Home » Xã hội học thuật » Nhân vật truyền cảm hứng » Năm điều cần biết về Christine Lagarde – nữ chủ tịch đầu tiên của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB)

Năm điều cần biết về Christine Lagarde – nữ chủ tịch đầu tiên của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB)

 

Christine Lagarde là nữ chủ tịch đầu tiên của Ngân hàng Trung ương châu Âu, được bổ nhiệm vào cuối năm 2019.

Chức vụ này đã góp phần đánh dấu một vai trò mới trong sự nghiệp đáng ngưỡng mộ với những khoảnh khắc làm nên lịch sử của bà – cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp.

1. Từ một luật sư trở thành Bộ trưởng Bộ Tài chính

Christine Lagarde sinh ra ở Paris và hoàn thành sự nghiệp học tập của mình ở Pháp. Bà tốt nghiệp trường luật tại Đại học Paris Nanterre. Sau khi được Liên đoàn luật sư Paris tiếp nhận, bà gia nhập công ty luật đa quốc gia Baker McKenzie.

Xuyên suốt quá trình thăng tiến tại công ty luật của mình, Lagarde là một chuyên gia về luật lao động và chống độc quyền, cũng như về mua bán và sáp nhập.

Năm 2005, bà rời Baker McKenzie để dấn thân sâu vào giới chính trị với tư cách là Bộ trưởng Bộ Ngoại thương Pháp. Trong vòng hai năm, bà tiếp tục được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Tài chính và Kinh tế Pháp – trở thành lãnh đạo tài chính nữ đầu tiên của một quốc gia G-7.

2.Nữ tổng giám đốc đầu tiên của IMF

Tuy nhiên, con đường tiến bước của bà không chỉ dừng lại ở đó: Năm 2011, bà được đề cử làm giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế đồng thời cũng trở thành người phụ nữ đầu tiên nắm giữ vị trí đó. Bà cũng đã lãnh đạo trụ sở tại Washington kể từ đó.

Lagarde giám sát các chương trình cứu trợ cho Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Ireland trong suốt giai đoạn đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng nợ công diễn ra vào năm 2001 và 2012. Đây là ba quốc gia sử dụng đồng tiền chung – Euro với tư cách là thành viên của khu vực đồng Euro. Điều này cũng có nghĩa là bà hiểu rõ các nền kinh tế mà sau này bà sẽ sớm phục vụ khi trở thành chủ tịch ngân hàng trung ương.

3.Nữ chủ tịch đầu tiên của ECB

Đầu tháng 7 năm 2019, đại diện của 28 quốc gia châu Âu đã chọn bà làm chủ tịch tiếp theo của ECB. Nhiệm vụ chính của bà là kiểm soát lạm phát và thực thi các quyết định chính sách tiền tệ cho khối liên minh. Bà chính thức tiếp nhận công việc mới vào ngày 1 tháng 11 năm 2019.

“Đối với tôi, Christine Lagarde là người dứng đầu của IMF. Cô ấy là một người phụ nữ kiên cường, là một người biết mình muốn gì và có thể đưa ra những định hướng rất rõ ràng.” Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte chia sẻ với CNBC. “Khi bạn đến gặp cô ấy để vay tiền, (cô ấy) sẽ là người rất khắt khe với các điều kiện đưa ra, vì vậy tôi không muốn đất nước mình trở thành một quốc gia châu Âu phải đến ECB để nhờ cậy.”

4.Vụ Tapie

Khi còn là bộ trưởng tài chính của Pháp, Lagarde được cho là đã can thiệp vào để chấm dứt một cuộc tranh chấp tại tòa kéo dài 14 năm bằng cách ra lệnh cho một hội đồng thẩm phán phân xử vụ kiện liên quan đến doanh nhân Bernard Tapie – một người bạn của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. Vụ việc kết thúc với lệnh yêu cầu nhà nước Pháp hoàn trả khoảng 400 triệu euro tiền bồi thường thiệt hại cho Tapie.

Phe chống đối cho rằng bà đã can thiệp vào hệ thống tư pháp. Tuy nhiên, ở phe đối lập, những người ủng hộ hành động này lập luận rằng chính phủ sẽ phải đối mặt với việc tổn thất một số tiền lớn hơn nếu quá trình tranh chấp này tiếp tục kéo dài.

Việc Lagarde quyết định không kháng cáo “giải thưởng lớn” mà ban hội thẩm đã trao cho Tapie đã khiến bà bị kết tội sơ suất bởi tòa án phán quyết về các trường hợp hành vi sai trái của cấp bộ. Mặc dù có thể phải ngồi tù một năm và phạt 13.000 euro (14.650 USD), bà sau đó đã không phải nhận trừng phạt.

5.Vận động viên bơi nghệ thuật

Lagarde từng là thành viên của đội tuyển bơi nghệ thuật quốc gia Pháp. Bà từng giành huy chương đồng giải vô địch quốc gia trong nước.

Các nhà lãnh đạo châu Âu và Bộ trưởng Bộ Tài chính đã khẳng định rằng Lagarde là người phù hợp để lãnh đạo Ngân hàng Trung ương châu Âu. Mạng lưới quan hệ rộng cùng kỹ năng giao tiếp chính là những điểm mạnh của bà.

Một số nhà phê bình đã đặt câu hỏi về khả năng đưa ra các quyết định chính sách tiền tệ của bà với lí do bà chỉ có nền tảng về luật hơn là về kinh tế. Tuy nhiên, những người thường xuyên tiếp xúc và làm việc với bà tại IMF đã nói rằng bà là một người biết lắng nghe và có khả năng đưa ra quyết định dựa trên chuyên môn của các nhà kỹ trị tại ngân hàng trung ương.

VLAB lược dịch

 Link bài viết: https://www.cnbc.com/2019/07/11/who-is-christine-lagarde-the-new-ecb-president.html