trở thành người phụ nữ đầu tiên trên thế giới bay một mình qua Đại Tây Dương và sau chuyến hành trình đó, cô nhận được nhiều phần thưởng xứng đáng từ Quốc hội, Chính phủ và Hội địa lý quốc gia của Tổng thống Mỹ Herbert Hoover

Năm 1936, Amelia lên kế hoạch cho một cuộc chinh phục lớn hơn, bay vòng quanh thế giới. Cô gần hoàn thành mục tiêu cuối cùng của đời mình. Amelia đã có quãng đường 320.000 km trong nỗ lực trở thành người phụ nữ đầu tiên bay vòng quanh địa cầu, chỉ còn 11.000 km băng qua Thái Bình Dương. Tuy nhiên, không ai ngờ chuyến bay ngày 2/7/1937 từ Lae sang hòn đảo nhỏ bé Howland giữa Thái Bình Dương lại là hành trình cuối cùng của bà.

Những cuộc tìm kiếm chính thức đã kéo dài cho đến 19/7/1937, tiêu tốn khoảng 4 triệu USD. Hải quân và Cảnh sát biển Mỹ được huy động vào cuộc tìm kiếm lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ vào thời điểm đó. Ngày 5/1/1939, tòa án Mỹ chính thức tuyên bố bà Earhart đã chết.

 

3. Florence Nightingale – Người phụ nữ với cây đèn

Florence Nightinggale (12/5/1820 – 13/8/1910) là một nhà cải cách xã hội, nhà thống kê học người Anh và là nhà sáng lập của ngành điều dưỡng hiện đại.

Ngay từ nhỏ, Florence đã thể hiện thiên tính và hoài bão được giúp đỡ người nghèo khổ. Đến năm 1842 chứng kiến nạn đói hoành hành, những chiến binh tử trận nơi chiến trường, Florence vô cùng thương xót những con người nhỏ bé này, bà có một khát khao cháy bỏng chính là được làm việc tại các dưỡng đường như các bà phước bên Thiên chúa giáo để chăm sóc cho người nghèo.

Theo Florence, đây là công việc vô cùng ý nghĩa đối với bà nhưng lại gặp sự ngăn cản kịch liệt từ phía gia đình, vì họ cho rằng đây là công việc dơ bẩn. Đầu thế kỷ thứ 19, việc phụ nữ làm nghề chăm sóc cho bệnh nhân hay theo học ngành y là một điều sỉ nhục. Không trường y nào chịu nhận phái nữ vì cho rằng họ không thể học được, cũng không thể thích nghi với những cách làm việc trong môi trường toàn xác chết và máu me.

Tuy nhiên, Florence vẫn kiên định với con đường mình đã chọn và vượt qua sự phản kháng của gia đình để vào học và làm việc tại Bệnh viện Kaiserswerth (Đức) năm 1847. Sau đó bà học thêm ở Paris (Pháp) vào năm 1853 và trở lại London điều hành một bệnh viện.

Florence Nightingale đóng một vai trò quan trọng trong việc thành lập Ủy Ban Hoàng Gia về tình trạng y tế trong quân đội. Bà đã đóng góp đưa ra những bản báo cáo dài hơn 1.000 trang với đầy đủ chi tiết thống kê. Những bản báo cáo này dẫn đến việc thay đổi toàn bộ việc chăm sóc sức khỏe cho quân nhân, thành lập trường quân y và hình thành hệ thống hồ sơ bệnh án của các binh sĩ

Năm 1859 bà được bầu làm nữ hội viên đầu tiên của Hội Thống Kê Hoàng Gia Anh (Royal Statistical Society) và sau đó thành hội viên danh dự của Hội Thống Kê Hoa Kỳ.

Tại Mỹ, một hội từ thiện đã được lập ra và lấy tên là Florence Nightingale. Có thể nói, bà là “người mở đường cho sự thành lập Hội Chữ thập đỏ Quốc tế”. Hội đồng Điều dưỡng quốc tế lấy ngày sinh của Florence Nightingale, ngày 12/5 hàng năm làm ngày Điều dưỡng quốc tế.

 

4. Virginia Woolf – Nhà văn tài hoa người Anh

Virginia Woolf (25/1/1882-28/3/1941) là đại văn hào nước Anh, người góp phần tạo nên diện mạo văn học hiện đại thế kỷ 20, nổi tiếng với câu “Một người phụ nữ phải có tiền và một căn phòng riêng nếu muốn viết văn”. Bà là người tiên phong thử nghiệm thủ pháp dòng ý thức điển hình của văn học nữ quyền.

