Home » Xã hội học thuật » Nhân vật truyền cảm hứng » Vinton Gray Cerf: “Sẽ có Internet giữa các hành tinh, sự kháng cự của chúng ta là vô nghĩa”

Vinton Gray Cerf: “Sẽ có Internet giữa các hành tinh, sự kháng cự của chúng ta là vô nghĩa”

Minh Hằng | 22/12/2022 10:55

Đến Việt Nam nhận giải thưởng 3 triệu USD của VinFuture 2022, TS Vinton Gray Cerf, “cha đẻ” của Internet, tiết lộ điều bất ngờ về tương lai của hệ thống thông tin toàn cầu này.

Năm nhà khoa học với nghiên cứu về Công nghệ mạng toàn cầu, World Wide Web, Internet và cáp quang, đã thắng Giải thưởng Chính của VinFuture 2022. Đây là công trình nghiên cứu giúp cho hàng tỷ người có thể tương tác trên Internet.

Ngày 21/12, trong chương trình giao lưu cùng chủ nhân giải thưởng VinFuture 2022, các chủ nhân của giải thưởng chính đã có những chia sẻ thú vị về hành trình nghiên cứu khoa học, và đặc biệt là tương lai của Internet.

Internet đã có từ lâu, nhưng tương lai của nó sẽ ra sao?

Tương lai của Internet: Có thể vươn khỏi Trái Đất

Trước câu hỏi Internet trong 10 – 15 năm nữa sẽ như thế nào, TS Vinton Gray Cerf cho rằng, Interet vẫn sẽ tiếp tục phát triển và sẽ luôn là công cụ hữu ích, nhưng nó có thể thay đổi hình thái một chút.

Thứ nhất, trên thực tế đã có một số người có hành vi cư xử không tốt trên Internet, do đó câu hỏi đặt ra bây giờ là phải làm sao để phát hiện những đối tượng này, đảm bảo rằng họ phải chịu trách nhiệm cho hành vi của mình. Đó là trách nhiệm của các viện, tổ chức, quốc gia để bảo đảm môi trường Internet trong sạch và hữu ích.

Thứ hai là tính tự chủ, với tư cách cá nhân, tổ chức, quốc gia, có thể tự bảo vệ cho người dân.

“Các nhà khoa học nhiều ngành kết hợp với nhau như thế nào để điều hướng cách con người tương tác trên Internet. Chỉ khi câu trả lời được đưa ra, chúng ta mới đảm bảo được rằng môi trường đó sẽ an toàn và hữu ích hơn. Chính các bạn trẻ sẽ là người cần thực hiện các nghiên cứu đó nếu muốn đạt được những tiến bộ trên trong tương lai”, TS Vinton Gray Cerf nhấn mạnh.

Tương lai của Internet sẽ là độ phủ sóng Internet rộng hơn, tốc độ truy cập và truyền dữ liệu nhanh hơn, nhiều thiết bị thông minh được kết nối hơn. Internet sẽ còn “vươn tay” ra ngoài Trái Đất.

“Đến thế hệ của bạn, có thể bạn sẽ chứng kiến sự lưu thông Internet giữa các hành tinh và sự kháng cự của chúng ta đối với tương lai này đều là vô nghĩa”, TS Vinton Gray Cerf dự đoán về tương lai của Internet.

Trí tò mò trong khoa học: Điều kiện cần, nhưng chưa đủ!

Muốn thực hiện những nghiên cứu về khoa học nói chung và công nghệ mạng nói riêng đòi hỏi các nhà khoa học cần phải có trí tò mò. Đây là một trong những phẩm chất quan trọng nhất của người nghiên cứu. Thế nhưng, làm sao để chúng ta có thể phát triển trí tò mò và giữ ngọn lửa đam mê khoa học?

Ba trong số năm chủ nhân giải thưởng Chính VinFuture 2022 đã đưa ra câu trả lời thú vị cho câu hỏi này.

Theo TS Vinton Gray Cerf, trí tò mò giúp thu hẹp khoảng cách và tạo động lực cho chúng ta tìm tới câu trả lời.

“Trong ngành nghề của tôi, khi tôi muốn thử nghiệm một cái gì đó, tôi cần đưa ra một dự đoán trước và thử nghiệm dự đoán này. Đây là một biểu đồ hình cong hình thành từ dự đoán, thử nghiệm và đo đạc. Đột nhiên, trong quá trình lại có thông số lệch hẳn đường cong. Một số nhà khoa học nói đó là sai số. Một số khác lại nói: ‘Lạ nhỉ. Đây mới là thứ giành giải thưởng quốc tế’. Đây là lý do con số kia lạc hẳn đường cong thông thường. Đương nhiên là những giả thuyết phỏng đoán sẽ kết hợp để giúp chúng ta hiểu sâu về cách vận hành thế giới”, TS Vinton Gray Cerf chia sẻ.

Cũng trao đổi về trí tò mò, TS Emmanuel Desurvire, đồng chủ nhân Giải thưởng Chính VinFuture 2022, nhận định, trí tò mò trong nghiên cứu là một thứ rất quan trọng. Chúng ta hãy quan tâm tới cả những thứ không thuộc chuyên ngành của ta, để trí não phát hiện ra cả các vấn đề liên quan. Hãy để trí tưởng tượng tự do bay lượn, từ đó soi chiếu lại chính chuyên ngành của mình.

“Tuy chúng ta tò mò và ước mơ bay bổng nhưng chúng ta không xa rời hiện thực. Điều này sẽ giúp ích nhiều trong việc đưa ra giả thuyết ngay lập tức khi nghiên cứu”, TS Emmanuel Desurvire cho biết thêm.

Đồng quan điểm với 2 nhà khoa học trên, GS Sir. David Neil Payne, đồng chủ nhân Giải thưởng chính VinFuture 2022, bổ sung thêm, vấn đề này thực chất có liên quan tới hạ tầng nghiên cứu phát triển. Bởi nghiên cứu từ sự tò mò có thể coi là đang ở level 1. Nhưng khi chúng ta ở trong một doanh nghiệp nào đó, muốn một sản phẩm hoạt động nhanh hơn, hiệu quả hơn thì thứ ta cần lại là một hệ sinh thái. Điều này là đặc biệt khó khăn tại các nước mới nổi với điều kiện có hạn. Đó là lý do vì sao chúng ta cần trợ giúp từ chính phủ.

GS Sir. David Neil Payne cho biết: “Tôi biết ở Việt Nam, chính phủ cũng đặt nhiều quan tâm và đầu tư cho nghiên cứu và phát triển. Theo kinh nghiệm của tôi, bản chất của tò mò là tính hiếu học. Nhiệm vụ của các giảng viên là phải khuyến khích sự tò mò đó, thay vì dập tắt nó. Tuy nhiên, trên quan điểm của tôi, học sinh cần chủ động tìm kiếm câu trả lời mà không cần đến giảng viên của mình. Đó mới chính là thành công”.

Giải thưởng chính VinFuture 2022 (Grand Prize) vinh danh 5 nhà khoa học gồm GS Sir Timothy John Berners-Lee; TS Vinton Gray Cerf; TS Emmanuel Desurvire; TS Robert Elliot Kahn và GS Sir David Neil Payne với công trình Công nghệ mạng toàn cầu.

 

VLAB tổng hợp