Virginia Woolf có một cuộc đời nhiều thăng trầm. Bà sinh ra trong gia đình trí thức tiến bộ song cũng đầy phức tạp. Cha mẹ bà đều từng ly hôn và có những người con riêng. Bà không được đi học do chịu sự áp đặt của tư tưởng phong kiến. Vốn kiến thức mà bà có được đều dựa vào việc tự tìm tòi, học tập trong thư viện của cha cùng những buổi tới lui chuyện trò thân mật, trao đổi thư từ với các văn sĩ lớn của Anh quốc cuối thế kỷ 19. Cái chết của người mẹ năm 1895 và người cha 9 năm sau đó giáng một đòn mạnh vào tinh thần của Virginia. Không dừng lại ở đó, bà còn bị chính người anh trai cùng cha khác mẹ cưỡng bức khi nỗi đau mất mẹ còn chưa nguôi ngoai. Những vết thương và ám ảnh đó đã khiến mà mắc chứng thần kinh nặng.

Sau khi quyết định rời bỏ ngôi nhà đầy tang thương, bà cùng chị gái đến London và gia nhập nhóm văn học Bloomsbury. Năm 1912, bà kết hôn cùng Leonard Woolf. Dù bà không mặn mà trong mối quan hệ vợ chồng, Leonard vẫn luôn đồng hành và ủng hộ mọi quyết định của bà. Năm 1922, Virginia gặp gỡ và đem lòng yêu Vita Sackville-West, mối tình đồng giới cũng nhanh chóng đơm hoa từ đó và kết thúc sau 5 năm mặn nồng.

Bà bắt đầu sự nghiệp văn học của mình với những tác phẩm ban đầu như “The Voyage Out” (1915) và “Night and Day” (1919) trước khi tiếp tục phát triển phong cách và trở thành một nhà văn nổi tiếng. Tháng 3/1941, sau hơn 20 năm chống chọi với căn bệnh trầm cảm, bà gieo mình xuống dòng Ouse ở vùng ngoại ô Sussex, khép lại một mảnh đời tài hoa bất hạnh.

Những tác phẩm nổi tiếng nhất của Virginia Woolf gồm có Đêm và ngày (Night and Day, 1919), Căn phòng của Jacob (Jacob’s Room, 1922), Bà Dalloway (Mrs. Dalloway, 1925), Đến ngọn hải đăng (To the Lighthouse, 1927), Orlando (1928), Căn phòng riêng (A Room of One’s Own, 1929), Những đợt sóng (The Waves, 1931), Ba đồng tiền vàng (Three Guineas, 1938). Các tác phẩm của bà vẫn luôn được yêu thích cho đến ngày nay, bà được coi là một trong những nhà văn nữ vĩ đại nhất mọi thời đại.

 

5. Zaha Hadid – Kiến trúc sư đại tài

Zaha Hadid (31/10/1950-31/3/2016) là một nữ kiến trúc sư người Anh mang quốc tịch Iraq, bà là người theo trường phái Kiến trúc giải tỏa kết cấu. Bà được tạo chí Forbes xếp ở vị trí thứ 69 trong danh sách 100 người phụ nữ quyền lực nhất năm 2008. Bà còn lọt và danh sách Time 100, danh sách những người có tư tưởng mang sức ảnh hưởng lớn trong năm 2010.

Zaha Hadid tốt nghiệp Đại học Hoa Kỳ ở Beirut, Liban với tấm bằng cử nhân toán học, trước khi bắt đầu theo học tại Trường kiến trúc London. Sau khi nhận tấm bằng tốt nghiệp của Trường kiến trúc London, Zaha về làm việc tại Office for Metropolitan Architecture (OMA) của Elia Zenghelis và giáo sư, kiến trúc sư Rem Koolhaas. Zaha còn làm trợ lý cho Rem tại Trường Kiến trúc London và sau đó thành lập một hãng thiết kế ở London vào năm 1979.

Zaha còn là một nhân tài trong thiết kế nội thất, bà là người thiết kế khu Mind Zone trong Vòm Thiên niên kỉ của kiến trúc sư nổi tiếng Richard Roger. Zaha Hadid đã tham gia nhiều cuộc thi thiết kế quốc tế và đã giành nhiều giải thưởng, thế nhưng các đồ án giành giải thưởng của bà lại chưa từng được đem ra xây dựng. Trong các dự án bà đã thiết kế, nổi bật nhất là The Peak Club ở Hồng Kông, xứ Wales năm 1994 và nhà hát Opera ở vịnh Cardiff.

Hadid là người phụ nữ đầu tiên gần như “thâu tóm” tất cả các giải thưởng danh giá nhất của kiến trúc quốc tế. Năm 2004, bà đoạt giải thưởng Pritzker. Năm 2005, Zaha tiếp tục giành chiến thắng ở cuộc thi thiết kế cho một sòng bạc ở Basel -Thụy Sĩ. Không chỉ là một kiến trúc sư nổi tiếng Năm 2014, bà giành giải “Thiết kế của năm” của Bảo tàng Thiết kế London cho thiết kế Trung tâm Văn hoá Heydar Aliyev tại Azerbaijan. Tháng 9 năm 2015, bà được trao Huy chương Vàng của Viện Hàn lâm Hoàng gia Kiến trúc Anh quốc (RIBA)…

Không chỉ là một kiến trúc sư nổi tiếng, Zaha Hadid còn là một giảng viên đại học, bà giảng dạy tại nhiều trường đại học lớn trên toàn thế giới, trong đó có: Trường thiết kế Đại học Harvard, Đại học Columbia ở Thành phố New York, Hochschule für Bildende Künste ở Đức Đại học Chicago,… Bà cũng đã nhận được nhiều huân huy chương, bằng khen danh dự như: tước sĩ quan (CBE), Huân chương Đế quốc Anh…

Ngày 31 tháng 03 năm 2016, Kiến trúc sư Zaha Hadid đã qua đời tại bệnh viện ở Miami. Trước đó, bà đã phải nhập viện để điều trị bệnh viêm phế quản.

 

6. Martha Stewart – Nữ hoàng kinh doanh

Martha Stewart (3/8/1941) là một doanh nhân, tác giả và nhà truyền thông nổi tiếng ở Mỹ, được biết đến với sự nghiệp đa dạng của mình trong lĩnh vực thiết kế nội thất, nấu ăn, làm đẹp và chăm sóc gia đình.

Martha Stewart sinh ra ở Jersey City, New Jersey. Ngay từ khi còn nhỏ, Martha Stewart đã làm nhiều việc để kiếm tiền và bà nhận việc trông trẻ chỉ khi mới lên 10. Bà bắt đầu sự nghiệp của mình bằng việc làm người mẫu cho các tạp chí thời trang. Cùng với niềm đam mê kiếm tiền thì Martha Stewart đã thử rất nhiều công việc khác nhau. Khi mới 24 tuổi, với tư cách là một nhà môi giới chứng khoán ở New York thì thu nhập của bà đã rơi vào 6 con số mỗi năm. Những năm 1980, bà trở thành một nhà thiết kế nội thất và thành lập công ty riêng của mình.

Trong những năm 1990, Martha Stewart trở thành một nhân vật truyền hình nổi tiếng với chương trình “Martha Stewart Living”, nơi bà chia sẻ các bí quyết về trang trí nội thất, nấu ăn và chăm sóc gia đình. Chương trình này đã trở thành một trong những chương trình truyền hình thành công nhất của đài truyền hình Mỹ và đã giúp bà trở thành một trong những người phụ nữ thành công nhất và có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực này.

Ngoài sự nghiệp truyền hình, Martha Stewart cũng là tác giả của nhiều cuốn sách về nấu ăn, trang trí nội thất và chăm sóc gia đình. Bà cũng đã thành lập nhiều công ty liên quan đến lĩnh vực này, bao gồm Martha Stewart Living Omnimedia, một công ty đa phương tiện sản xuất các sản phẩm liên quan đến gia đình và lối sống.

Vào năm 1999, Martha Stewart đã trở thành tỷ phú khi công ty Martha Stewart Living Omnimedia của bà bước lên sàn chứng khoán. Đợt phát hành cổ phiếu đầu tiên ra công chúng thậm chí đã huy động được số tiền 1,9 tỷ USD, mỗi cổ phiếu có mức giá khởi điểm là khoảng 18 tỷ USD. Martha Stewart đã trở thành tỷ phú ngay lập tức và được các trang báo đưa tin ngay trong ngày. Hiện khối tài sản ròng của bà ước tính là khoảng 400 triệu USD ở thời điểm tháng 11/2022.

 

VLAB tổng hợp